Tìm đến "gia đình một ngón" vào một chiều đông heo hắt gió, ngôi nhà cấp bốn xập xệ với mái nhà nửa ngói, nửa tôn xi măng đã oằn xuống vì thời gian. Trong căn nhà được bao bọc bởi những bức tường nứt nẻ có một cái bàn lỗ chỗ mối mọt, hai cái ghế băng cũ kỹ và vài thứ đồ đạc được bài trí tuềnh toàng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà, quấn sợi dây thừng mấy vòng vào cổ tay, đang nhón từng bước chân khó nhọc dắt bò vào chuồng. Mỗi bàn tay, bàn chân của ông Tuấn chỉ có đúng một ngón.
Sau một hồi hí hoáy với con bò, ông Tuấn vào nhà trò chuyện với khách. Chỉ vào các gót chân bành to ra một cách bất thường, ông Tuấn nói: "Các gót chân này giúp tôi có thể đi lại được nhưng rất khó khăn. Những hôm trời mưa, đi một đoạn đường từ nhà ra đồng khoảng một cây số mà ngã đến 10-15 lần, người ngợm đầy thương tích".
Bà Xuân, vợ ông Tuấn, đang cặm cụi làm hàng mây giang đan, chen ngang câu chuyện: "Tay ông ấy yếu, chẳng đỡ đần được nhiều cho vợ trong khi hai đứa con cũng mắc tật như bố. Nhà tôi đúng là khổ trăm bề!".
Ngửa cổ uống cạn cốc nước đun sôi để nguội, ông Tuấn nói về nỗi lo của cả đời ông: "Tôi đã cơ cực hết cả một đời rồi. Con tôi cũng lại chịu phận hẩm của kiếp người một ngón. Có cách nào thoát nghèo, thoát khổ không các chú?".
Cái nghèo thường kéo theo cái dốt. Mấy đứa con của ông Tuấn đâu được ăn học đến nơi đến chốn mặc dù các anh rất khát khao đến trường và tỏ ra rất thông minh. Người con cả tên Thương và cả cậu út nữa cũng đều phải xa trường xa bạn khi đang học lớp 6 và lớp 10, dù rằng để đến lớp họ đã phải bước những bước rất khó khăn trên con đường làng đầy đá sỏi, đêm đêm chắp hai ngón tay của cả hai bàn tay lại ôm bút mà luyện chữ... Năm nay Thương đã 27 tuổi mà không dám đi hỏi vợ vì mặc cảm "một ngón", nhà nghèo và sợ lại sinh ra những con người một ngón thì khổ.
Ngay sát nách nhà ông Tuấn là nhà ông Nguyễn Tiến Thiểu. Ông Thiểu là anh ruột của ông Tuấn: "Tôi sinh ra, chân tay đều chỉ có một ngón duy nhất nên bố mẹ đặt cho cái tên là Thiểu". Cuộc đời thật bất công với đại gia đình của ông Thiểu, cô con gái tên Hương và cậu con trai tên Đạt của ông cũng phải chịu cảnh "một ngón" giống như bố, chú và các em của mình.
Đạt năm nay mới 5 tuổi nhưng đã thuộc bảng chữ cái, đọc thông viết thạo. Nhìn Đạt hai tay ôm bút viết tên lên tờ giấy trắng, ông Thiểu rưng rưng nước mắt. Bà vợ hai sinh được một cậu con trai là Nguyễn Duy Đạt nhưng tạo hóa bạc đãi ông, gắn luôn dị tật giống cha, tay chân chỉ có một ngón nên bé Đạt như một định mệnh. Bù lại, Đạt thông minh. Mới 5 tuổi, cậu đã thuộc bảng chữ cái và viết được khá nhiều chữ, ghép vần thành thạo. Ông Thiểu nói: "Nó thông minh lắm, nhưng còn bé quá. Tôi lo khi bố mẹ mất đi, chẳng biết nó sẽ sống ra sao nữa. Tay chân thì thế, nhà lại nghèo....".
Còn Hương, năm nay đã 30 tuổi, có khuôn mặt xinh xắn và rất hoạt bát. Tuy có học may vá nhưng chị không thể làm nhanh và làm trong thời gian dài liên tục nên tiền kiếm được qua đường kim mũi chỉ cũng chẳng được là bao. Mặc cảm "một ngón" khiến Hương suốt ngày ru rú ở nhà. Chúng tôi hỏi về chuyện tình yêu, mắt nhìn xa xa, giọng Hương buồn buồn: "Yêu đương gì em kia chứ. Xa vời lắm các anh ạ. Em không dám nghĩ rằng mình sẽ có một gia đình nho nhỏ trong tương lai mặc dù em rất khao khát được làm vợ, làm mẹ"...
(Theo Thanh Niên)