Thứ năm, 15/2/2024, 14:11 (GMT+7)

Những hồ nước muôn màu có một không hai ở New Zealand

Rotorua là xứ sở địa nhiệt nổi tiếng ở Bắc New Zealand với những hồ nước có màu sắc độc đáo phủ sương khói mờ ảo.

Cách thủ đô Auckland khoảng hơn hai tiếng lái xe (225 km), Rotorua là một trong những điểm thu hút khách du lịch bậc nhất của New Zealand. Thành phố Rotorua được hình thành trong một vụ phun trào núi lửa lớn khoảng 240.000 năm trước. Đây chính là nguồn gốc của hoạt động địa nhiệt đặc trưng của khu vực này.

Các hồ lưu huỳnh hình thành khắp nơi cũng khiến Rotorua có biệt danh là 'Thành phố sulphur'. Vì vậy khi đến thăm các công viên ở đây, ngoài khung cảnh thần tiên độc nhất vô nhị, bạn cũng sẽ cảm nhận rõ ràng mùi lưu huỳnh rất nồng lan tràn trong không khí.

Công viên Waiotapu là điểm dừng chân đầu tiên bạn nên tham quan. Hiện tại, hoạt động địa nhiệt ở đây vẫn rất tích cực với các hồ nước sủi bọt, nhiều màu sắc đan xen, mặt đất bốc hơi tạo nên một khung cảnh như trong thần thoại.

Hồ Champagne Pool là điểm nổi tiếng nhất của Waiotapu. Hồ có diện tích 65 m2 và độ sâu tới 62 m. Hồ nằm trong một miệng núi lửa 900 năm tuổi được hình thành do một vụ phun trào thủy nhiệt. Nước hồ luôn sủi tăm, bốc hơi nghi ngút dưới tác động của carbon dioxide.

Màu cam vàng bao quanh thành hồ là kết quả sự tích tụ, kết tủa của nhiều loại khoáng chất như lưu huỳnh, asen, vàng, bạc, antimon qua hàng trăm năm. Nếu nhìn từ trên cao, miệng hồ trông rất giống một ly champagne sủi bọt vừa được rót ra.

Nước hồ Champagne có màu xanh ngọc với nhiệt độ trung bình từ 72 đến 75 độ C. Do nhiệt độ nước hồ thay đổi tùy từng thời điểm nên có những ngày làn khói bao phủ mặt hồ sẽ nhiều hay ít.

Hồ nước màu xanh lá mạ có tên là Devil's Bath (phòng tắm của quỷ). Nước hồ chứa lưu huỳnh và oxit sắt.

Rất nhiều du khách dừng lại chụp hình ở đây vì màu nước kỳ lạ của hồ.

Trên đường đi, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hố sụt bốc khói nghi ngút hay hố bùn đang sôi sùng sục rải rác khắp công viên.

Ngoài Waiotapu, bạn cũng nên ghé thăm thung lũng núi lửa Waimangu. Đây là khu vực thuỷ nhiệt được tạo nên từ năm 1886 do vụ phun trào của núi lửa Tarawera.

Hồ Frying Pan (hồ chảo rán) ở Waimangu được xếp hạng là suối nước nóng lớn nhất thế giới. Nước có độ axit cao với nhiệt độ dao động từ 50 đến 60 độ C. Hồ có diện tích 38.000 m2 với độ nông sâu khác nhau, có thể từ 5,5 m tới 18,3 m.

Nước hồ Frying Pan thường bốc hơi như đang sôi với các vòng xoáy tròn đan xen vào nhau, do tác động của khí carbon dioxide và hydro sunfua sủi bọt lên bề mặt.

Rất nhiều loại rêu tảo sống được dưới môi trường nước khắc nghiệt trong khu vực Waimangu. Màu sắc đa dạng và độ đậm nhạt của tảo là do độ pH khác nhau của từng vùng nước.

Lối đi và bậc thang gỗ được xây dựng tại một số điểm trong thung lũng tạo nên một khung cảnh rất huyền ảo mà ai đến cũng phải dừng chân bấm một tấm hình lưu lại.

Một điểm đến khác bạn nhất định phải chiêm ngưỡng khi đến Waimangu là hồ Inferno Crater. Đây cũng là một suối nước nóng lớn, bốc hơi nghi ngút hầu hết thời gian trong năm. Inferno Crater nổi tiếng với mạch nước phun lớn nhất thế giới dưới đáy hồ và màu nước xanh nhạt mộng mơ. Tuy nhiên, màu xanh này chỉ xuất hiện khi nước hồ ở mức cao.

Nhiệt độ nước hồ có thể đạt từ 35 đến 80 độ C, với độ axit rất cao (pH 2,2). Mực nước của hồ khi cạn và giai đoạn tràn hồ có thể chênh nhau tới 12 mét. Vào những ngày trời nóng và nhiệt độ cao thì mặt hồ bốc khói như nồi hơi, rất khó nhìn thấy màu xanh của nước.

Hồ Inferno Crater và Frying Pan được nối liền với nhau tạo thành hệ thống thuỷ nhiệt độc đáo tạo nên sự biến đổi theo chu kỳ 38 ngày. Khi mực nước và nhiệt độ của Inferno Crater tăng lên thì mực nước và dòng chảy ra của hồ Frying Pan giảm xuống. Hoạt động tuần hoàn này đến nay là duy nhất, chưa từng được ghi nhận ở bất cứ hệ thống thủy nhiệt nào khác trên thế giới.

Bài và ảnh: Hà Vy

Đánh giá phiên bản mới