Ngoài thú mê xe cổ, quan trọng nhất là người đi Vespa phải biết bệnh, tự sửa khi có sự cố. Vespa chết máy là nỗi khiếp sợ cho cả những anh chàng lực lưỡng nhất.
Người chơi Vespa thực thụ sẽ không bao giờ mua những chiếc đã được đại tu, màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn, bắt mắt được bán trên đường Lý Thái Tổ, quận 10 hay Lê Thị Riêng, quận 1, TP HCM.
Với giá khoảng từ 12 đến 15 triệu đồng, bạn có thể mua được một chiếc Vespa đời Acma, Standard, Sprint, Super, hay Lambretta… ở đây. Nhưng chỉ sau một tháng, chắc chắn nó sẽ lăn đùng ra đổ bệnh và số tiền trị bệnh nhiều khi gấp đôi số tiền mua chiếc xe.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, một chiếc Vespa “đồng nát” hiện nay, thấp nhất khoảng 3- 4 triệu đồng, nhưng có chiếc được tính bằng “nghìn” đô la vì mức độ còn “gin” và năm tuổi của nó. Muốn có một chiếc Vespa ra trò, tốt nhất bạn hãy nhờ những người quen tìm mua nó. Và có dám chắc khi chết máy, bạn sẽ không bao giờ tức giận xô ngã nó vì mỗi lần sơn lại xe phải mất ít nhất 2 triệu đồng, đắt hơn cả “mặc áo” lại cho xe Dylan hay @!
Vespa cổ nhất có mặt ở Việt Nam thuộc đời 1953, dù trước đó đã có dòng xe sản xuất năm 1946, nhưng loại này không nhập vào Việt Nam. Lịch sử Vespa được các thành viên thông tin rõ ràng và chi tiết. Trang web www.vespavn.com là thư viện Vespa cho tất cả những ai muốn khám phá, từ hình ảnh, ưu, khuyết điểm của từng đời xe, giá cả, cách trị bệnh …
Vespa không chỉ là một phương tiện đi lại đơn thuần, nó chiếm phần nhiều niềm vui, nỗi buồn cuộc sống của những người tự nhận mình có máu đam mê, gàn dở hơi lãng mạn và đặc biệt “cưng” Vespa hơn bạn gái của mình! Chung, một vespaman thuộc hàng đại gia xe cổ, đã đánh bại tất cả các đối thủ trong cuộc đấu giá qua mạng để mua cho bằng được một đống sắt vụn có nguồn gốc từ một chiếc Vespa bên Mỹ, nghe đâu đến mấy ngàn đôla!
“Không hâm sao được khi nửa đêm khát nước, xuống tủ lạnh lấy nước, lại bật đèn ngồi nhìn “nàng” một tí rồi mới lên ngủ lại”, anh Thành, kiến trúc sư ở một công ty Pháp nói về mình. Không chỉ riêng ở nam giới, các cô nàng liễu yếu đào tơ cũng bị Vespa thu phục.
Rất ấn tượng, buộc người khác phải ngoái nhìn khi Ken, biệt danh của cô sinh viên đất võ Bình Định đi chiếc Vespa màu rêu lính, trông rất “hầm hố”. Ngay cả anh Hiroshi, một tổng giám đốc người Nhật cũng tậu cho mình một chiếc Vespa và tham gia rất nhiệt tình với hội. Mỗi người một công việc, họ đến với nhau vì … say Vespa! Và bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một anh chàng nào đó dừng lại cứu nàng Vespa của bạn, đơn giản, đó là phong cách của vespaman.