1. Thời tiết
Mang khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết ở Sài Gòn chia làm hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ khoảng tháng 6 đến tháng 11 với những cơn mưa bất chợt không cần báo trước, có khi trời đang nắng bỗng dưng đổ mưa lớn. Tuy nhiên, các cơn mưa ở Sài Gòn thường không kéo dài. Vì thế, suốt 12 tháng, Sài Gòn lúc nào cũng thích hợp để du khách có thể chọn làm điểm đến cho kỳ nghỉ của mình.
2. Phương tiện di chuyển
Để đến Sài Gòn, bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện như máy bay, tàu hỏa hay ô tô.
- Nếu đi từ Hà Nội bằng tàu hỏa, bạn có thể mua vé tại ga Hà Nội với nhiều loại vé như ghế mềm, ghế cứng, giường nằm... Chuyến tàu Thống Nhất chạy nhanh nhất giữa Hà Nội - Sài Gòn là 30 tiếng.
- Nếu đi bằng ôtô, bạn có thể mua vé tại các bến xe với các hãng xe như Mai Linh, Hoàng Long... Giá vé từ khoảng 900.000 đồng xe giường nằm (đã bao gồm thức ăn và nước uống trong suốt hành trình). Thời gian di chuyển dao động từ hơn 30 tiếng đến hơn 40 tiếng đồng hồ tùy nhà xe.
- Máy bay là một lựa chọn tốt cho bạn khi không có nhiều thời gian. Chỉ mất khoảng 1h50 phút từ Hà Nội là bạn có thể đến Sài Gòn. Giá vé máy bay cũng không quá cao, nếu có kế hoạch đi nghỉ từ lâu, bạn hoàn toàn có thể mua được vè giá rẻ chỉ vào khoảng 1.500.000 đồng khứ hồi.
Di chuyển ở Sài Gòn:
- Phương tiện công cộng ở Sài Gòn khá phong phú và lịch sự. Nếu rành đường, bạn có thể đi đến các điểm tham quan, vui chơi bằng xe bus.
- Nếu đi bằng taxi bạn nên chọn những hãng taxi uy tín như Mai Linh, Vinasun hay Hoàng Long... Tuy nhiên, khi lên xe, bạn cần lưu ý đến đồng hồ tính cước, mã số xe... để đề phòng trường hợp để quên hành lý hoặc các rắc rối phát sinh.
- Bạn cũng có thể thuê xe máy để di chuyển ở Sài Gòn với mức giá vào khoảng 100.000 đồng một ngày. Thủ tục thuê khá đơn giản khi chỉ cần để lại chứng minh thư cùng một ít tiền cọc theo quy định là bạn đã có cho mình một phương tiện thuận lợi.
3. Lưu trú
Sài Gòn có rất nhiều khách sạn cho bạn lưu trú với mức giá rất phong phú, từ 200.000 đồng cho đến vài triệu đồng cho một ngày đêm. Bạn có thể lựa chọn các khách sạn ở ngay trung tâm trên các con phố Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, khu vực chợ Bến Thành, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão... để tiện cho việc tham quan.
4. Các điểm tham quan
Nếu lần đầu đến Sài Gòn, những điểm tham quan nổi tiếng như chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, nhà hát lớn, nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập... là những nơi bạn cần phải đến cho chuyến đi của mình.
