Trong phòng vô khuẩn đặc biệt của Bệnh viện Nhi Trung Ương, một em bé gái sơ sinh nằm lọt thỏm giữa những chiếc máy to tướng. Cơ thể bé bỏng của đứa trẻ phập phồng theo từng nhịp thở dồn dập, nặng nhọc đón nhận luồng oxy được cung cấp từ chiếc máy thở có xuất xứ từ Mỹ.
Bà ngoại cháu bé đang túc trực ngoài hành lang bệnh viện nhớ lại, ngay sau khi cháu gái của bà chào đời, các bác sĩ ở bệnh viện huyện đã rất hoảng hốt khi thấy cháu không có rốn, ruột gan cũng vì thế mà phơi hết ra ngoài bụng. Lau nước mắt, thở dài bà ngoại cháu bảo: “Tôi cũng không hiểu vì sao cháu lại bị thế, cả họ nhà tôi có ai bị bệnh tật di truyền gì đâu”.
Ngay khi được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, các bác sĩ xác định được cháu không chỉ không có rốn, ruột gan ra hết phía ngoài mà thành bụng của em bé này cũng bị dị biệt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương, lắc đầu bảo: “Ruột gan của đứa trẻ bị chui ra hết bên ngoài nên thành bụng phát triển rất kém, dẹt lại bé tí”. Các bác sĩ đã tính đến việc đưa gan, ruột và tất cả các bộ phận bị lòi ra ngoài thành bụng trở vào trong, rồi khâu lại để cứu sống đứa trẻ. Nhưng sau khi bàn bạc, phương án ấy ngay bị bác bỏ, vì nếu như vậy thì chẳng khác gì bó giò và đứa trẻ không thể sống được.
Bác sĩ Lộc bảo: “Chúng tôi phải nuôi cháu cực kỳ vất vả trong một phòng tiệt trùng vô khuẩn, không một ai được bén mảng đến. Phòng đó phải đảm bảo lúc nào cũng vô khuẩn trong mọi điều kiện”.
Theo các bác sĩ chuyên nhi, nhiều cháu khi sinh ra có các bộ phận phía trong nội tạng thoát ra hẳn ngoài thành bụng, chứng này thường gọi là thoát vị rốn hoặc thoát vị qua khe thành bụng. Những đứa trẻ bị thoát vị qua khe thành bụng thì các cơ quan như gan, lách chui hết ra ngoài, không có vỏ bọc. Còn những em bé bị thoát vị rốn thì tất cả phủ tạng cũng sẽ ra hết ngoài trong một cái bao của rốn và có thể nhìn thấy rất rõ.
Những đứa trẻ không may bị thoát vị rốn thường rất khó sống sót, nhất là trong điều kiện kỹ thuật còn kém như nước ta hiện nay. Trẻ bị thoát vị rốn chỉ cứu được trong trường hợp đường kính thoát vị không quá to, tức là các khối cơ quan trong nội tạng chui vào khối thoát vị không nhiều.
Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể đẩy các cơ quan nội tạng bị thoát vị trở lại vào trong ổ bụng rồi khâu lại. Nhưng nếu các nội tạng bị thoát ra thành bụng quá lớn so với thể tích của bụng, thì khi đưa trở lại bụng sẽ gây áp lực trong bụng quá cao, đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm.
Cũng có trường hợp đưa nội tạng bị thoát vị trở lại trong bụng thành công, nhưng với điều kiện phải có một chiếc túi làm từ chất liệu đặc biệt, giống như một cái gạc phủ lên các cơ quan thoát vị. Nếu đứa trẻ bị thoát vị rốn mà không được làm túi phủ kịp thời, chậm nhất là vài giờ sau khi phát hiện, thì chắc chắn tình trạng các cơ quan nội tạng bị phơi ra ngoài như vậy sẽ dẫn đến mất nước, nhiễm trùng.
Bé Nguyễn Thị Hà là một ví dụ. Ngay sau khi chào đời đã có nội tạng bị thoát ra ngoài thành bụng, bé được chuyển về cấp cứu ở Hà Nội chừng 10 phút sau đó. Nhưng sau khi vượt qua được đoạn đường dài hàng trăm km với những đèo dốc khúc khuỷu Cao Bằng về đến Hà Nội thì bé đã trong tình trạng nội tạng bắt đầu bị vi khuẩn xâm nhập.
Cộng thêm với cơ thể bé bị thoát vị quá nhiều nội tạng nên dù được nuôi dưỡng, cứu chữa trong phòng vô khuẩn, bé Hà cũng chỉ sống được vài ngày. Bác sĩ điều trị trực tiếp cho bé Hà hôm ấy lắc đầu bảo, khi đã để các khối nội tạng bị nhiễm trùng thì cơ may cứu sống trẻ càng trở nên mong manh, nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay thì cầm chắc là tử vong.
Ngay cả ở các nước phát triển, những đứa trẻ có phần nội tạng thoát ra ngoài, diện tích cần phải che phủ không nhiều thì mới có cơ may sống sót cao. Riêng những trẻ thiếu may mắn ngay từ khi chào đời mà các cơ quan nội tạng đều bộc lộ ra hết phía ngoài thì hầu như không thể cứu sống được, dù áp dụng cả những kỹ thuật hiện đại như treo phần da lên để các khối thoát vị tự đẩy dần dần vào trong.
