Sự kỳ vọng vào trẻ em không phải là điều mới mẻ ở nhiều nước châu Á. Nhưng sức ép lên những đứa trẻ còn nhỏ xíu đang gia tăng khi cha mẹ chúng cho rằng giáo dục là động lực chính để vươn lên tầng lớp xã hội cao hơn. Khao khát tạo dựng bước đầu thuận lợi cho những đứa trẻ của mình, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đăng ký cho chúng học mọi thứ, từ các khoá chuẩn bị vào ngày nghỉ cho trẻ em dưới 6 tuổi đến các trường nội trú cho lũ trẻ mới chập chững biết đi.
Với 700 USD/tháng, họ có thể gửi những đứa bé mới 3 tuổi vào Vườn trẻ Quốc tế Hualan ở thành phố cảng Thiên Tân, nơi chúng được sống trong những ngôi biệt thự đẹp đẽ trang bị TV plasma 42 inch và đàn piano.
Nhưng với 60% gia đình Trung Quốc tại các thành phố lớn chi tới 1/3 thu nhập của mình cho việc học hành của con cái, chắc hẳn các bậc cha mẹ chờ đợi những thành quả, mà không chỉ là môi trường học tập hoàn hảo. Cô bé 5 tuổi Xu Yunqiao của Li Hongbin theo học một trường mẫu giáo tư ở Bắc Kinh, nơi cô học từ 8h30 sáng đến 5h chiều, 5 ngày/tuần. Nhưng thế vẫn chưa đủ.
Lo ngại rằng những đứa con của mình chưa được chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào tại các trường tiểu học chất lượng cao trong thành phố, Li và các bậc cha mẹ khác mới đây đã tham gia vào cuộc vận động cắt giảm thời gian chơi để dành cho học tập và họ đã đạt được nguyện vọng của mình. Li cũng gửi con gái mình đến các lớp học tập đọc, toán và âm nhạc ngoài giờ và cuối tuần. Một thế hệ trước, rất ít trẻ em Trung Quốc 6 tuổi biết đọc hay làm các phép tính đơn giản. Nhưng hiện nay, các trường tiểu học hàng đầu đòi hỏi những học sinh trúng tuyển phải biết ít nhất 1.000 chữ và thuộc lòng các bảng tính nhân.
Các bậc cha mẹ ở nhiều quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Singapore cũng đang vật lộn với vấn đề tương tự. Tại Singapore, việc nhồi nhét kiến thức được xem là thiết yếu để những đứa trẻ có cơ hội bắt kịp và vượt bạn bè: ước tính 90% gia đình cho con em mình đi học thêm. Ying Ting, một cô bé 14 tuổi, bắt đầu một ngày của mình vào lúc 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ đêm hoặc hơn, sau khi làm hết bài tập về nhà và một số hoạt động ngoại khoá khác. Việc học hành vất vả là hoàn toàn bình thường đối với giới trẻ Singapore. "Em còn thấy các bạn học đến tận 1 giờ sáng", Ying Ting cho biết.
Bất chấp những lo sợ về sức ép khủng khiếp có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và gây ra nạn tự tử trong trẻ vị thành niên, nhiều bậc cha mẹ châu Á vẫn đánh liều với số phận của con em mình. Và thế là, cảnh một đứa trẻ bị buộc phải học hành quá sức bởi một người thầy nghiêm khắc, một người cha với vẻ mặt hăm doạ hay một người mẹ với giọng điệu van nài đã trở thành hình ảnh điển hình của khu vực này. Những phương pháp chăm sóc con cái ưu tiên nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ không được ủng hộ rộng rãi. Thay vào đó, rất nhiều bậc cha mẹ châu Á sẵn sàng chì chiết con cái, mắng nhiếc chúng vì không được điểm ưu.
Ở nhiều nơi, nếu các bậc cha mẹ không buộc con cái mình phải học hành liên tục với cường độ cao, họ có thể phải chịu sự chê bai của công luận. Tại Hong Kong, cô bé 10 tuổi Cheng Hoi-ming mỗi tuần phải học 34 giờ tại trường, ít nhất 8 giờ tennis và gần 3 giờ học thêm toán và khoa học tự nhiên. Vậy mà mẹ của cô vẫn cảm thấy có lỗi: "Tôi bị coi là người mẹ vô trách nhiệm, vì con cái không được học hành đầy đủ". Những người rút con mình khỏi các trường danh tiếng còn bị sỉ nhục hơn. John Au, một nhà thiết kế đồ hoạ, kể lại rằng những người bà con của anh rất kinh ngạc khi anh rút con mình khỏi trường Wah Yan, một trong những trường uy tín nhất ở Hong Kong. "Nhiều người cho rằng vào được Wah Yan giống như trúng sổ xố, nhưng con tôi mới 7 tuổi mà ngày nào cũng phải học đến 11 giờ đêm. Cả cháu và tôi đều quá mệt mỏi".
Giống như Au, nhiều bậc cha mẹ ở châu Á cũng bị vỡ mộng về hệ thống giáo dục truyền thống. Nhưng đa số họ không biết phải làm gì. Chikako Kobayashi, người mẹ của 2 đứa con theo học tại một trường ở ngoại ô Tokyo (Nhật Bản), nói: "Tôi thực sự không biết điều gì là tốt nhất cho những đứa trẻ của mình".
Nhiều nhà giáo dục Nhật Bản bắt đầu đặt câu hỏi về trách nhiệm của mình với thế hệ tương lai. Do những vụ tự tử vị thành niên và stress học đường, Bộ Giáo dục Nhật Bản trong những năm gần đây đã áp dụng một số biện pháp nhằm giảm tải trong các trường công. Tại đất nước một thời nổi tiếng về gánh nặng học hành đối với trẻ em, các trường học hiện đang được yêu cầu tuân thủ chính sách giáo dục thư dãn, trong đó mở rộng chương trình cho những môn học chung và giảm số lượng tài liệu học tập và số giờ học ở trường xuống 30%. Shunichi Taniai, người phát ngôn của Bộ Giáo dục, nói: "Những thay đổi này nhằm tạo cho trẻ em khả năng học tập độc lập, mà không phải là nhồi nhét thông tin vào đầu chúng. Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng các cá nhân phát triển hài hoà và khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần".
(Theo Lao Động)