20h ngày 31/8/1998, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bắt giữ 19 gái mại dâm và 19 khách mua dâm tại khách sạn Công Dung ở Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội.
Khách sạn Công Dung hiện nguyên hình là một “động” mại dâm được tổ chức hết sức chuyên nghiệp với quy mô lớn, gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ.
Vợ chồng ông bà chủ “động” Ngô Văn Thà, Nguyễn Ngọc Dung dần lộ diện. Trước khi bị bắt, Thà, Dung thuộc loại đại gia ở Hà Nội, họ sở hữu chiếc Mercedes 230 và có hàng tỷ đồng đầu tư vào thủy cung Thăng Long.
Phóng viên Tiền Phong đến trại giam Xuân Nguyên, Thủy Nguyên, Hải Phòng để gặp Nguyễn Ngọc Dung khi đang phải chịu án 12 năm tù.
Nguyễn Ngọc Dung. |
Nguyễn Ngọc Dung không có vẻ gì là một “má mì” khét tiếng. Gương mặt lúc nào cũng tươi cười và mặc dù ở tù người phụ nữ này vẫn tô son điểm phấn. Dung có vẻ vui khi gặp nhà báo, nói chuyện cởi mở, trả lời những câu hỏi “nhạy cảm” khá thẳng thắn, chứ chẳng vòng vo, tránh né.
Dung đã tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán, thời sinh viên vẫn thường ngồi ôtô cùng bố đến trường. Bố của Dung lúc đó là Hiệu phó Đại học Tài chính Kế toán, về sau lên Bộ Tài chính với cấp bậc tương đương chức Thứ trưởng.
Ra trường, Dung làm việc ở Phòng Kế toán, Vụ ngân sách, Bộ Tài chính được 10 năm. Sau khi cưới, cặp vợ chồng này xây khách sạn Công Dung trên đất do bố mẹ Ngô Văn Thà cho.
Hồi đó, vợ chồng Dung-Thà giao hẳn việc quản lý khách sạn cho người em họ Ngô Kim Nam. Nhưng Dung và Thà vẫn phải đứng trước vành móng ngựa với tư cách là chủ “động”.
Nhớ lại ngày đó, giọng Dung trầm hẳn xuống: “Nói thật, mọi việc lúc ấy giao cho cậu Nam làm hết, cứ nghĩ mình không phạm tội, nếu biết thì không dám làm đâu”.
Nghe Dung nói vậy, Thiếu tá Đỗ Hùng Cường, Đội trưởng đội giáo dục, Trại giam Xuân Nguyên “nhắc” ngay: “Anh Ngô Văn Thà lúc đó đã lấy bằng Thạc sĩ luật. Thạc sĩ luật chẳng lẽ lại không hiểu luật?”.
Dung đọc vanh vách những “động” mại dâm ở Hà Nội bị công an triệt phá gần đây: “Nếu so với khách sạn Lake Side, “động” lắc Hương Xuân, các đường dây gái gọi cao cấp... thì khách sạn Công Dung của bọn em ngày trước chỉ thuộc loại tép riu. Hình thức kinh doanh mại dâm ngày càng tinh vi hơn, chứ hồi bọn em làm thì còn “thô sơ” lắm”.
Vào trại Xuân Nguyên, Dung cải tạo tốt và được cử làm đội trưởng đội tự quản gồm 33 phạm nhân. Cô sinh viên Đại học Tài chính Kế toán ngày nào thường ngồi xe ôtô với bố đến trường giờ đây “ba cùng” với các nữ phạm nhân với đủ loại tội trạng, mới thực sự thấu hiểu nhân tình thế thái.
Dung thường chia sẻ với các bạn tù đồ ăn thức uống mà người nhà gửi lưu ký và những nữ phạm nhân trên vai “nặng trĩu” án tù vẫn chăm sóc Dung như người nhà trong những lúc ốm đau.
Trong thời gian được cho phép tại ngoại để chữa bệnh, Dung đã kịp bán mảnh đất ở Hà Nội nộp hơn 1 tỷ đồng cho cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Kết hợp với kết quả cải tạo tốt, Dung đang hy vọng sẽ có tên trong đợt đặc xá nhân ngày Quốc khánh 2/9 tới đây. “Ra tù, sẽ kiếm việc gì lương thiện để làm, dứt khoát không dính đến kinh doanh khách sạn nữa”. Nhắc đến từ “khách sạn” mặt Dung nhăn lại như cắn phải miếng đắng.
Dung, Thà cùng ở trại giam Xuân Nguyên nhưng mấy năm nay vẫn như thể “anh ở đầu sông em cuối sông”, chưa một lần gặp mặt. Khi chúng tôi ra về Dung nói: “Các anh nếu sang gặp anh Thà, cho em gửi lời hỏi thăm. Nói với anh Thà là em ở bên này vẫn mạnh khỏe”.
Cao Ngọc Bản. |
Cùng tội danh đó, hai người em và một người anh vợ của Bản cũng phải vào trại giam Hoàng Tiến “bóc lịch”. Trong buổi chiều nắng nhạt, thấy người đàn ông tóc muối tiêu này đang lặng lẽ quét dọn “căn phòng hạnh phúc”.
Gọi là “phòng hạnh phúc” vì đấy là nơi dành cho các phạm nhân cải tạo tốt được gặp vợ trọn vẹn trong một ngày, dẫu là “no dồn đói góp” thì đó vẫn là một phần thưởng tuyệt vời đối với người tù.