Bác sĩ Lộc cho biết: “Ở các nước tiên tiến, khối nội tạng bị chui ra ngoài bụng sẽ được khâu lại, cho tất cả vào một cái túi, treo thành bụng lên. Đứa trẻ sẽ được nuôi trong một môi trường đặc biệt vô khuẩn, chứ không phải phòng vô khuẩn thông thường. Dần dần, da bụng, thành bụng của bé phát triển lên thì các bác sĩ sẽ tiến hành khâu vào”. Ngừng một lát, ông lại thở dài bảo, điều kiện đó ở Việt Nam thì...
Đã hơn một năm trôi qua, nhưng nhóm bác sĩ trực ca cấp cứu hôm ấy vẫn nhớ như in hình ảnh em bé sơ sinh đang còn đỏ hỏn được quấn vội vã, tạm bợ trong chiếc khăn bông đã sờn. Đó là bé Nguyễn Văn Sơn được chuyển đến từ tỉnh Hà Giang. Đi theo xe chỉ có bà nội của bé, mái tóc đã lấm tấm bạc, chiếc quần sa tanh đã ngả mầu bạc trắng và đôi dép lê cũ kỹ.
Ngay lập tức, bé Sơn được chuyển đến phòng vô khuẩn và chụp ống thở. Trưởng nhóm bác sĩ trực hôm ấy nhớ lại, khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung Ương, bé Sơn đã bị suy hô hấp nặng. Trường hợp của bé rất đặc biệt, bé không hề bị hở bụng hay rốn khiến các nội tạng phơi ra hết ngoài như nhiều bé bị thoát vị khác. Cơ hoành của bé không hề bị thủng mà trông bề ngoài vẫn bình thường như các bé khác.
Sau khi đưa được bé vào phòng vô khuẩn và cắm máy thở hạn chế tình trạng suy hô hấp, các bác sĩ tập trung thăm khám bệnh mới phát hiện cơ hoành của bé Sơn bị nhão nên các khối thoát vị bị đẩy lên, đội lên hết trên lồng ngực. Chính vì các cơ quan nội tạng bị đẩy hết lên trên ngực khiến phổi của bé Sơn bị ép lại, nên ngay sau khi chào đời, bé đã bị suy hô hấp nặng. Dù đã được cấp cứu và điều trị đặc biệt trong phòng vô khuẩn nhưng cũng chỉ vài ngày sau đó, bé Sơn đã mất vì bị suy hô hấp nặng.
Nhóm bác sĩ trực hôm ấy và cả những người ngồi trong hành lang bệnh viện túc trực chờ người thân cũng phải rơm rớm nước mắt, khi người đàn bà nghèo khó khóc nức nở ôm lấy thi thể bé xíu của đứa cháu nội trong đôi bàn tay đầy một mầu vàng xin xỉn của nhựa chè, lủi thủi lê chân đưa cháu về quê chôn cất.
Không thuộc truờng hợp bệnh ẩn về cơ hoành như bé Sơn, bé Na khi vừa chui ra bụng mẹ, các bác sĩ đã phát hiện ngay cơ hoành của bé có lỗ thủng. Cơ bụng và lồng ngực vốn được ngăn hai bởi cơ hoành nhưng cơ hoành của bé Na có lỗ khuyết nên phủ tạng dưới bụng chui lên, thoát ra phía ngoài. Nhưng cũng không may mắn hơn bé Sơn, chỉ vài ngày sau khi chào đời, bé cũng qua đời vì bị nhiễm trùng nặng.
Trong lần đến bệnh viện nhi Trung Ương hồi tháng trước để trao tặng số tiền 10 triệu đồng cho cháu bé hai đầu NTH (hay cặp song sinh ký sinh) được sinh ra ở Hải Dương (cháu bé đã mất vài tuần trước), lãnh đạo bệnh viện kể về một trường hợp khá đặc biệt: trẻ sơ sinh có bàng quang lồi ra đường âm đạo.
Gia đình cháu bé đang sinh sống tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Trong ngôi nhà mái bằng khang trang nằm giữa phố núi, dường như không khí u ám, tang tóc vẫn còn phảng phất sau hai năm xảy ra cái chết của đứa con đầu lòng. Đến giờ, ngôi nhà vẫn vắng bóng tiếng khóc trẻ thơ. Chị Hà nhớ lại, hồi mang thai bé Thu, chị bị ốm một lần duy nhất vào tháng thứ hai của thai kỳ. Nhưng đợt ốm ấy cũng chỉ kéo dài trong khoảng 4 ngày, chị cũng không dám uống kháng sinh mà chỉ chữa bằng các loại thuốc lá dân gian. Nào ngờ, sau khi sinh con chị mới biết con gái chị bị lồi bàng quang ra đường âm đạo.
Vừa đưa tay lau nước mắt, chị vừa bảo: “Tôi cũng không biết vì sao con tôi lại bị như thế, gia đình tôi xưa nay có ai bị làm sao đâu. Sau này có người bảo có khi do tôi bị ốm, lại tự uống thuốc lá, có khi uống nhầm thứ lá không tốt cho thai. Hai năm nay, tôi vẫn không dám có thai, tôi sợ phải nhớ lại cảm giác ngày đó...”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Bệnh viện nhi Trung Ương cho biết, trường hợp bé Thu là bệnh thoát vị bàng quang. Ngay từ khi sinh ra, bàng quang của trẻ đã không nằm đúng vị trí mà lồi ra phía ngoài. Thậm chí, có trẻ còn bị thoát vị màng não tuỷ, tức là ở khe đốt sống có một cái khuyết và cái khối thoát vị ấy chui qua khe đốt sống ra phía ngoài. Và phần lớn những đứa trẻ bị thoát vị đều khó lòng qua khỏi.
(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)
(Theo Gia Đình.net)