Lần đầu tiên ở Đồng Hới, và cũng là lần đầu từ kỳ nghỉ hè năm 2004, các cháu tập làm quen với một việc mới mẻ: bán báo dạo.
Chị Phạm Thị Nhưng, chủ đại lý báo, tâm sự: “Các em nghèo lắm nên nghỉ hè mà vẫn không được vui chơi như các bạn cùng lứa. Hằng ngày phải lang thang dưới nắng lượm rác, nhặt bao nilông... bán kiếm tiền. Tôi thấy tội quá nên một công đôi việc, tổ chức cho các cháu bán báo dạo, việc nhẹ nhàng mà các cháu cũng thấy thích”.
![]() |
Những đứa trẻ không có mùa hè. |
Hai cặp chị em ruột là Lê Thị Như Trang (16 tuổi) và Lê Thị Phương (12), Lê Thị Lan (16) và Lê Bá Đình (12) đều có hoàn cảnh tương tự nhau: mẹ bị bệnh tật nặng, một mình ba làm ruộng nuôi bốn anh chị em ăn học. Lê Thị Hải Miên (12), Lê Thị Luyến (14), Nguyễn Văn Hàn (14)... gia đình ba mẹ cũng đều làm nông.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, chuyện học hành, ăn mặc của những gia làm nông đều nhờ tất vào hạt thóc. Mỗi mùa tựu trường đến là nỗi lo tất tả của cả nhà, vì vậy các cháu phải tự giác dùng thời gian mấy tháng nghỉ hè để bươn chải tự cứu mình, cũng là cứu cả ba mẹ.
Hằng ngày hớn hở với công việc mới, lại chịu khó đi và mời chào nên mỗi đứa đều bán được 10-12 tờ, thu lời 7.000 - 8.000 đồng. Trưa chúng tụ tập ở một quán cơm bình dân, ăn trưa với suất cơm 2.000 - 3.000 đồng. Ngày bán ế thì coi như tiền lời cho vào đĩa cơm trưa cả. Những ngày sau chúng họp lại và đối phó bằng cách: đứa chịu được thì nhịn ăn trưa, đứa chỉ ăn sống một gói mì tôm.
Sau nữa thấy không ổn chúng phải họp lại lần hai và ngỏ ý xin chủ đại lý báo được về nhà nấu nước sôi pha mì tôm ăn. Bữa đầu thấy chúng xì xụp với tô mì tôm lõng bõng nước, bà chủ thương quá đành nhường cho đĩa trứng rán của cả nhà. Mấy bữa sau đếm mãi thấy thiếu mất Luyến, hỏi ra mới biết là Luyến lại quyết định nhịn để gom tiền mua cho đủ sách vở của năm học mới.
Dù bữa đói bữa no nhưng những đứa trẻ ở vùng quê nghèo Trung Nghĩa này vẫn đang hướng về tương lai. Những đồng tiền ít ỏi kiếm được sẽ cho các bé đi tiếp trọn vẹn con đường học chữ.