Pù Luông với những mái nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn núi, lẫn trong cau cọ, giữa núi rừng hoang dại. Từ Hà Nội, có thể bắt ô tô hoặc đi xe máy vào chiều thứ sáu hằng tuần lên tới Mai Châu và nghỉ đêm tại những bản làng sinh thái rất nổi tiếng trong ngành du lịch như bản Lác, bản Compoọng. Sớm hôm sau tiếp tục lên xe di chuyển theo hướng Co Lương, ngã ba Sại, thôn Đỏ. Từ đây, gặp đường 15C tách ra khỏi quốc lộ 15 đang chạy dọc sông Mã để vắt ngang khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Pù Luông mùa lúa chín. |
Có thể bắt đầu chuyến đi từ bản Đuổm, bản Hang, bản Eo Kến hoặc ngã ba Pà Khà, Kho Mường để tới các bản nằm sâu hơn trong núi cao. Những bản làng dựa lưng vào núi, dựa vào những đồi cọ xanh mướt và nhìn xuống thảm thung lũng lúa mượt như nhung ngay dưới chân nhà.
Cung đường đi bộ đẹp nhất dài khoảng 10km, đường mòn nhỏ quanh co men theo sườn núi, tầm nhìn hùng vĩ và hoang dã, thi thoảng lại có vài con suối cắt ngang đường. Buổi sớm, sương bay la đà trên các thung lũng, mặt trời lấp ló đỉnh núi, gió se se lạnh luồn qua các tán cây. Nếu đi đúng phiên chợ Phố Đoàn họp vào thứ năm và chủ nhật, bạn sẽ gặp người Thái, người Mường đi chợ phiên đông như mắc cửi, váy áo chen với nón tơi, giao thương tấp nập.
Bạn cũng có thể đi theo cung đường khác là đoạn Phố Đoàn đi bản Trình, bản Hin, bản Nủa thuộc xã Lũng Cao. Cung này đường thấp, bằng phẳng và có thể chạy xe máy nếu muốn. Bản nào cũng có một vài nhà nghỉ sinh thái phục vụ. Hoa nở ven cổng nhà, dọc bờ rào, đầy các lối đi, tràn căng sức sống. Dân bản địa chủ yếu là người Thái, rất thân thiện và hiếu khách. Đêm cuộn mình trong chăn ấm ngủ nhà sàn, bên bếp lửa hồng liu riu cháy, sớm mai nhìn qua ô cửa sổ, thấy những đám mây sũng nước sà từ trên đỉnh núi xuống, bên dưới là vạt cỏ đẫm sương, lích chích tiếng chim rừng trong ban mai yên tĩnh. Đó là những giây phút thư giãn tuyệt vời.
Một cung đường lên Pù Luông. |
Từ bản Nủa nếu có nhiều thời gian, bạn sẽ tiếp tục đi sâu hơn đến bản Cao Hoong và bản Kít, là hai bản đẹp nhất ở Pù Luông với những mái nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn núi, lẫn trong cau cọ, giữa núi rừng nguyên sơ và hoang dại. Từ Kho Mường cũng có đường tới bản Nủa mất độ hai giờ đồng hồ đi bộ.
Cũng có thêm một lựa chọn thú vị từ Phố Đoàn là đi bộ khoảng 8km để tới bản Eo Điếu thuộc xã Cổ Lũng. Đường đi vào Eo Điếu rất dốc, núi đá lô nhô, xuyên qua rừng luồng. Những cây cầu bằng tre mỏng tang bắc ngang dòng chông chênh lắt lẻo, đặc biệt có nhiều cọn nước nằm ven suối nom rất thanh bình và êm dịu. Bản nằm trên núi rất cao, nếu đi vào cuối thu sẽ gặp rất nhiều hoa trạng nguyên đỏ thắm.
Ở Pù Luông, dù đi theo bất kỳ cung đường nào thì hình ảnh ấn tượng nhất luôn là những mảng màu rực rỡ của cánh đồng, ở giữa là những con đường đất đỏ vạch ngoằn ngoèo. Lúa chen với đá nhấp nhô trên sườn núi, nhà chen với cau cọ. Nếu đi Pù Luông đúng mùa gặt, sẽ vui lây với niềm vui kĩu kịt quang gánh đưa thóc về của bà con. Lúa ở Pù luông không gieo trồng cùng một thời điểm nên con đường mang rất nhiều cung bậc, lúa vào đòng đang xanh thì con gái, lốm đốm vàng như buổi chiều nhạt nắng, óng ả chín vàng rực cả khoảng trời, lác đác có những thửa ruộng đã gặt chỉ còn trơ cuống rạ, lộ ra khoảng đất nâu ẩm ướt.
Pù Luông là một điểm đến thú vị với vẻ đẹp hoang dại của thiên nhiên, và một cuộc sống êm ả trên miền Tây biên giới. Và đó chính là lý do mà nhiều người đã đi và vẫn muốn quay lại mảnh đất này.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)