Vừa đến cửa nhà của ba chị em Chích Chòe, Bé Em, Bé Út đã thấy Bé Em cười toe: “Vừa rồi con thi tiểu học được 20,5 điểm”, bà ngoại tiếp lời: "Điểm của nó cao nhất lớp đó".
Bé Em, Bé Út đang nô nức xếp quần áo vào giỏ xách để chuẩn bị đi Nha Trang, chuyến du lịch bốn ngày trong trại hè dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chích Chòe ngồi bên cạnh ú ớ ganh tị vì phải ở nhà.
![]() |
Bé Em và bé Út bên những món đồ chơi. |
Làm hại cuộc đời ba đứa trẻ, cha dượng lãnh án tử hình, người mẹ bị phạt tù 15 năm, ba chị em Chích Chòe chỉ còn biết nương tựa vào bà ngoại đã già yếu lại tàn tật. Hai lần gặp các em ở tòa án, ai cũng nao lòng vì chỉ thấy có nước mắt.
Chỉ gặp được nụ cười khi chúng tôi tìm đến nhà, mang cho các em vài cô búp bê, ít bộ quần áo, hỏi thăm kết quả học tập.
Trên gương mặt rất xinh xắn của Bé Em, nụ cười bao giờ cũng chỉ thoáng qua, rồi cô bé lại buồn, một nét buồn rất người lớn, sâu thẳm và chấp nhận.
Hai cô bé Phương Thảo, Phương Trâm ở trong một cái lều bên chợ Cầu Muối thì cười ngay khi thấy phóng viên Tuổi Trẻ, vốn đã quen lắm với các em, ghé đến thăm.
Vẫn mang tờ giấy khen chứng nhận danh hiệu học sinh giỏi ra cho tôi xem như mọi lần, nhưng trong đôi mắt mở to của hai em, tôi vẫn đọc thấy một nỗi e ngại, sợ hãi.
Chúng sợ là phải. Chị Nga, mẹ của hai em, bị kết án 10 năm tù vì tội "giết người" chỉ vì trong một phút nóng giận, chị đã cầm một thanh sắt đập vào đầu một người lái xe ôm. Hình ảnh chị Nga ủ rũ trên căn gác chật hẹp, nước mắt lã chã và hai tay cứ ôm riết lấy con, hết đứa này lại đứa khác khiến ai nhìn thấy cũng không thể kìm lòng. Tài sản duy nhất của chị là cuốn nhật ký và những tờ giấy khen của các con.
Giờ đây, tối tối trên căn gác ấy chỉ còn lại hai cô bé chong đèn học bài, chong đèn đọc từng trang nhật ký mẹ để lại, chong đèn mà chờ bóng mẹ về. Tờ giấy khen năm nay các em không được khoe với mẹ nữa.
Khác với đôi mắt buồn rượi của Bé Em, Bé Út, của Thảo và Trâm, đôi mắt của bé Hà lại rất trong, rất vui. Trong căn phòng trọ nhỏ, bé Hà đang ngồi bệt dưới sàn tập viết và líu lo kể rằng bé đạt học sinh giỏi, anh Hai, chị Ba đã hứa thưởng cho bé một chuyến đi thăm ba mẹ.
Cha mẹ bé Hà kinh doanh khách sạn và cùng bị bắt về tội "chứa mại dâm". Cách đây hơn một năm, khi cha bé xách đơn đi khiếu nại vì cho rằng mình bị oan, bé Hà chưa đầy 5 tuổi, chưa một ngày được đến trường.
Dạn dĩ sà vào lòng khách lạ, bé đã thỏ thẻ kể về ước mơ "lớn một chút sẽ đi bán vé số để kiếm tiền giúp ba". Hiển và Hoàng, hai anh chị của bé Hà khi ấy đang học lớp 11, 12 đã phải nghỉ ngang. Ra về, cầm tập hồ sơ khiếu nại của ông Lê Quốc Triệu, cha của các em, mà đôi mắt trong veo của 3 đứa trẻ vẫn còn mãi ám ảnh.
Việc khiếu nại, kháng án không thành, ông Triệu phải theo vợ vào trại giam thụ án, giao lại cho Hiển nhiệm vụ nuôi dạy, chăm sóc em và tiếp tục kêu oan.
