Tiểu Đắc Nhi
Sáng mùng Một ra đường là thấy đỏ ngập xác pháo. Trẻ con tranh nhau đi nhặt những viên pháo còn chưa nổ, châm lửa đốt đùng đoành buổi sớm mai. Mấy nhà thân nhau, lũ trẻ chạy qua chạy lại ngay cả buổi sáng mùng Một, chẳng sợ mang đến vận xui vì xông đất sớm.
Ngày Tết, nhà này phải đi qua nhà kia. Rồi nhà kia đi thăm nhà nọ. Cái quy trình hàng xóm qua thăm Tết nhau cứ thế mà rồng rắn. Mấy ông có khi kéo đến nhà một người, rồi nhậu nhẹt đến nỗi quên cả đường về. Mấy cô, mấy dì áo quần đẹp đẽ, qua ngồi cắn hạt dưa, ăn miếng mứt tự làm, tán chuyện đến hết ngày mới sực nhớ mình còn phải đi qua vài nhà nữa. Lũ trẻ con thì hớn hở chờ tiền mừng tuổi. Ngày đó chỉ có vài nghìn tiền mới, bỏ trong cái phong bì đỏ nhỏ xíu, vậy mà mỗi lần được lì xì, khuôn mặt đứa nào đứa nấy cũng hạnh phúc, rạng rỡ hẳn lên.
Tết không chỉ có mấy mùng năm mới. Hương vị Tết ngày ấy đã tỏa ngát từ 23, 24 giáp Tết rồi. Tiếng giã làm bánh nổ đùng đùng thâu đêm suốt sáng. Mùi bánh thuẩn ai đổ lan khắp không gian mùi trứng tráng. Rồi mùi mứt gừng, mứt dẻo nhà bên rim mà ướp hương cả nhà mình. Ngày Tết không thể thiếu củ kiệu, bánh Tét. Mấy dì, mấy mợ đi chợ về giỏ nào giỏ nấy đầy ắp củ kiệu. Những nong củ kiệu phơi trắng cả một khoảng sân dài. Rồi lá chuối bắt đầu trải ra, nhà nhà rục rịch gói bánh tét. Những đòn bánh dài, phải gói chặt tay để nấu mới không bị lại trong những ngày Tết. Bánh tét nhân thịt mỡ béo ngậy. Bánh tét nhân đậu xanh ngọt cho lũ trẻ. Đêm ba mươi, những nồi bánh rực lửa đỏ sáng lấp loáng. Ngồi bên cái ấm áp của bếp lửa, thấy gió lạnh giao thừa tan biến mất rồi.
![]() |
Những ngày Tết rất xa. |
Tết gắn liền với hoa. Nhà nào cũng mua cho mình vài chậu hoa trưng Tết. Nhà giàu thì mai, đào, quất gắn thiệp và dây diện nhấp nháy. Nhà thường thường thì hướng dương, hoa hồng rồi đến cúc, vạn thọ, trường sinh. Đêm ba mươi, trong cái bận bịu của dọn dẹp nhà cửa, các chú, các cô cũng rần rần đi lên hội chợ hoa để mua hoa giá rẻ. Gần giao thừa, hoa bán như cho, đổ thốc đổ tháo. Người mua người bán mua bán nhanh gọn. Ai cũng tranh thủ về đón giao thừa. Vậy là ba ngày Tết hoa tô sắc trong phòng khách của nhà. Cái sự bày hoa cũng ảnh hưởng đến cả năm. Có năm nhà cửa lục đục, nghiệm ra ngày Tết bày hoa hồng. Hoa hồng thì đa đoan, thì sắc cạnh lắm. Thôi thì Tết tới nhớ mua vạn thọ. Vạn thọ là trường thọ, lành phải biết.
23 Tết ông Táo về trời, các bác các chú thức đêm, thức hôm để canh cúng ông Táo. Quê tôi không có tục thả cá chép. Chỉ nhớ ngày đưa ông Táo về trời, cho trọn một năm. Các cô, các mẹ còn lo chọn trái cây ngon, đẹp để làm mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả đầy sắc màu trang trọng trên bàn thờ mấy ngày Tết. Bên cạnh là lọ hoa huệ màu đỏ. Ngày Tết không gì trang trọng bằng bàn thờ. Trầm thơm nghi ngút trong lư đồng đã được lau chùi kỹ lưỡng. Mùi hương lan tỏa cả căn nhà, linh thiêng mà đầm ấm.
Tết miền Trung đặc trưng bởi gió hây hây se se, nắng vàng nhè nhẹ. Bởi thế mà đi giữa Sài Gòn mấy ngày này, lại giật mình sao mà giống mấy ngày Tết quá. Thời tiết đẹp, sáng mùng Một, ba mẹ, con cái ngồi trên cây xe cánh én trành đi về nội. Đường về xa tít, đỏ lòm xác pháo, vàng ươm nắng nhẹ. Mùng Một về nội, mùng hai về ngoại như một truyền thống thường niên rồi. Ở đó, thế nào cũng gặp gia đình mấy chú, mấy bác. Lũ trẻ thì chơi phần lũ trẻ. Mấy anh em ruột, em rể ngồi nhâm nhi rượu, trong cái liếc lâu lâu của mấy bà nhắc uống ít thôi. Mà uống ít sao được khi lâu lâu mới Tết. Mấy ông mặt đỏ gay cười hề hề. Nên mấy chị em gái, em dâu ngồi tán chuyện với nhau trên trời dưới đất. Chỉ có người bề trên là vui nhất. Ngày Tết con cháu, dâu rể tụ họp đuề huề, vui vẻ êm ấm. Thế là mãn nguyện rồi.
