Thuê nhà ở riêng để đổi lấy sự tự do
0h, Thu My (30 tuổi, làm truyền thông, Hà Nội) cho biết vẫn không tài nào chợp mắt nổi vì đây là lần thứ N cô phải cố ngủ khi em gái ở bên vẫn chong đèn học bài, nói tiếng Anh bên tai. "Nhà chật nên tôi và em gái phải cùng chia sẻ không gian sống. Em học trong phòng ngủ của tôi. Nhiều lần, tôi nhắc em phải học bài xong trước khi tôi đi ngủ để sáng tôi kịp dậy đi làm. Nhưng em không nghe hoặc cần học gấp để đi thi nên nhiều hôm vẫn bật điện sáng như ban ngày, khiến tôi khó chìm vào giấc ngủ, ảnh hưởng kéo dài tới sức khỏe tinh thần", Thu My nói.
Đến khi chuyện bị làm phiền giấc ngủ đã kéo dài vài tháng, Thu My quyết tâm thuê trọ cùng bạn thân và nơi này chỉ cách nhà bố mẹ cô khoảng 10 phút đi xe máy. Khi ở riêng, Thu My cảm thấy dễ chịu khi đồ đạc của cô vẫn ở nguyên vị trí cũ, không có sự xáo trộn. Đây là điều cô không có được khi ở chung bởi mẹ thường xuyên cất đồ của cô ra vị trí khác mà không thông báo.
"Tôi nhận thấy sự khác biệt nếp sống, thói quen sinh hoạt giữa các thế hệ trong gia đình tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất cập. Ngoài việc phải chia sẻ không gian sống với em gái, khi ở chung nhà, tôi không được quyền sắp xếp đồ đạc, nội thất theo ý mình và mất nhiều thời gian tìm đồ của bản thân. Bố mẹ có nhiều thói quen sinh hoạt mà tôi cho là kém hợp lý nhưng ý kiến của tôi không được lắng nghe. Mặt khác, bố mẹ cũng không đồng tình với một vài thói quen sinh hoạt của tôi. Ngoài điều đó, phụ huynh liên tục thúc giục tôi lấy chồng, đưa ra nhiều quyết định thay tôi khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Vì thế, thuê nhà bên ngoài giúp tôi bớt đau đầu". Nửa tháng nay, cô ngủ ngon hơn dù điều kiện vật chất của nhà thuê không bằng ở nhà bố mẹ.
Ở riêng, Thu My được tự quyết về nội thất, trang trí, thích mua gì mua nấy thay vì chịu sự quản lý từ phụ huynh. "Quyết định ra ở riêng hoàn toàn chính xác, tôi không bị làm phiền bởi nếp sinh hoạt khác biệt của mọi người trong gia đình. Tôi thuê nhà để đổi lấy sự tự do thuộc về riêng mình dù chi phí tốn kém hơn nhiều so với ở chung. Đây cũng là cơ hội để tôi trưởng thành và tự lập hơn", Thu My nói. Cô đang chi khoảng 2,5 triệu đồng tiền trọ; khoảng 3 triệu đồng tiền ăn, 500.000-700.000 đồng tiền điện - nước - internet; 250.000 đồng tiền gửi xe, chiếm từ 40% đến 50% thu nhập hàng tháng. Chưa kể, cô cũng tốn thêm chi phí đầu tư nội thất mới và đồ điện tử, gia dụng phục vụ sinh hoạt.
Bốn năm nay, Phạm Quang Minh (29 tuổi, nhiếp ảnh gia, Hà Nội) cũng chọn sống riêng ở quận Đống Đa, chấp nhận chi phí sinh hoạt, ăn uống gấp từ hai đến ba lần dù nhà bố mẹ ở ngay quận Cầu Giấy chỉ cách 15-20 phút đi xe máy. Anh nói: "Khi gia đình nhiều thế hệ cùng sống chung, chúng tôi không tránh khỏi những xung đột về tư tưởng, lối sống. Công việc của tôi có tính chất tự do, thời gian làm việc không cố định, đi sớm về muộn. Tôi cũng lập nghiệp không theo định hướng gia đình nên đôi lúc có những bất đồng, tranh luận lớn xảy ra. Những điều đó đều ảnh hưởng đến tâm lý lẫn sự tập trung của tôi dành cho công việc. Vì vậy, để tập trung phát triển công việc cũng như tiện đi lại, làm việc với khách hàng nên tôi quyết định ra ở riêng và cũng có thêm không gian cho văn phòng làm việc của mình".
