![]() |
Một cháu bé bị bỏ rơi tại bệnh viện Từ Dũ. |
Nghe tiếng động, đứa bé khóc ré lên. Các mẹ ở làng kháo nhau có trẻ bỏ rơi, ai nấy đều kéo ra. Sau đó, đứa trẻ đã được chuyển cho chị Đỗ Thị Nhân nuôi.
Cháu gái bị bỏ rơi lúc đó mới được hai, ba ngày tuổi, chưa rụng rốn. Mọi người đặt tên cho cháu theo tên mẹ Nhân: Đỗ Thị Nhân Hoà. Giờ cháu Nhân Hoà đã lên 4 tuổi. Chị Đỗ Thị Nhân nói: “Tuy không sinh ra cháu, nhưng giờ, hễ đi đâu một ngày là tôi phải nhanh chân về vì nhớ cháu". Mới 4 tuổi, không biết có ai dạy không mà Nhân Hoà thi thoảng cứ ôm lấy chị rồi nựng: “Mẹ ơi, sau này con làm bác sĩ con chữa bệnh cho mẹ”, làm chị muốn ứa nước mắt.
Cách đây không lâu, chị Nhân cũng nhìn thấy một người đàn ông đi xe đạp đến cổng làng, để lại đứa trẻ bị bệnh đao rồi bỏ đi. Bảo vệ lấy xe máy đuổi theo, chặn được người đó, bắt quay lại đón con về. Lại có người chở hai đứa trẻ bằng xích lô, đứa lên năm, đứa lên bảy tuổi đều bị dị tật đến bỏ trước cổng làng. Khi chiếc xích lô đi rồi, hai đứa trẻ không biết đi đâu cứ đứng khóc. Lúc đó mọi người mới vỡ ra là hai em được bố mẹ thuê chở đến “đặt” ở đây.
Những người mẹ đem con bỏ trước cổng làng SOS Hà Nội thường không để lại cho con kỷ vật gì, ngoài mấy bộ đồ hay tã lót. Có đứa may mắn được mẹ chúng để lại chiếc khăn tự thêu những chữ cái viết hoa. Hay như mẹ cháu Mai Lan, khi bỏ rơi con trong chiếc túi vải trước cổng làng, còn để lại một lá thư: “Cháu là một người mẹ tội lỗi. Cháu sinh con ra, bỏ con cháu rất đau khổ. Nhưng vì hoàn cảnh cháu không thể nuôi con được. Cháu cầu xin các cô chú thương tình nuôi nấng đứa trẻ này giúp cháu...”.
Và mới đây, có ba cô gái tự xưng là sinh viên của một trường ở Gia Lâm, Hà Nội, bế đứa trẻ còn đỏ hỏn tìm đến gặp lãnh đạo của làng. Các cô kể đã nhặt được đứa trẻ này bị bỏ rơi trên đường đi học lớp tiếng Anh buổi tối về. Mới đầu, các cô đón cháu về khu trọ chăm sóc. Nhưng do còn đi học, không có điều kiện về thời gian và kinh tế, cũng như ngại dư luận dị nghị nên các cô đem đến nhờ làng chăm cháu.
Tin lời, làng đã nhận nuôi cháu bé. Tuy nhiên, khi họ ra về, anh bảo vệ lại nhìn thấy ở bên kia đường có một cô gái trông như người vừa sinh nở đứng đợi và họ vội vã đi như chạy trốn. Nghi đó là màn kịch bỏ con, Làng liền cho bảo vệ đuổi theo nhưng không kịp nữa.
Lại có ông chủ cho sinh viên thuê trọ mang đến làng một đứa trẻ mới sinh. Chủ trọ trình bày với Thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội rằng, nhà ông có cô gái thuê một mình một phòng, cô ấy đã bỏ đi và để lại đứa trẻ này trơ trọi trong phòng.
