Tốt nghiệp trường ngoại thương với tấm bằng đỏ trong tay, cộng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, nên Ngân được nhận ngay vào làm phiên dịch viên cho một công ty liên doanh cùng mức lương gần 1.000 USD.
Một năm sau, Ngân kết hôn cùng Tiến, tiến sĩ, trưởng phòng của một viện nghiên cứu. Mức lương nhà nước không mang lại cho anh thu nhập cao như Ngân.
Hôn nhân của họ êm đềm trôi qua được năm năm, sau đó là những cuộc chiến tranh nóng, lạnh liên tiếp xảy ra đến nỗi có lúc Tiến phải ngủ luôn tại cơ quan. Nguyên nhân của những cuộc cãi cọ giữa hai vợ chồng bắt nguồn từ việc thích kể công của Ngân. Cô có thể nói về chuyện này với bất cứ ai. Ngay cả khi có chồng ngồi đó, Ngân cũng chẳng e ngại gì.
Chẳng nói thì ai cũng biết Ngân tháo vát, nhanh nhẹn nên mọi việc cô làm cho nhà chồng khó có thể chê trách. Tiến cũng mát mặt khi họ hàng khen ngợi và nói anh may mắn lấy được vợ vừa kiếm tiền giỏi lại biết lo toan. Có lẽ vì thế mà Ngân thấy mình được coi trọng và tự cho phép mình lên mặt với mọi người đặc biệt là Tiến.
Mỗi lần vợ chồng có gì cần bàn bạc thống nhất, Ngân cũng là người quyết định. Cô nói: “Anh thì giải quyết được gì, trong gia đình này từ cái bé cho tới cái lớn đều một tay gái già này lo liệu”.
Nhiều lần phải nghe "bài ca" của Ngân, Tiến khó chịu, góp ý với vợ thì cô lấp liếm: “Em nói không đúng sao, trong nhà này mà không có em thì có được như ngày hôm nay không. Anh có ung dung mà có chức quyền, rồi nhà cửa con cái có đoàng hoàng như thế này không, công việc của mấy đứa em trai, em gái của anh liệu có được ngồi trong máy lạnh mà hưởng 7-8 triệu một tháng không. Tất cả là do em lo liệu, xin xỏ thử hỏi anh làm được gì nào. Lương tháng anh đưa không đủ tiền đóng học cho 2 đứa con, vậy thì sao có thể sống trong thời buổi hiện nay”.
Dù giận bầm gan tím ruột nhưng Tiến đành lặng lẽ đi về phòng vì không muốn vợ chồng to tiếng ảnh hưởng đến các con. Dần dần anh ít nói chuyện với vợ hơn, nhiều lúc còn lấy lý do bận để ngủ lại cơ quan mà không về nhà. Ngân cũng chẳng thiết vì kiểu gì cũng chỉ giận dỗi vài ngày rồi lại đâu vào đấy.
Càng ngày Tiến thấy Ngân ngày càng xa lạ, khó gần. Cho dù vợ có làm bao nhiêu việc cho gia đình đi chăng nữa nhưng nếu cô làm chỉ làm để được kể công thì thật là vô nghĩa. Từ sự cảm phục và yêu thương Tiến cảm thấy Ngân bình thường và ích kỷ.
Vợ chồng My-Phong cũng đưa nhau ra tòa ly dị chỉ vì tính thích kể công của My. Phong làm kỹ sư xây dựng nên rất hay phải đi theo công trình, tỉnh này, tỉnh khác. Cho nên mọi việc trong nhà do My quán xuyến hết từ chăm sóc con nhỏ 3 tuổi, bố mẹ chồng gần 80 tuổi đến cơm nước cho cả nhà.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như My không kể công chăm sóc bố mẹ chồng với mấy chị hàng xóm để rồi đến tai mẹ chồng và cuối cùng lọt đến tai Phong.
“Ông bà ấy có đưa tiền ăn cho vợ chồng mình đâu, mà có đưa mình cũng chẳng lấy, vợ chồng mình nuôi ông bà hết. Những lần đi viện toàn mình chăm sóc, lúc ốm đau toàn mình cấp cứu. Nếu không có mình thì ông bà ấy chết lâu rồi” đó là tất cả những gì mẹ Phong nước mắt ngắn dài kể cho con trai về chuyện con dâu nói với thiên hạ.
Nói qua, nói lại vợ chồng cãi nhau, ai cũng cho là mình đúng người kia ích kỷ, hẹp hòi. Phong mặt đỏ phừng phừng nói: “Thích thì tôi và cô ly dị, đừng có kiểu làm rồi kể công, nếu kể công thì đừng làm”. Tức mình Trà My cũng đáp: “Tôi cũng muốn ly dị lắm rồi”.
Đơn ly dị được đưa ra thì My lại cảm thấy hối hận. Thế nhưng lời nói như bát nước đầy đổ đi sao múc đầy lại được. Lúc này cô nghĩ: giá như không kể công biết đâu Phong sẽ biết ơn cô nhiều hơn. Dù hối hận cũng đã muộn, anh đã đặt bút ký ngay trước mặt cô.
Ngọc Minh