Cao Ngọc Bản cải tạo tốt, nhưng không nhận được phần thưởng này, bởi trại giam rất hạn chế cho phạm nhân nữ gặp chồng trong “căn phòng hạnh phúc” vì họ rất dễ mang thai và hàng loạt rắc rối sẽ đến.
Không được gặp vợ, nhưng lại ở bên cạnh và quét dọn, trang hoàng cho căn phòng hạnh phúc, có vẻ như đó là một “bi kịch” đối với Bản. Nhưng Bản vui vẻ chấp nhận “bi kịch” đó. Bản bảo: “Tình cảm vợ chồng ai cũng có, nhưng trong trường hợp này mình không được phép. Mình vẫn tận tâm phục vụ cho người ta đến nơi đến chốn vì có ai ở tù mới thực sự hiểu được vợ chồng được gặp nhau quý giá như thế nào”.
Bản nói tiếp: “Thỉnh thoảng, tôi vẫn được gặp vợ ở nhà kính, nhìn nhau qua song sắt thôi. Nhìn nhau mà có khi rơi nước mắt, trên đầu hai thứ tóc rồi mà vẫn dại, vẫn tham, đến gần cả gia đình kéo nhau vào tù”.
Gương mặt Bản trở nên bất động, có cái gì đó còn hơn cả sự nuối tiếc. Cách đây mấy năm, Bản còn đàng hoàng là giám đốc một công ty TNHH xuất khẩu thủy sản với 300 công nhân, hàng năm nộp ngân sách cho thành phố Hải Phòng hàng tỷ đồng. Nhưng sau vụ lừa đảo hóa đơn hoàn thuế giá trị gia tăng, Bản đã mất tất cả.
Giờ đây, lầm lụi ở một góc trại giam Xuân Nguyên trong bộ quần áo tù, trông coi “căn phòng hạnh phúc” cần mẫn đến mức người ta có cảm giác công việc đó phải là của Bản chứ không ai khác.
Bản nói: “Tôi chỉ mong cải tạo tốt, để sớm được ân xá, ra tù làm lại cuộc đời”.
Chẳng thể ngờ, những kẻ sát thủ máu lạnh và buôn heroin đã khóc ngay trong tù khi được chủ tịch nước ân giảm án tử hình xuống chung thân mà nói theo cách của phạm nhân là được “xuống xe” tử thần.
Lê Quang Vinh (sinh năm 1978 ở quận Hồng Bàng - Hải Phòng) có gương mặt đẹp trai nhưng lạnh lùng. Với vẻ lạnh lùng đó, Vinh đã tham gia băng cưỡi xe máy đi cướp dây chuyền trên đường phố. Bị bắt và kết án 7 năm tù, cứ tưởng như thế đã quá đủ, nào ngờ trong một cơn cuồng giận, Vinh đã đánh chết bạn tù.
Lê Quang Vinh. |
Vinh bị tòa phúc thẩm kết án tử hình và chỉ chờ ngày thi hành án. Vinh viết đơn xin chủ tịch nước ân giảm án tử hình. Cầm trên tay lá đơn được photo trong hồ sơ của Vinh ở trại giam, những nét nguệch ngoạc không ngay hàng thẳng lối, phản ánh đúng trình độ của một người chưa học hết cấp 2, nhưng cảm giác như mỗi chữ đều nặng trĩu xuống vì phải chở cái hy vọng sống của tử tù.
Gửi đơn đi và chờ đợi. Nhiều tử tù “hàng xóm” của Vinh đã bị thi hành án. Vinh tuyệt vọng chờ đợi đến lượt mình. Ngày 14/6, Vinh có thể quên tất cả các ngày khác trong năm, nhưng không bao giờ quên được ngày đó, ngày Vinh được Chủ tịch nước ân giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Nghe tin đó, Vinh gục xuống khóc nức nở. Khóc vì được tái sinh, vì đã tưởng chết hóa ra lại được sống. Và kể từ giây phút đó, Vinh cảm giác mình mang nợ cuộc sống.
Nguyễn Văn Minh ở Điện Biên, Lai Châu đưa heroin xuống Hà Nội lần thứ 2 thì bị bắt. Tòa kết án tử hình. Cuộc đời thật tréo ngoe, lúc Minh buôn hàng trắng, người em ruột lại làm Công an phòng chống ma tuý tỉnh Lai Châu. Hai anh em ở hai đầu trận tuyến, vì thế mà bây giờ vẫn không nhìn mặt nhau.
Đêm ở phòng biệt giam thật khủng khiếp, Minh không thể ngủ được, cứ khoảng 3 giờ sáng lại nằm áp tai vào nền xi măng để nghe tiếng chân cán bộ đi. Thỉnh thoảng lại có tiếng bước chân và Minh đã chứng kiến 30 kẻ tử tù được đưa đi thi hành án. Minh tính đốt ngón tay, có vẻ như sắp đến lượt mình.
Ngày 15/5/2004, khi nghe giám thị đọc ân giảm của Chủ tịch nước từ tử hình xuống chung thân, Minh tưởng như mình đang nằm mơ. Khi biết mình đã được “xuống xe” tử thần, người đàn ông có “mặt sắt đen sì” này ôm mặt khóc như một đứa trẻ.
Đó là một giây phút đặc biệt, không thể tả được, chỉ những người trong cuộc mới hiểu, nhưng dường như sau sự kiện chết đi sống lại đó, kẻ tử tù nào cũng sẽ sống lương thiện như lẽ tự nhiên phải thế. Minh đang cải tạo ở trại Xuân Nguyên rất tốt và đã được gặp vợ ở “phòng hạnh phúc” một lần.