Lũ trẻ nhỏ, hẹn nhau ngày Tết đi thăm thầy cô. Một đám đi bộ mỏi chân mà nhà cô giáo vẫn ở đâu chưa tới. Tới được nhà cô, đứa nào đứa nấy mặt mày bơ phờ, bụng réo inh ỏi. Thế là cô phải đãi học trò nhỏ bằng mấy đòn bánh tét, củ kiệu. Kỳ lạ, ăn bánh ở nhà cô sao ngon hơn ở nhà mình quá đỗi. Lũ trẻ nhỏ còn bày đặt rủ nhau chụp hình. Đứa mặc váy hoa. Đứa bỏ đồ đóng thùng quần "rin" áo thun mới mẻ. Chụp chung một tấm rồi không biết đứa nào giữ, bèn oẳn tù tù dành phần.
Ngày Tết cũng là mùa chụp hình. Các cô các chị xinh như hoa, đứng tạo dáng bên cây cảnh, con thú hay chui ở giữa tờ lịch khoét trống mà làm người mẫu. Gia đình cũng tranh thủ Tết chụp chung một tấm. Tấm hình năm này có bốn người. Tấm hình năm sau thêm mẹ đứng bồng em bé nhỏ xíu, mặc váy đầm cái mặt bị xị chuẩn bị khóc. Tấm hình năm sau... rồi năm sau nữa... rồi năm sau nữa... thấy chỉ còn mấy mẹ con đứng với nhau. Hồi đó mà còn ba mày, chắc thế nào ổng cũng la sao để cây chổi trước nhà trong ba ngày Tết.
Bây giờ, những ngày Tết đi qua sao mà bàng bạc quá. Ngồi dòm ra cửa, thấy tự nhiên có mấy ngày ngồi không ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn rỗi dữ vậy nè. Hàng xóm cũng không còn qua thăm nhau, mà đứng bên nhà, nhìn qua nhìn lại đầy hằn học năm tới thế nào tôi cũng làm cho ra lẽ, mấy tấc đất tưởng ăn của tôi được à.
Thị trấn cũ, người đi người ở. Người đã thành khói thành sương. Người mới đến ngơ ngác. Người ở lâu đời chẳng còn mặn mà với nơi này, với con người này, đóng mình trong những khối hộp to đẹp hai ba bốn tầng thay cho những ngôi nhà lụp xụp thuở nào. Càng ngày, cái thị trấn núi nhỏ bé còn dằn nhau trong sự đố kỵ và nhỏ nhen. Tiếng cười, lời hỏi thăm không còn tự nhiên, chân tình như cái ngày nào. Lũ trẻ không còn qua rủ nhau đi chơi Tết. Chúng có khi còn chẳng nhớ nổi mặt nhau. Do đó, ngày Tết cũng chẳng cần mua mứt, bánh cho nhiều. Chủ yếu để nhà ăn. Mua một ít đồ tranh thủ đem cúng ông ngoại, bà nội, bà cố những ngày trước Tết. Để Tết có về được thì về.
Thời này cái gì cũng là sẵn. Mấy ngày giáp Tết, quảy quả đặt mấy cặp bánh tét, mua mấy hộp bánh quy, ít mứt, ít hạt dưa, nước ngọt. Ra chợ tranh thủ mua ít thịt heo ngon, thịt bò, tôm cá bỏ tủ lạnh. Thế là thành mấy ngày Tết. Năm nào nhà nông thất bát, Tết của nhà buôn bán cũng chả ngon gì. Người nông dân, đợi chồng vợ con cháu ở miền trong về mang theo ít tiền dành dụm mới có thể sắm Tết. Bởi thế mấy ngày 29, 30 mới chộn rộn lên đôi chút. Những chiếc ba lô, giỏ đồ chất ngất ngưởng trên xe ôm, chạy vèo qua. Vậy là lại có thêm một người đi làm xa về ăn Tết.
Tết mang theo những cái nghĩa vụ phải làm tròn. Nghĩa vụ cha mẹ, con cái. Nghĩa vụ con dâu con rể. Nghĩa vụ họ hàng. Nghĩa vụ con buôn phải tặng quà cho bạn hàng để năm tới còn duy trì làm ăn. Nghĩa vụ đổi tiền lì xì để cho mấy đứa nhỏ con người quen. Trẻ nhỏ mở phong bì đếm tiền ngay sau cái lì xì của người lớn. Qua mỗi đợt Tết là bọn nhỏ lại so sánh thu hoạch với nhau. Khoản tiền của trẻ con càng nhiều đồng nghĩa với chức vụ và mối quan hệ của cha mẹ chúng càng cao, càng rộng.
Sài Gòn sẽ vắng, bởi những chuyến xe, chuyến tàu chật chội đưa người xa quê về với mảnh đất mình đã ra đi. Tết ở một vùng quê nào đó, dù phai mờ dư vị qua bao tháng ngày của nhịp sống hiện tại, vẫn còn có hương vị của ngày năm mới. Hương vị bây giờ là mùi của đoàn tụ, của những nhớ nhung, của chờ đợi và hi vọng.
Đêm ba mươi, giữa tiết trời se lạnh và bóng tối tĩnh mịch, vệt khói nhang mỏng tan vào không gian mang theo lời khấn mời người thân đã khuất về ăn Tết. Người đã khuất có trở về hay đã thành một sinh linh khác... chỉ có qua năm này năm khác, niềm tin về sự đoàn tụ trong những ngày này vẫn còn hiện hữu.
Đó là sự ấm áp bình dị của những ngày Tết ở mỗi người.