8h sáng, nuốt nghìn bạc xôi, gói gia sản của mình vào chiếc túi đựng cám con cò gồm bộ quần áo, ca nhựa và chiếc bát cáu bẩn, kẹp chiếu vào nách, chị bò từ cầu thang tầng năm bệnh viện xuống một lùm cây cạnh nhà xác.
Người phụ nữ ngoài 30 tuổi ấy lẳng lặng đặt chiếu xuống góc trọ hằng đêm của hai vợ chồng rồi dựa tường thở dốc. Giờ làm việc, nội quy bệnh viện quy định bệnh nhân không được nằm ở hành lang.
Để có chỗ ngủ ổn định này, người phụ nữ liệt nửa người phải ngồi giữ chỗ từ đầu giờ sáng. Tên chị là Kiều Nga. Chị bảo: "Chỉ có cái tên đẹp. Còn lại là đau khổ". Chồng chị là anh Hoàng Văn Nghĩa. Chiến tranh cướp mất đôi chân của anh. Chị tình nguyện theo khi anh bị vợ bỏ cùng đứa con thơ.
Sống ở xã nghèo của huyện Khoái Châu, Hưng Yên, vợ chồng anh vay được non hai triệu đồng. Anh chị lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề đi cân sức khoẻ. Họ nhặt nhạnh từng đồng gửi về quê nuôi hai đứa con riêng ăn học.
Hơn một năm trước, bé Thêm, con chung của anh chị, ra đời. Đây cũng là lúc chị phát hiện mình bị ung thư tử cung. Chị đi hết bệnh viên Bạch Mai rồi K (Viện U bướu Trung ương).
Để có tiền nuôi vợ và mua sữa cho con, chồng chị phải khập khiễng chống gậy đi cân từ sáng đến tối. Nhưng những đồng tiền còm cõi của chồng cũng không thấm vào đâu so với tiền thuốc để chữa bệnh cho chị. Hai vợ chồng cùng nhau trốn viện ra gầm cầu Long Biên kiếm kế tồn tại.
Buông xuôi với bệnh tật được năm tháng, chị lại lên cơn đau. Anh Nghĩa đành cầm cố sổ chứng nhận thương binh trong ba năm được tám triệu đồng. Anh đưa vợ về Viện K.
Gần một năm điều trị với sáu lần mổ và bị liệt nửa người, hai vợ chồng kiệt quệ. Không còn khả năng nằm viện dù chị được giảm 75% viện phí, trong thời gian điều trị, chị xin ra ngoài. Và mấy tháng nay, hành lang bệnh viện trở thành giường bệnh.
Ban ngày chị ở tạm lùm cây cạnh nhà xác bệnh viện. Đêm đến, chị lại bò lên hành lang ngủ. Trong những ngày nằm viện, ngôi nhà tình nghĩa ở quê bị bỏ hoang. Đứa con lớn của anh nghỉ học mò cua bắt ốc thêm tiền cùng cha mẹ nuôi em.
Chị Nga nghẹn lời: "Bệnh di căn qua thận. Mỗi đêm tôi lại lên cơn đau. Bác sĩ nói phải xạ sáu toa hoá chất may ra tôi mới sống được ít lâu nữa. Nhưng mỗi toa gần hai triệu đồng. Chắc mình bỏ về quê". Chị bảo ước nguyện lớn nhất của mình là sống thêm vài tháng tới lúc con biết chạy.
Những hàng xóm hành lang của chị hay nhắc đến hình ảnh một bệnh nhân cụt chân chống nạng khập khiễng tay đẩy cân, tay nhặt từng mẩu sắt gỉ đem bán để mỗi chiều mua cho vợ hộp sữa.
Nhìn anh dựng cặp nạng của mình cạnh cặp nạng của vợ, xoa nhẹ lên bàn chân tê buốt của chị, mọi người mới hiểu điều lớn nhất còn lại của họ là tình yêu và những đứa con.
Không chỉ vợ chồng chị Nga, hành lang Bệnh viện U bướu còn hàng trăm bệnh nhân và gia đình nghèo lay lắt sống.
Chị Sâm (35 tuổi, Hà Nam) kéo đứa con năm tuổi vào lòng, thở dài: "Chồng tôi đi phụ hồ thuê tối ngày. Ở nhà không có ai trông nên tôi đành lôi nó lên đây. Các cục u nổi lên cổ mười năm nay nhưng tôi kệ vì không có tiền. Tới khi cổ sưng mủ, đau không chịu nổi tôi mới vay tiền đi bệnh viện mổ. Chưa trả hết nợ đợt đó, cổ nổi lên cục u khác".
Không đồng xu dính túi, hai vợ chồng chạy vạy được triệu đồng với lãi suất cắt cổ đi chữa bệnh. Bác sĩ nói mổ nhưng không biết ngày nào. Vậy là chờ. Trong túi hai mẹ con chỉ còn 20.000 đồng.
Hơn mười ngày qua, mẹ con chị đành ở hành lang bệnh viện. Đêm đến, họ mới được ngả lưng. Còn ban ngày thằng Tít mỏi lưng chỉ len lén gối đầu lên đùi mẹ.
Thằng Tít ôm mẹ: "Mẹ ơi con đói". Chị bảo: "Tuy gia đình có sổ xoá đói giảm nghèo được giảm viện phí nhưng tiền thuốc nhiều lắm. Không biết ở quê, cha nó có chạy được đồng nào không. Về thì chết, không về thì ăn xin qua bữa. Tôi chỉ thương thằng Tít mới năm tuổi mà phải đi khắp viện nhặt vỏ chai bán".
Chị Sâm kể: "Đất đai bán ráo. Gia đình tôi còn nợ 60 triệu đồng.Thằng lớn năn nỉ cho nó học hết lớp sáu nhưng đào đâu ra tiền. Thấy thằng nhỏ ham học mà nước mắt tôi xót xa. Không chữ nghĩa. Rồi đời con cũng khổ như đời mẹ thôi. Con ơi".
Cái nóc mùng lớn nhất hành lang bệnh viện là của gia đình chị Ngọc (Thanh Hoá). Đêm đến, cả gia đình sáu người chen nhau trong cái mùng ấy. Nhỏ nhất là đứa cháu ngoại mới 13 tháng tuổi. Cả nhà ở như vậy suốt hơn sáu tháng chị điều trị bệnh ung thư tử cung.
Đêm mưa. Nước mưa tạt ướt nửa chiếc chiếu mà thằng Tít đang nằm. Cụ Báu 81 tuổi đang nằm cong queo, kế bên là người đàn ông gầy gò đang gác tay lên trán. Hai phụ nữ và một em bé đang nghiêng nửa người để nằm vừa trong một chiếc mùng cá nhân. Kế bên là những tiếng thờ dài và kêu rên vì đau đớn.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)