Đám cưới là ngày vui của uyên ương, nhưng để tổ chức được một bữa tiệc khiến tất cả mọi người đều hài lòng là điều không dễ dàng. Cô dâu chú rể nên hiểu rõ một số điều khách mời không thích dưới đây, để rút kinh nghiệm cũng như lựa chọn cách tổ chức hợp lý nhất.
1. Ngày cưới bất tiện
Nhiều cô dâu chú rể tranh thủ tổ chức cưới vào những dịp đặc biệt như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Quốc khánh hay các ngày lễ lớn. Nhưng đây lại là thời điểm nhiều người dành để đi nghỉ ngơi, du lịch hoặc quây quần bên gia đình. Vì thế không phải ai cũng thích đi dự đám cưới vào những dịp lễ, Tết.
Cách giải quyết: Nếu cô dâu chú rể vẫn còn đang băn khoăn chọn ngày thì bạn nên tránh các dịp lễ hội, kỳ lễ lớn. Khi tổ chức cưới nhỏ gọn, khách mời ít, bạn có thể hỏi trước khách thân thiết về lịch trình nghỉ lễ của họ.
Việc tránh tổ chức cưới ngày lễ còn là cách tiết kiệm. Vì vào dịp lễ, Tết, hoa tươi cũng như các dịch vụ cưới hỏi cũng thường đắt hơn. Trong trường hợp vẫn không thể chuyển ngày cưới, cô dâu chú rể nên báo trước nhiều tháng để "đặt lịch" hẹn với khách mời.
2. Thiệp mời khó hiểu
Nhiều cô dâu chú rể thích in thiệp cưới bằng tiếng Anh, hoặc lồng ghép nhiều thông tin như ngày đính hôn, ngày đón dâu, ngày đãi tiệc... Khi nhận một tấm thiệp khó hiểu, khách mời thường cảm thấy không rõ ràng, thậm chí có thể nhầm lẫn ngày cưới.
Cách giải quyết: Mỗi tấm thiệp chỉ nên có một thông tin duy nhất, hoặc nếu thiệp bao gồm cả thông tin lễ đón dâu và tiệc cưới, uyên ương nên ghi rõ mời khách đến tiệc, còn nghi thức cưới chỉ nhằm báo hỷ. Với đám cưới có nhiều đối tượng khách, nhiều độ tuổi khác nhau, cô dâu chú rể nên ghi bằng tiếng Việt, không nên sử dụng tiếng Anh, nhất là với thiệp dành cho khách mời lớn tuổi.
3. Ngồi cạnh những người lạ
Nhiều khách mời không tới dự đám cưới vì lý do không quen ai ở đám cưới. Họ giải thích rằng, khi tới đám cưới một mình, ngồi giữa những người xa lạ, họ cảm thấy không thoải mái.
Cách giải quyết: Nhiều uyên ương chọn cách sắp xếp chỗ mời trước cho khách tới dự đám cưới. Đa số những người quen nhau sẽ được xếp ngồi chung. Ngay cả khách chỉ đến một mình cũng sẽ được xếp chỗ cạnh những người có cùng tuổi hoặc có những điểm chung nhất định. Nếu không thể sắp xếp trước ngày cưới, cô dâu chú rể cũng nên cử ra từ 2 - 3 người xếp chỗ, vừa tránh lộn xộn, vừa chia khách mời thành nhóm liên quan.
4. Đồ ăn không ngon
Vấn đề thực đơn tiệc cưới cũng là điều được nhiều khách mời quan tâm. Không phải đám cưới nào cũng có đồ ăn nóng sốt, thơm ngon hợp khẩu vị đa số mọi người nên đa số khách mời mang tâm lý dự đám cưới, khôgn trông mong vào việc thưởng thức món ăn.
Cách giải quyết: Các món ăn trong tiệc cưới có thể là món thông thường, nhưng cô dâu nên lưu ý đầu bếp chế biến nóng sốt. Món ăn theo phong cách châu Á dù cầu kỳ nhưng nếu nguội lạnh cũng sẽ không ngon. Trong trường hợp chọn món theo phong cách châu Âu, uyên ương nên thiết kế thực đơn với những món phổ biến, mọi người đều quen thuộc, dễ ăn.
Một bàn tiệc nên có ít nhất từ 8 món ăn, không kể tráng miệng. Như vậy tiệc cưới mới phong phú, khách mời có nhiều lựa chọn khi thưởng thức.
5. Âm nhạc quá ồn
Nhiều đám cưới bật nhạc ồn ào hoặc chọn những tiết mục không hấp dẫn, không phù hợp không khí hôn lễ.
Cách giải quyết: Âm nhạc trong đám cưới là phần quan trọng, nó sẽ tạo ra không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc cũng như sự thoải mái của khách mời. Lựa chọn an toàn nhất là cô dâu chú rể bật các đĩa nhạc nhẹ nhàng để nhạc chơi liên tục trong đám cưới. Bạn nên thu sẵn từ 15 đến 30 bài hát khác nhau để có các vị khách không cảm thấy chán khi phải nghe lại đĩa nhạc quá nhiều lần.
Cô dâu chú rể cũng nên sắp xếp xen kẽ các bản nhạc, bài hát vui tươi và bản nhạc, bài hát nhẹ nhàng. Âm thanh nên điều chỉnh vừa đủ, thậm chí hơi nhỏ để mọi người có thể chuyện trò mà không bị ảnh hưởng bởi tiếng nhạc. Khi chọn nhạc và chơi nhạc trong đám cưới, uyên ương cần quan tâm tới cảm xúc cũng như tâm lý khách mời để những bản nhạc chỉ là nền, không gây khó chịu cho các vị khách, làm hỏng buổi lễ trang trọng, vui vẻ.
Linh Linh