Người dân châu Á Thái Bình Dương bước qua năm 2006 với nỗi lo cúm gia cầm. |
Cúm gia cầm, sự chững lại của nền kinh tế và khủng bố đã đứng đầu danh sách các mối quan tâm với tỷ lệ bình chọn lần lượt là 25%, 23% và 21% bên cạnh các vấn đề khác như cuộc chiến tại Iraq, sự thay đổi khí hậu toàn cầu, nạn ô nhiễm và bệnh AIDS.
Tuy nhiên, tại từng địa điểm, sự quan tâm đến các vấn đề trên không giống nhau. 52% người được hỏi tại Hong Kong cho biết cúm gia cầm là mối quan tâm lớn nhất của họ vì những đợt bùng phát gần đây ở Trung Quốc và từ kinh nghiệm xương máu hồi đợt bùng phát bệnh SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp) làm chết hơn 900 người trong năm 2002-2003, trong đó Hong Kong có tới 300 nạn nhân.
Trái lại, những người Australia, nạn nhân của những đợt tấn công khủng bố ở đảo Bali (Indonesia) thì lại lo lắng hơn về tình hình khủng bố với tỷ lệ 33% trong khi chỉ 8% người được hỏi quan tâm đến cúm gia cầm. Trong khi đó, người Hàn Quốc lại chú tâm hơn đến sự chững lại của nền kinh tế. Người Nhật thì quan tâm nhiều nhất đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu...
Cuộc khảo sát do Viện Gallup thực hiện trên toàn cầu hồi tuần trước cho thấy, Trung Quốc và Việt Nam là những nước lạc quan nhất khi 75% người được hỏi cho rằng năm 2006 sẽ tốt đẹp hơn năm nay. Trong khi đó, người Hy Lạp và Bosnia-Herzegovinia lại bi quan nhất khi 54% được hỏi cho là năm 2006 sẽ rất tệ hại. |
Không có gì ngạc nhiên khi người dân châu Á Thái Bình Dương lo lắng nhiều nhất đến cúm gia cầm. Các chuyên gia y tế vẫn không ngừng cảnh báo rằng một đại dịch toàn cầu lấy đi hàng triệu sinh mạng có khả năng xảy ra vào năm tới. Trung Quốc, nước có 14 tỷ con gia cầm ra đời mỗi năm, được khuyến cáo là môi trường thuận lợi cho sự biến thể loại virus chết người này. Sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm càng nghiêm trọng hơn khi các loại thuốc chống H5N1 vẫn còn quá xa tầm tay của người nghèo. Theo một chuyên gia về cúm gia cầm, nhiệm vụ khẩn cấp nhất trong năm tới là phải đảm bảo thông tin chống cúm gia cầm đến được với mọi người trên thế giới thật nhanh chóng chứ không chậm chạp như năm nay.
Trong khi đó, các nhà phân tích vừa khẳng định rằng mối đe dọa từ mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở châu Á ngày càng lan rộng và khó đối phó hơn. Kể từ sau vụ 11/9 ở Mỹ, hơn 800 người đã bị giết chết tại châu Á trong 14 vụ tấn công do al-Qaeda thực hiện. Tại Đông Nam Á, Al-Qaeda có thể đã thiết lập được mạng lưới ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Bangladesh. Còn về vấn đề kinh tế, ở châu Á dù không rơi vào khủng hoảng nhưng cũng khiến tâm lý người dân một số nước trong khu vực lo ngại.
(Theo Thanh Niên)