![]() |
“Bệnh” nghiện nhắn tin của người Trung Quốc đang tạo ra cơ hội kiếm tiền cho các chuyên gia soạn tin nhắn. |
Tuy nhiên, nhiều công việc mới khác chưa từng nghe nói trước đó đang và sẽ tiếp tục xuất hiện, không chỉ vì xã hội ở Trung Quốc (TQ) đang thay đổi nhanh chóng, mà còn vì người dân TQ giờ đây chú tâm hơn vào những nhu cầu cá nhân nhỏ nhặt.
Chính quyền Thượng Hải gần đây cho biết họ sẽ công bố 65 nghề mới với những lời mô tả rõ ràng trước cuối năm nay, đồng thời khuyến khích người dân “báo cáo” cho nhà chức trách về sự xuất hiện của bất kỳ nghề mới nào. Tuy nhiên, những nghề mới không chỉ là đặc quyền của các thành phố lớn và các khu vực duyên hải phát triển. Tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, nghề “Phân tích hôn nhân” thu hút sự quan tâm của người dân địa phương.
Khi Trương Lập Anh bắt đầu cung cấp dịch vụ hướng dẫn hôn nhân cách đây vài năm, đa số khách hàng của bà yêu cầu các biện pháp đơn giản để chấm dứt các cuộc hôn nhân của họ càng sớm càng tốt. “Giờ đây, họ cần những đề xuất về cách tránh ly dị và nhiều người trong số họ đến nhờ giúp đỡ khi nguy cơ tan vỡ hôn nhân vẫn còn xa. Việc của chúng tôi không phải là can thiệp vào các quyết định của khách hàng mà là giúp họ có những quyết định sáng suốt hơn”, Trương nói.
Ngành viễn thông đang tăng trưởng mạnh của TQ cũng trở thành “lò” sản sinh nghề mới. Có gần 200 triệu người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) ở TQ, hơn 30% trong số họ cho biết các tin nhắn chữ và hình ảnh đã trở nên “không thể thiếu” trong cuộc sống của họ, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây. Không chỉ các hãng viễn thông tận dụng sự lệ thuộc việc nhắn tin qua mobile để tăng lợi nhuận, mà những người giỏi soạn các tin nhắn, cũng được lợi. Những tin nhắn phổ biến thường là các câu chuyện vui có câu từ dí dỏm, chơi chữ, những lời chào cầu kỳ, hình ảnh độc đáo và những âm thanh vui tai của ĐTDĐ.
Thẩm Cường, một người làm công việc viết tin nhắn ĐTDĐ toàn thời gian ở thành phố Dương Thành, tỉnh Giang Tô, có thể kiếm được 6.000 nhân dân tệ hằng tháng bằng cách soạn tin nhắn 3 chiều cho một cổng Internet ở TQ. Trước đó, khi làm công việc này bán thời gian, Thẩm chỉ kiếm được 1.000 tệ/tháng. Số lượng công ty chuyên soạn tin nhắn hiện đang bùng nổ ở TQ, thu hút ngày càng nhiều người có “năng lực đặc biệt” nói trên. Những người như Thẩm thì bán tin nhắn qua website riêng của mình.
Những công việc thực tế hơn cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như “tài xế thay thế”, tức những người giúp khách hàng lái xe trong những tình huống đặc biệt. Ngô Quân Cường, một “tài xế thay thế” ở Bắc Kinh, yêu thích công việc lái xe hơi đưa các chủ nhân say xỉn về nhà. Ngô bắt đầu làm công việc này từ tháng 5 và hiện công ty của Ngô có thể phục vụ 5-6 “đơn hàng” mỗi đêm, với khoản phí dịch vụ là 80-100 tệ/lần.
Theo Người Lao Động, cùng với sự xuất hiện các nghề mới là sự mất đi các nghề cũ như nghề sửa xoong chảo. TQ hiện có 1.857 nghề, giảm đi 3.000 nghề chỉ trong vòng 5 năm qua. Các nghề như giúp thực khách gọi món ở nhà hàng, thám tử tư, nhân viên khí tượng, người xin lỗi chuyên nghiệp và người chuyển hộ lời cảm ơn đang thịnh hành ở nhiều địa phương khác nhau.
Hiện các cơ quan chính quyền đang xem xét công nhận các nghề mới như người bảo vệ gỗ làm nhà, chuyên viên thiết kế đồ chơi và người quản lý an ninh thông tin... Thứ trưởng Bộ Văn hóa TQ Chu Hà Bình phát biểu một cách đầy tự hào: “Chỉ có một xã hội năng động mới có nhiều nghề mới lạ đến thế!”.