Từ khi ra riêng, Quang Minh có được sự thoải mái, tự do, giảm các bất đồng, xung đột với gia đình. Tuy nhiên, anh phải dành thời gian nhiều hơn cho việc chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, ít khi có bữa cơm nhà quây quần. "Dù chi phí tăng lên nhiều so với ở chung và gặp một vài khó khăn nhất định khi tự lập, tôi vẫn thích cuộc sống riêng khi có thể chủ động hơn trong các hoạt động thường nhật. Tôi cũng có thêm thời gian, đầu óc để tập trung phát triển công việc như mong muốn", anh nói.
Thảo Vy (27 tuổi, nhân viên văn phòng, TP HCM) cho biết lý do lớn nhất khiến cô ra ngoài ở là bởi cảm thấy bị gò bó, chăm sóc và bảo bọc quá mức của bố mẹ. "Nếu tôi đi làm về, ngồi lướt điện thoại mà không ăn tối ngay, tôi sẽ bị bố mẹ nhắc. Tôi cũng luôn phải báo trước để nhà không nấu cơm khi có việc cần ra ngoài xã giao. Nếu đi chơi về quá 23h, tôi cũng phải báo trước để bố mẹ không chờ cửa và lo lắng. Bố mẹ hay giúp tôi dọn phòng dù tôi muốn tự mình làm. Vào ngày cuối tuần, dù muốn rủ bạn bè về nhà chơi, tôi cũng ngại vì bố mẹ hay quan tâm, hỏi han nhiều về đời tư của bạn bè, khiến cả bạn lẫn tôi đều không thoải mái. Tôi cũng cảm thấy có lỗi khi không phụ được gia đình nhiều việc nhà vì công việc của tôi quá bận", cô cho hay.
Hiện tại, Thảo Vy thuê nhà riêng cách nhà bố mẹ 30 phút đi xe. Cô tốn thêm 4 triệu đồng tiền nhà, tiền ăn tăng gấp từ 1,5 đến hai lần so với trước (khoảng từ 3,5 đến 4 triệu đồng) vì cô thường xuyên ăn ngoài. Cô cũng cảm thấy tủi thân hơn khi bị ốm không có ai chăm sóc, chiều chuộng. Nhưng giống các trường hợp kể trên, trong 1,5 năm vừa qua, Thảo Vy vui vẻ khi được thoải mái sống trong không gian của riêng mình.
Gánh nặng tài chính khi ở riêng
Phạm Công Dương (22 tuổi, giáo viên dạy vẽ của một trung tâm mỹ thuật, Hà Nội) cũng thuê trọ bên ngoài dù nhà bố mẹ ngay gần. Mỗi tháng, anh chi khoảng 3 triệu đồng tiền trọ, 750.000 đồng tiền điện - nước - internet, 2 triệu đồng tiền ăn uống, chiếm tới 40 % thu nhập. "Ở với bố mẹ, tôi không phải lo vấn đề ăn uống, nhà cửa, điện, nước và mạng. Nhưng tôi vẫn chọn thuê trọ ở ngoài dẫu tốn kém vì có được sự thoải mái, được tự do đi lại và giờ giấc không bị gia đình giám sát, quản lý", anh nói.
Tuy nhiên, khoảng hai tháng trở lại đây, Công Dương đã phải quay trở về nhà bố mẹ ruột vì chi phí sinh hoạt quá cao so với thu nhập. Anh nói: "Một phần lý do tôi quay về là chi phí sinh hoạt, ngoài ra bố mẹ cũng khuyên tôi nên về để giảm bớt gánh nặng tài chính".
Chi phí sinh hoạt tăng lên gấp đôi khi ở riêng nên Thu My (nhân vật ở đầu bài viết) cũng phải tìm cách cắt giảm chi tiêu. Cô dự tính chỉ nhận lời cafe với bạn khoảng hai lần mỗi tháng, không đi xem phim, hủy các chuyến du lịch ngắn ngày, chỉ sắm sửa quần áo mới ba tháng một lần. "Tôi nghĩ mình phải nhận thêm một đến hai công việc khác ngoài công việc chính để phục vụ mục tiêu tăng thu giảm chi, vừa đáp ứng phí sinh hoạt tăng, vừa có tiền để dành mua nhà riêng trong tương lai xa", cô nói.
Hằng Trần