Tại Viện Nhi Trung ương, bác sĩ Trần Văn Học, cán bộ phòng kế hoạch tổng hợp cho biết, năm 2005 có 36 trẻ bỏ rơi tại viện. Năm nay, tính tới ngày 15/11/2006, đã có 12 cháu bị bỏ rơi tại các khoa, chủ yếu là trẻ sơ sinh.
Còn ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ bị bỏ rơi. Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết, mỗi năm, trung bình có 30-40 trẻ bị bỏ rơi tại đây.
Theo bác sĩ Hà Thị Kim Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 22 cháu thì có tới 20 cháu bị bố mẹ bỏ rơi ở đường xá, bệnh viện... và phần lớn đều không điều tra được thân nhân.
Như trường hợp cháu Nguyễn Thị Tâm, sinh ngày 22/3/2006 chẳng hạn. Khi đến sinh ở Bệnh việnY học cổ truyền Hà Nội, mẹ cháu khai là Đinh Thị Nga, 22 tuổi, ở Xóm Chợ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Đẻ xong, chị này đã bỏ lại con và Trung tâm phải nhờ công an phường Mai Dịch xác minh để làm khai sinh cho cháu, nhưng họ cho biết, trên địa bàn không có địa danh nào là Xóm Chợ.
Còn cháu Lê Thị Hiền cũng được trung tâm đón về ba tháng nay nhưng vẫn chưa dám làm giấy khai sinh, vì sợ cháu bệnh nặng không qua khỏi. Cháu bị bỏ rơi ngày 14/8/2006 tại khoa Tiêu hoá A7, Viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy dinh dưỡng độ III – rối loạn tiêu hoá. Trong bệnh án, tên mẹ được ghi rõ là Cao Thị Huệ trú ở Đội 5, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, Nam Định nhưng khi gửi thông báo về địa phương thì được UBND xã trả lời: không có ai tên này.
Bà Hà Thị Kim Quý nói, theo kinh nghiệm của mình, những đứa trẻ sinh ra có tình trạng bệnh tật như cháu Hiền có thể là con của bố hoặc mẹ bị nghiện ma túy.
Bên cạnh việc bỏ rơi con, theo Thạc sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều bà mẹ đã làm hợp đồng cho -nhận con từ trước. Khi vào viện sinh xong thì mẹ đẻ về một đường, mẹ nuôi đường hoàng bế trẻ đi một nơi.
Những đối tượng bỏ rơi con cũng khá đa dạng. Theo bác sĩ Ánh, có trường hợp người bỏ con là sinh viên nhưng số này khá ít bởi họ đa số là những người khá am hiểu về sức khoẻ sinh sản. Có đôi, cô gái cố giữ bào thai để ràng buộc, còn chàng trai lại phủ nhận đứa con, không chịu cưới nên khi cái thai quá to, họ giữ lại đẻ nhưng không có điều kiện nuôi được mới đem cho hoặc bỏ con. Một dạng bỏ con nữa là các ông bố bà mẹ có con sinh ra bị dị tật, bị nhiễm HIV.
Theo bác sĩ Hà Thị Kim Quý, một số lớn khác là các cô gái ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm việc làm, dính vào yêu đương, do không có kinh nghiệm trong quan hệ nên lỡ để thai quá lớn. Họ ngại dư luận, sự bố mẹ, không dám về quê nên đành cắn răng chịu đựng, thắt lưng buộc bụng, ở lại thành phố đẻ con trong nỗi sợ sệt. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều đứa trẻ sơ sinh bỏ rơi bị suy dinh dưỡng nặng và nhẹ cân.
Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc trung tâm nuôi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng Hà Nội thì có cái nhìn thông cảm hơn. Theo bà, những người phụ nữ khi phải từ bỏ đứa con mình mang nặng đẻ đau cũng xót xa và đau khổ lắm. "Đó chắc chắn là những người có hoàn cảnh éo le, đặc biệt và không ngoại trừ một bộ phận giới trẻ sống thử, thiếu kiến thức về sức khoẻ sinh sản", bà nói.
(Theo Tri Thức Trẻ)