
Ảnh: Georgia Grown
Hầu như tất cả chế độ ăn uống lành mạnh đều khuyến khích bạn ăn nhiều cá hoặc ít nhất 225 g hải sản mỗi tuần. Tuy nhiên không phải loại cá nào cũng giống nhau. Vì vậy bạn cần biết ăn cá có lợi ích gì cũng như cách lựa chọn đúng loại bổ dưỡng.
1. Những loại cá cần hạn chế ăn
- Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Theo Webmd, quá nhiều thủy ngân trong cơ thể có thể gây tổn thương não và thần kinh ở người lớn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các loại cá cần tránh xa bao gồm: cá kiếm, cá cờ xanh, cá mập, cá kình.
- Cá thu vua
Nhìn chung, cá thu vua là một nguồn cung cấp omega-3 đặc biệt tốt, có thể trở thành một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng cá thu vua - nhất là những con đánh bắt ở vùng biển Thái Bình Dương - có hàm lượng thủy ngân cao. Các bác sĩ cho biết trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên tránh hoàn toàn loại cá này.
- Cá tráp cam (Orange Roughy)
Loài cá này có vẻ ngoài sần sùi màu cam và có thể sống đến 150 tuổi. Chính điều này đã khiến cá tráp cam tiếp xúc với nhiều yếu tố không tốt cho sức khỏe, như thủy ngân, trong một thời gian dài. Loài cá biển sâu này không phải là lựa chọn tốt cho chế độ ăn uống lành mạnh.
- Cá ngừ
Cũng giống cá thu, các loại cá ngừ đều chứa hàm lượng thủy ngân. Ví dụ, nên tránh ăn cá ngừ vây xanh và cá ngừ mắt to. Cá ngừ albacore và cá ngừ vây vàng không chứa nhiều omega-3, vì vậy bạn cũng không nên ăn chúng quá một lần một tuần. Bạn nên dùng cá ngừ ít béo đóng hộp tối đa ba lần một tuần để cung cấp protein tốt cho cơ thể.
Một số loại cá không có nhiều thủy ngân đến mức bạn phải tránh hoàn toàn, nhưng cũng không dồi dào omega-3 để tiêu thụ thường xuyên như cá vược Chile, cá chim lớn, cá nục heo cờ, cá hàm ếch, cá hồng biển.
- Cá chép bạc
Đây là loài cá nước ngọt phổ biến có đầu to hình bầu dục, thân màu trắng bạc. Cá chép bạc vị nhạt và có mùi tanh nồng nặc. Cá chép bạc có chế độ ăn hỗn hợp, bao gồm cá trắm cỏ, phân gà, phân bò và nhiều thành phần thối rữa khác, vì vậy nó được coi là loài tương đối bẩn.
- Cá rô phi

Cá rô phi. Ảnh: Pinterest
Cá rô phi nguồn gốc từ châu Phi, có khả năng sinh tồn cực kỳ mạnh mẽ trong môi trường nước biển hoặc nước ngọt. Nó ăn thực vật thối, phân, xác động vật... nên còn được gọi là cá rác. Do môi trường phát triển khắc nghiệt nên cá rô phi có thể chứa một lượng lớn kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác.
Nếu muốn ăn cá rô phi, bạn nên chọn loại đánh bắt trong môi trường không ô nhiễm hoặc ăn cá được nuôi ở nơi đảm bảo vệ sinh nguồn nước.
2. Những món cá tốt cho sức khỏe
- Cá béo giàu omega-3
Axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá béo và dầu. Chất này rất tốt cho tim và trí não. Chỉ cần tiêu thụ khoảng 113 g hải sản có omega-3 mỗi tuần sẽ giảm được 36% nguy cơ mắc bệnh tim. Omega-3 cũng có tác dụng hạn chế rủi ro mắc các bệnh như đột quỵ và Alzheimer.
Những loại cá dồi dào axit lành mạnh này bao gồm: Cá hồi, cá trích, cá cơm, cá mòi.

Cá mòi xốt cà chua là món ăn ngon, bổ dưỡng. Ảnh: Serious Eats
- Cá thịt nạc: Loại cá này có rất nhiều protein và ít calo hơn cá béo. Trong mỗi khẩu phần 85 g cá nạc chứa không đến 120 calo, nhưng cung cấp nhiều protein. Một số loại điển hình là: Cá rô, cá tuyết.
Sự khác biệt dinh dưỡng giữa cá đánh bắt tự nhiên và cá nuôi là gì?
Không thể khẳng định cá đánh bắt tự nhiên hay cá nuôi tốt cho sức khỏe hơn. Cả hai loại đều có thể chứa thủy ngân. Trong khi cá đánh bắt tự nhiên thường có xu hướng chứa chất béo bão hòa ít hơn, cá nuôi trong ao bè thường dồi dào omega-3 hơn.
Hằng Trần (Theo WebMD, Aboluowang)