Bưu điện thành phố
Đây là một công trình kiến trúc nổi tiếng ở TP HCM được xây dựng mang nét đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp có giá trị tiêu biểu tại của thành phố, với hơn 120 năm tuổi (1886-1891), là điểm đến tham quan không thể thiếu của du khách khi tới thành phố, là niềm tự hào của người dân. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện mà còn được đắm mình vào thế giới cổ xưa, từ chiếc hòm bỏ thư, cho đến các quầy gọi điện thoại. Trước mặt là nhà thờ Đức Bà, nhìn sang hai bên là những tòa nhà cao tầng hiện đại. Sự kết hợp hài hòa này biến nơi đây thành một địa điểm vừa mang nét đẹp cổ kính, lại vừa tràn ngập hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập hay còn gọi là dinh Thống Nhất một công trình tọa lạc trên mảnh đất rộng 15ha ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình in đậm dấu ấn thời gian và lịch sửa nhưng cũng rất lãng mạn với một tòa nhà xây dựng theo hình chữ cát (tốt lành) nằm giữa khuôn viên xanh với hàng cây cổ thụ cao lớn…. Dinh có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: dinh Norodom (1889 - 1954), dinh Thủ tướng (9/1954 - 10/1956), dinh Độc Lập (10/1956 - 10/1976) và ngày nay là Hội trường Thống Nhất. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà thờ Đức Bà
Nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn, nhà thờ Đức Bà không có hàng rào và khuôn viên kế cận. Nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị, có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Kiến trúc của thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, cho một cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm. Có thể nói, nhà thờ Đức Bà là một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo, là một công trình tiêu biểu mang tính biểu trưng của Sài Gòn. Không chỉ mê hoặc du khách ở xa đến, nhà thờ Đức Bà với vẻ đẹp mang nét uy nghi nhưng gần gũi, mộc mà và giản dị đã trở thành địa điểm chụp ảnh nổi tiếng cho các cặp đôi chụp ảnh cưới, ảnh nghệ thuật...
Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành được xem là biểu tượng của du lịch thành phố. Ngôi chợ được xây dựng theo hình vuông với 4 cửa chính mở ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Du ngoạn chợ Bến Thành, du khách có thể mua sắm cho mình các vật dụng ưa thích hay thưởng thức các món ăn ngon trong khu ẩm thực. Đặc biệt khi đêm về, khu chợ đêm Bến Thành thu hút hàng trăm du khách đến mua sắm và thưởng thức đủ món ăn ngon từ lúc chập tối đến khuya.
Nhà hát lớn
Nằm ngay trục đường Lê Lợi - Đồng Khởi, nhà hát lớn Thành phố cũng là một điểm tham quan mà du khách khó có thể bỏ qua khi đến Sài Gòn. Được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, nhưng nhà hát vẫn giữ được nét đặc trưng của kiến trúc phương Tây. Nhà hát không đơn thuần là nơi tổ chức cho các sự kiện âm nhạc mà nơi đây còn là địa điểm diễn ra các hoạt động lớn của thành phố về văn học, nghệ thuật hay các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, các điểm tham quan như Bảo tàng chứng tích chiến tranh (đường Võ Văn Tần, quận 3); Bảo tàng dân tộc học (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1); Bảo tàng lịch sử Việt Nam (đường Lý Tự Trọng, quận 1), khu chợ Lớn, bến cảng Nhà Rồng, Ủy ban nhân dân thành phố.... cũng là những nơi đầy thú vị mà bạn nên ghé đến.
5. Các món ăn ngon
Cơm tấm
Cơm tấm là món ăn bình dị, hầu như có mặt trên các tuyến đường ở Sài Gòn. Ai đến đây mà chưa ăn cơm tấm là coi như chưa từng đặt chân tới Sài Gòn. Cơm tấm Sài Gòn thường ăn kèm với các nguyên liệu như sườn, trứng ốp la, bì, chả, nem... ngoài ra còn có ít đồ chua cùng chén nước mắm chua ngọt thơm ngon.
Hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn quá quen thuộc đối với người miền Nam. Món ăn này được người Hoa du nhập vào Việt Nam và biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Ở Sài Gòn hiện nay có những thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Sa Đéc và một món hủ tiếu bình dị, dân dã là hủ tiếu gõ. Một bát hủ tiếu đầy đủ gồm nước dùng, tôm, thịt lợn, thịt băm, sợi bánh nhỏ như sợi bún nhưng có màu đục, ăn kèm với xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi... Ngày nay, hủ tiếu còn được biến tấu với nhiều nguyên liệu ăn kèm phong phú như: cá, mực, lòng, sườn...
Các món bún
Ở Sài Gòn bạn có thể đếm được hơn 20 loại bún khác nhau như: bún bò Huế, bún mọc, bún thịt nướng, bún mắm, bún cá... món nào cũng đầy hấp dẫn và thơm ngon. Không chỉ phong phú, bún ở Sài Gòn còn được bán vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Sáng sớm bạn có thể ăn bún bò, bún mọc; buổi trưa có thể ăn bún chả, bún thịt nướng; xế chiều thì bún bung, bún mắm.. tối đến đi ăn bún nước lèo....
