Người ta cho rằng, cúc vạn thọ mang mùi hương đặc biệt có thể quyến rũ những vong hồn lạc lõng biết đường về. Bữa ăn tối được tổ chức thịnh soạn để mời vong hồn cùng dự trong dịp Dia de Muertos (Ngày của người chết) này. Sau khi hưởng xong những phẩm vật cúng tiến, người chết được đưa ra khỏi nhà bằng con đường rải đầy cúc vạn thọ để trở lại cõi vĩnh hằng. Tại thủ đô Mexico City, chợ búa bán đầy đầu lâu chứa đường, bộ xương người làm bằng giấy bồi và pan de muerto - loại bánh mì có hình những đoạn xương.
Cúng cô hồn ở Mexico. |
Ở Ấn Độ, ngày xưa có tục người vợ góa nhảy vào dàn thiêu xác chồng để chết theo. Tuy điều này bị nghiêm cấm chính thức từ năm 1829 nhưng đến nay vẫn xuất hiện vài nơi. Tại phương Tây, người ta biểu lộ lòng thương tiếc kẻ ra đi bằng cách bứt tóc hoặc đập đầu vào tường. Còn trong cộng đồng Hồi giáo, khi bố mẹ chết, con cái biểu lộ sự buồn thảm bằng cách xé rách áo phía bên trái, 30 ngày sau đám tang mới khâu lại nhưng vẫn chừa một chỗ khá lớn.
Tại Ireland, người ta quần tụ quanh quan tài suốt đêm để uống rượu, trong khi đó, người Surma ở Ethiopia biểu lộ sự đồng cảm với tang chủ bằng cách mỗi người mang đến ba con bò (trâu) được trang hoàng lòe loẹt, dẫn đi ba vòng quanh nấm mộ mới và hát, nhảy, vỗ tay. Người Hindu, Hồi giáo và vài sắc dân thôn dã ở Hy Lạp cũng có tục hát trong đám tang nhưng thường thuê người ngoài họ để làm chuyện này.
Ở Madagascar, thi hài được thiêu vài năm sau khi chết. Mảnh chiếu quấn thi hài được xem là biểu tượng của sự sinh sản. Bởi thế, người ta thường lấy lại chiếc chiếu trước khi thiêu thi hài và dùng trong việc chăn gối với hy vọng sinh nở dễ dàng. Dân Nyakyusa ở Tanzania xem buổi lễ tang là dịp nhảy múa và ve vãn. Được kích thích bởi nhịp trống cuồng loạn, đám đàn ông nhảy múa theo nghi thức chiến tranh để xua tà ma đồng thời làm phấn khích đám phụ nữ. Sau đó, đám phụ nữ đi quanh đám đàn ông rồi tất cả cùng thực hiện chuyện truy hoan.
Quái dị hơn hết là dân Dowayo ở Bắc Cameroon. Trong ngày lễ tang, người vợ góa bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài và ngăn cấm tuyệt đối chuyện ái ân. Tuy nhiên, ngay sau khi lễ tang kết thúc, bà ta được phép xuất hiện và có thể sinh hoạt ái ân với bất cứ ai mình thích! Chưa hết, cái đầu thi thể đàn ông thường bị chặt rồi mang ra ngoài địa phận làng để được vẩy... phân vào. Sau đó, một thân nhân lấy cái đầu lâu ấy đặt lên đầu mình rồi nhảy múa trước khi chôn nó trong hầm mộ đầu lâu hay ngôi mộ làm toàn bằng đá.
Ở Borneo, Indonesia, Madagascar và một vài nơi ở Trung Quốc, đặc biệt trong cộng đồng quan thoại, trước khi được chôn, thi hài bị lóc hết thịt để mau phân hủy. Ít nhất 7 năm sau, hài cốt được khai quật, thiêu và đặt vào hũ cốt rồi lại được chôn trong ngôi mộ đẹp hình móng ngựa. Người Hoa quan thoại tin rằng phải thực hiện như thế thì kẻ quá cố mới phù hộ cho người sống làm ăn khấm khá.
Dân Toraja ở đảo Sulawesi (Indonesia) có tục còn kỳ quái hơn. Sau khi chết, kẻ quá cố không được chôn mà quấn vào một tấm mền bông rồi đặt trong phòng tối, cạnh bên có một cái tô và cái tách để tạo cảm giác dường như người đó chưa chết mà chỉ bệnh. Vài tháng sau, thi hài từ từ khô dần. Đến ngày lễ tang chính thức, khách mời kéo đến, mang theo gà, lợn (đã bị giết và lấy máu chúng vẩy khắp cả đường phố). Lúc này, thi hài được mang ra, tung lên không trung trong tiếng la ó. Sau đó, thi hài được chôn tạm rồi người ta tổ chức ăn uống, ca hát và nhảy múa (kéo dài đến vài ngày). Một năm sau, thi hài lại được quật lên để được đem chôn ở nơi cuối cùng, trong ngôi mộ đục từ vách đá.
Dân Parsees ở Bombay (Ấn Độ) thì chôn người chết... trên không. Thi hài được đặt trên một phiến đá trong Tháp thanh tịnh, một kiến trúc không có mái cũng như cửa sổ để bọn chim dễ dàng nhào xuống rỉa xác. Dân Hindu ở Ấn sử dụng hình thức thiêu. Thi hài được rửa thật sạch, liệm rồi phủ đầy hoa khi được đặt trên dàn thiêu. Lửa không những thiêu hủy nhanh xác chết mà còn tinh lọc cũng như khiến linh hồn mau siêu thoát để đầu thai sang kiếp sau, sung sướng hơn. Sau khi thi hài cháy hết, tro được đổ xuống sông Hằng.
Ở Bali (Indonesia), thi hài được chôn tạm cho đến ngày tang lễ chính thức được nhà chiêm tinh ấn định. Vào ngày đó, thi hài được quật lên và thiêu rồi đặt vào cái quách gỗ đẽo hình con vật. Tùy theo đẳng cấp hoặc địa vị của người chết, quách sẽ được đẽo thành hình con vật tượng trưng. Chẳng hạn, lính hay giới chức chính quyền thì có quách hình rồng; nhà tu hành thì có quách hình bò thiêng. Quách được đặt trên giàn giá được trang trí sặc sỡ. Theo tiếng nhạc và vũ điệu, quách được mang đến giàn thiêu bằng chiếc xe tre...
(Theo An Ninh Thế Giới)