Bác sĩ Phạm Lê An, người công tác gần 20 năm tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng II (TP HCM), đã chứng kiến, tiếp nhận nhiều cuộc chuyển viện cho biết: "Trong khi hoạt động chuyển viện là một khâu rất quan trọng trong điều trị, các nước rất quan tâm, thì lâu nay ở ta hầu như còn bỏ ngỏ, không được quan tâm. Nhiều cuộc chuyển viện có ảnh hưởng rất lớn đến chuyện sống, chết của bệnh nhân, thế nhưng hầu như từ các tuyến dưới lên bệnh viện tuyến trên không hề có bác sĩ đi kèm. Đa số nhân viên hộ tống theo xe chuyển bệnh nhân không được huấn luyện về vận chuyển an toàn cho bệnh nhân".
Theo bác sĩ An, qua khảo sát, chỉ có 27,4% bệnh nhi được theo dõi trong suốt quá trình chuyển viện, vì phần lớn nhân viên chuyển viện chỉ ngồi ở trước xe! Ngoài ra, về phương tiện cấp cứu, gần 30% cuộc chuyển viện không hề mang theo một thứ dụng cụ y tế nào, chỉ có 3,7% cuộc chuyển viện có mang đầy đủ trang thiết bị cấp cứu cần thiết.
Những trường hợp có mang dụng cụ, thì thường chỉ là cái ống nghe, máy đo huyết áp. Một số dụng cụ cấp cứu cần thiết như bộ đặt nội khí quản, máy giúp thở... rất ít được mang theo. Thuốc dùng cho cấp cứu cũng chỉ có khoảng 33% cuộc chuyển viện có đem theo...
Từ thực trạng đó, dẫn đến hậu quả là nhiều cuộc chuyển viện có biến cố xảy ra trên đường đi nhưng không xử trí được. 88% trường hợp chuyển viện chỉ phát hiện được những biến cố trên bệnh nhân khi đến nơi nhận bệnh, gần 10% số bệnh nhân tử vong ngay khi đến khoa cấp cứu tuyến trên và gần 4% trường hợp chết 24 giờ sau đó...
Bác sĩ Bùi Quốc Thắng, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng I, nói: "Hy hữu lắm chúng tôi mới tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên có bác sĩ đi kèm, nhưng đó là những trường hợp bệnh nhân là người nhà của bác sĩ, hoặc phải trả tiền cho bác sĩ".
Bác sĩ Thắng cũng xác nhận rằng, rất nhiều cuộc chuyển viện hoàn toàn không hề có nhân viên y tế đi theo (chiếm gần 20%). Thậm chí, nhiều trường hợp nhân viên y tế đi theo xe chuyển viện, nhưng chỉ ngồi ở phía đầu xe, bệnh nhân đã chết từ lâu trên xe nhưng không hề hay biết, đến nơi mới hay. "Những lúc như vậy, nhân viên chuyển bệnh thường chạy vào nói nhỏ với chúng tôi rằng, bác sĩ nói với người nhà bệnh nhân mới vừa chết nghen, để họ khỏi la lối", bác sĩ Thắng bức xúc kể.
Theo ông, một thực trạng khác cũng rất đáng lưu ý là, một số nơi vì sợ chịu trách nhiệm, vì lý do thành tích, ngại bệnh nhân chết tại bệnh viện mình, nên áp dụng phương pháp "hốt" và "chạy" (có nghĩa là nhận những trường hợp thấy nguy là "đẩy" bệnh nhân đi ngay), mà không cần biết làm như vậy là rất nguy cho bệnh nhân.
Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng I vừa qua cũng cho thấy, chỉ có 57,5% số bệnh nhi được xử trí ban đầu trước khi chuyển đến Nhi đồng I, trong khi xử trí, ổn định bước đầu cho người bệnh trước khi chuyển quyết định tới 3/4 khả năng sống còn cho họ.
Theo Thanh Niên, bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang thực hiện việc khảo sát tình hình chuyển viện từ các nơi đưa bệnh nhân về (dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành bước đầu), nhằm đánh giá đúng thực trạng chuyển viện, để làm công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới trong thời gian tới. Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu, cho rằng các đơn vị tuyến dưới cần phải tiên lượng trước những tình huống xấu xảy ra khi chuyển bệnh nhân. Đối với nhiều trường hợp phải xử trí tại chỗ thật tốt trước khi chuyển, những bệnh nặng cần phải có bác sĩ đi theo, để không có sự cố đáng tiếc (chết trên đường chuyển, hoặc khi vào tuyến trên thì bệnh quá trầm trọng).
Ở góc độ khác, tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhưng không ghi đầy đủ những thông tin cần thiết về bệnh tật của bệnh nhân, hoặc ghi rất sơ sài, gây khó khăn rất nhiều cho nơi tiếp nhận bệnh cũng đang phổ biến. Cũng có trường hợp, do không có đủ xe cấp cứu, nên phải thuê xe từ bên ngoài để chuyển bệnh trong khi những xe ấy không được trang bị một số phương tiện cấp cứu cần thiết.