Phở
Phở là món ăn nổi tiếng từ miền Bắc vào Sài Gòn. Không còn giữ được nguyên bản, những quán phở ở Sài Gòn đã biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Bạn có thể nhận biết được điều đấy khi nhìn vào bát phở của người Sài Gòn, sợi phở bé và mảnh hơn bánh phở Hà Nội, nước dùng có vị ngọt chứ không đậm như bát phở của miền Bắc. Nguyên liệu ăn kèm truyền thống trong bát phở là thịt bò với các cách chế biến như tái, nạm, gân, gầu... Ngày nay, phở được biến tấu phong phú với nhiều loại như phở cá, phở gà, phở đà điểu...
Các món lẩu
Ở Sài Gòn có các con phố lẩu nổi tiếng như: lẩu dê ở khu Nguyễn Công Trứ (quận 1), lẩu bò, lẩu dê khu Ngô Thời Nhiệm - Trương Định (quận 3); lầu cá kèo khu Bà Huyện Thanh Quan - Sư Thiện Chiếu (quận 3); lẩu thập cẩm khu Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5); khu bờ kè kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh)... Lẩu tương đối dễ ăn, nguyên liệu lại phong phú nên thích hợp với nhiều người. Có nhiều loại lẩu rất nổi tiếng như: lẩu Thái, lẩu cá kèo, lẩu hải sản, lẩu nấm... ngoài ra còn có nhiều loại đặc sản như: lẩu cua đồng, lẩu ốc, lẩu ếch...
Các món ốc
Khổng thể bỏ qua món ốc khi kể đến các món ăn ở Sài Gòn. Ốc là tên gọi chung, bao gồm rất nhiều loại hải sản khác nhau như: nghêu, sò, ốc, chem chép.... Những con đường như Thành Thái (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4)... là những địa chỉ quen thuộc của tín đồ mê ốc ở Sài Gòn. Các quán ốc thường mở cửa từ buổi trưa cho đến tối, khuya, cá biệt có nhiều quán mở cửa đến rạng sáng hôm sau. Sở dĩ món ốc được nhiều người ưa thích vì có cách chế biến phong phú với nhiều hương vị khác nhau. Bạn có thể nướng, xào, hấp, luộc, nấu cháo... với nhiều gia vị khác nhau như: nướng nước mắm, nướng mỡ hành, xào bơ cay, xào tỏi...
Ngoài những món ngon kể trên, còn rất nhiều món ngon khác cho du khách tha hồ thưởng thức khi đến Sài Gòn như: bánh canh, bánh xèo, bánh khọt, các loại chè...
6. Các khu mua sắm
Các trung tâm thương mại
Sài Gòn là thiên đường của mua sắm với nhiều trung tâm thương mại nổi tiếng. Ở ngay trung tâm Sài Gòn, bạn có thể ghé đến các cao ốc trên phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lý Tự Trong, Đồng Khởi... Tại đây có gần như đầy đủ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới cho bạn tha hồ chọn lựa, mua sắm.
Các con đường thời trang
Nếu thích lang thang mua sắm trong các shop thời trang có mức giá tương đối mềm bạn có thể ghé đến đường Nguyễn Trãi (quận 5), đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), đường Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu (khu vực quận 3)... đến đây bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một chiếc váy xinh xắn hay một cái áo hợp thời trang với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, ngoài một số cửa hàng có niêm yết giá rõ ràng thì bạn cần phải biết trả giá để tránh mua hớ.
Khu Chợ Lớn, chợ An Đông
Đây có thể gọi là thiên đường của thời trang khi bạn có thể tìm được các loại quần áo, vải, túi xách, mỹ phẩm... có thương hiệu hoặc không có thương hiệu... Mức giá ở đây không rõ ràng, tùy theo khả năng trả giá mà bạn có thể mua được hàng với mức giá bị hớ thấp nhất có thể.
7. Những điều cần lưu ý
- Tình trạng an ninh đường phố ở Sài Gòn khá phức tạp trong thời gian gần đây nên bạn cần lưu ý khi đi ngoài đường, không nên đeo các loại trang sức, giỏ xách, máy ảnh, điện thoại...
- Khi đi ăn uống, ở Sài Gòn không có nhiều tình trạng chặt chém, nhưng với những quán không có niêm yết giá thì bạn nên cẩn thận hỏi giá trước.
Hu Pa