Được sự giúp đỡ của một số nhà báo, một số người hảo tâm, mấy anh chị em đã tiếp tục đi học, tiếp tục nuôi giấc mơ vào đại học. Bé Hà mới học hết lớp 1, hôm nay thì ước mơ của bé là luyện chữ thật đẹp để viết thư cho ba mẹ.
Những buồn đau, thiếu vắng của ba chị em Chích Chòe, của Thảo và Trâm, của mấy anh em bé Hà là nỗi đau mà người ngòai cuộc không thể cảm nhận hết. Ấy vậy mà các em vẫn duy trì được việc học và học giỏi.
![]() |
Thảo và Trâm và quyển vở cuối cùng. |
Lời khai của mấy chị em Chích Chòe đã là một trong những chứng cứ buộc tội quan trọng trong vụ án, nhưng trò chuyện với các em vẫn thấy cháy lên trong những đôi mắt buồn là nỗi mong nhớ mẹ.
Trong những bài tập làm văn của Bé Em, hình ảnh người mẹ, hình ảnh gia đình vẫn xuất hiện như một chuẩn mực. Đó không còn chỉ là thói quen làm "văn mẫu", mà chính là những gì em ấp ủ cho một ngày mai của gia đình mình.
Hiển thì vẫn âm thầm soạn thảo và gửi đơn khiếu nại cùng với việc luyện thi đại học, một mực đoan chắc với các em gái là cha mẹ mình không phạm tội.
Thảo và Trâm cũng thế, các em tin vào đôi bàn tay dịu dàng và những câu chuyện mẹ đã kể, đã dạy chứ không biết đến bản cáo trạng viết về tội giết người.
Gặp lại Bé Em, Bé Út sau trại hè, các em rất vui, tíu tít khoe những món quà đã trao đổi với các bạn. Bé Út ngây thơ kể: “Các cô hỏi ba má đâu, con nói ba má đi hết rồi. Mấy cô thương con nghèo mà cho đó”.
Bé Em kể rành rọt: “Sang năm vào lớp 6 con học trường công lập, nhà trường miễn một nửa học phí, còn lại ngoại phải đóng. Bé Út còn được học ở lớp tình thương một năm nữa, chưa phải đóng tiền”.
Bà ngoại ngồi bên cạnh ngẩn ngơ nhìn cháu. Ngày ngày bà quanh quẩn trong nhà, chẳng biết kiếm tiền ở đâu, đôi chân già yếu chẳng còn đẩy xe trái cây đi dọc phố được nữa.
Trên căn gác của chị Nga, Thảo và Trâm cặm cụi giữa mấy rổ hành củ, cứ lột được 1kg các em được trả 1.000 đồng. Hỏi đến việc học, Thảo rớm nước mắt: "Con không biết. Chồng tập vở, sách vừa học xong, ba đã mang bán ve chai để mua gạo rồi. Tiền học năm rồi cũng còn nợ...".
Cha em thở dài, từ ngày thụ án 18 tháng tù về, lại thấy vợ ra đi, anh cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Bà nội của hai em thì lắc đầu chỉ ra đường, khu chợ Cầu Muối, nguồn kiếm sống của bà, đã bị giải tỏa.
Trong khi đó, trong căn phòng trọ, Hiển cứ loay hoay xếp thời gian biểu giữa việc học luyện thi và đi làm thêm, loay hoay tính toán những món tiền từ thuê nhà, gạo, mắm cho đến học phí của các em gái...
Cuối năm học, nhiều người tìm đến các em với những món quà nhỏ gọi là phần thưởng, ngỡ là các em sẽ được vui. Nhưng họ thường phải mang theo về những ánh mắt nặng trĩu lo buồn của bà nội, bà ngoại, ánh mắt thơ ngây và trông đợi của các em. Ranh giới giữa cái tốt và cái xấu tuy rõ ràng nhưng cũng thật mong manh.
Người ta biết nhiều điều ở tòa án, nhưng các em chưa thể biết ngay từ những chuyện đã xảy ra với gia đình mình. Cái gì đang đợi ở phía trước với những đứa trẻ đang phải đơn độc sống giữa lằn ranh khốc liệt này?