![]() |
Hải Phòng (áo vàng) chi mạnh ở mùa giải mới. Ảnh: Thế Ngọc. |
Thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam vẫn thường có câu “Trâu chậm uống nước đục”, hàm ý cho sự nhanh tay của các đại gia V-League. Bởi thế, khi mà SLNA đang còn trong cơn say của chức vô địch thì bộ ba ngoại binh của họ trên hàng công đã được Hải Phòng đạt thỏa thuận từ lúc nào không ai hay biết. Ít tiền lại đứng trước nhiệm vụ phải bảo vệ ngôi vô địch, SLNA nháo nhào đi tìm kiếm ngoại binh mới. Hiện tại, SLNA đã ký hợp đồng ghi nhớ với Gustave Bebbe (Cameroon) và Cornell Glenn (Trinidad & Tobago), bên cạnh việc tiếp tục tin tưởng vào các nội binh.
Hải Phòng lộ rõ ý đồ “vơ vét” nhân tài từ sớm. Ngoài bộ ba Ansah - Kavin - Fagan trên hàng công, Hải Phòng cũng sớm hoàn tất bản hợp đồng 10 tỷ đồng với chân sút Hoàng Đình Tùng của Thanh Hóa. Bên cạnh đó là những nội binh có giá như Văn Ngân (Đồng Tháp), Hữu Hùng (Đà Nẵng), Thanh Phúc (Hòa Phát). Chắc chắn Hải Phòng sẽ chưa dừng lại ở việc mua sắm. Thậm chí đội bóng đất Cảng còn chuẩn bị thay cả HLV.
Các đội bóng phía Bắc cũng không thể làm ngơ trước “cơn lốc mua sắm” mà Hải Phòng đang tạo ra. Ninh Bình tiếp tục chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch và quyết đưa về những chân sút ngoại có tiếng tăm. Ngay khi mùa giải kết thúc, Ninh Binh đã đưa về thủ môn Mạnh Dũng với giá 12 tỷ đồng, số tiền kỷ lục với một thủ môn.
Đội bóng mới toanh của bầu Kiên cũng gần như hoàn tất một “dream-team” với rất nhiều hảo thủ như: Công Vinh, Như Thành, Đại Đồng, Chu Ngọc Anh... bên cạnh những cầu thủ được giữ lại như: Thành Lương, Timothy, Cassiano, Ngọc Tú, Xuân Luân... Đó là chưa kể bầu Kiên cũng đang nhắm tới những ngoại binh, cầu thủ gốc Việt hiện vẫn đang còn thử việc.
Sự chuẩn bị rầm rội của các đại gia phía Bắc khiến các đội phía Nam phải “nóng mặt”. Bình Dương khởi động cuộc đua trên thị trường chuyển nhượng với hàng loạt cầu thủ như Tăng Tuấn từ HAGL, Việt Thắng, Đinh Hoàng La từ Ninh Bình, Nguyễn Hoàng Helio từ SLNA, Tuấn Tùng, Quang Vinh, Minh Đức... với tổng số tiền bỏ ra không dưới 50 tỷ đồng.
Các đại gia khác như Navibank SG, HAGL hay tân binh Sài Gòn FC cũng không chịu ngồi yên trong cơn bão chuyển nhượng. Trong bản hợp đồng mới nhất, Quang Thanh đã rời Bình Dương để về Sài Gòn FC với giá chuyển nhượng kỷ lục, lên tới 11 tỷ đồng.
![]() |
Vụ chuyển nhượng Tăng Tuấn từ HAGL đến Bình Dương gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Thế Ngọc. |
Trước khi VPF ra đời, V-League 2012 vẫn như trong cơn loạn lạc với cảnh đua tiền khủng khiếp giữa các CLB. Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, các ông bầu đều mạnh miệng tuyên bố tìm mọi cách hạ giá thị trường chuyển nhượng, nhưng không ít đã “châm ngòi” cho những cuộc đua tốn kém tiền của, công sức này.
Trước cơn bão chuyển nhượng, các đội bóng nhà nghèo một mặt thắt chặt chi tiêu, một mặt tìm cách giữ quân bằng mọi giá. Thế nhưng, mục đích chính của các cầu thủ giờ đây đều là tiền cả, chứ có mấy ai chịu gắn bó mãi với quê hương khi đồng lương không thỏa đáng. Bởi vậy, dù có hứa tăng lương, thưởng hay một suất vào biên chế sau khi giải nghệ, các đội bóng nhà nghèo cũng không ngăn được quyết tâm ra đi của những cầu thủ có số mà trong đội.
Thanh Hóa đang đứng trước nỗi lo lớn về lực lượng cho mùa giải mới. Thiếu tiền, hàng loạt trụ cột như Quang Vinh, Công Huy, Tuấn Tùng, Mạnh Dũng, Anh Tuấn, Đình Tùng đã ra đi. Một đội bóng nhà nghèo khác là Đồng Tháp cũng đang điêu đứng với nạn chảy máu nhân tài. Thậm chí đến cả những gương mặt từng gắn bó nhiều năm với bóng đá Đồng Tháp Mười như HLV Công Lộc, thủ thành Tấn Trường cũng buộc phải ra đi theo tiếng gọi của những đội bóng lắm tiền, nhiều của. Trong khi đó, tân binh Kiên Giang cũng chưa có sự tăng cường nào đáng kể, mà chủ yếu vẫn phải dựa vào đội hình cũ.
Đa số những đội bóng không có nhiều tiền để mua sắm cầu thủ, sẽ được chỉ mặt điểm tên cho 2 suất xuống hạng mùa tới. Còn với những đội bóng nhiều tiền, họ đang tạo nên một thị trường chuyển nhượng bát nháo hơn bao giờ hết.
Mai Hương