Những người phụ nữ xóm Xuân La đánh giậm ven hồ Tây. |
Dù trời mưa hay rét buốt, cư dân xóm Xuân La cũng lục tục kéo nhau ra hồ Tây để bắt đầu một ngày trầm mình trong làn nước.
Đối với họ, bữa ăn sáng rất quan trọng, tuy chỉ là một bát cơm nguội với nước mắm. Nước mắm càng mặn càng tốt. “Nước mắm để chống lại cái lạnh, rét. Còn độ mặn của nước mắm giúp chúng tôi có thể no tới chiều”, Nguyễn Thị Thủy, 19 tuổi, quê ở Chương Mỹ, Hà Tây giải thích.
Bộ “đồ nghề” mang theo của Thủy cũng như bao chị em trong xóm nghèo xơ xác này chỉ là một cái giậm, mấy cái giỏ với cái mõ được làm bằng tre cộc cột ngang lưng để đựng cua, ốc, ếch, nhái...
Quệt những vệt bùn bám đầy mặt, khoe một nhúm tép nhỏ vừa lòng bàn tay mò được, Thủy nói: “Công việc này cần sức dẻo dai, chịu đựng. Sợ nhất là những ngày đông giá rét, có khi nhiệt độ xuống 7, 8 độ vẫn phải ngâm mình cả ngày, cứ như ngâm mình trong nước đá ấy”. Một ngày mưu sinh của cư dân xóm Xuân La từ sáng đến chiều phải mất 7, 8 giờ, nhưng thường chỉ khi nào những chiếc giỏ mang theo được lưng cua, ốc chị em mới vào bờ vội vàng mang ra chợ bán.
Thủy vừa học hết trung học cơ sở, theo mẹ lên Hà Nội mưu sinh được 5 năm. Thủy tâm sự: “Dưới quê nhà ruộng ít, lại nhiều miệng ăn. Khi ra Hà Nội em cũng có nhiều ước mơ, dự định xin việc rồi đi học thêm, nhưng cả năm đi khắp nơi mà chẳng xin được việc. Em và mẹ bám lấy cái nghề đánh giậm quen thuộc ở nông thôn mà tồn tại nơi thành thị”.
Mẹ Thủy kể: “Con cua, con tép hồ Tây ngày càng ít mà người đánh giậm ngày một đông thêm, hôm nào may mắn lắm cũng chỉ kiếm được khoảng 15.000 đồng”.
Công việc ngụp lặn nhọc nhằn, mưa nắng, đầy nguy hiểm. Dưới lòng hồ có biết bao chai lọ thủy tinh, cọc sắt, mảnh sành, và cả kim tiêm của dân nghiện ma túy. Mới mấy tháng trước, Hồng, cô gái mới 20 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Tây, đạp phải một cây đinh gỉ dưới lòng hồ, bị phong đòn gánh, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, nằm điều trị gần bốn tháng trời. Cả xóm trọ phải góp tiền lo cho cô gái.
Xóm đánh giậm có nhiều cô gái xinh xắn, dễ thương nhưng vẫn chấp nhận làm công việc cực nhọc, thu nhập thấp, không chấp nhận làm những nghề không lương thiện. Cuối năm ngoái, một cô lén ra ngoài làm tiếp viên karaoke ở một quán “có vấn đề”. Cả xóm trọ khuyên nhủ không được nên đòi từ mặt và báo tin cho gia đình ở quê biết. Cuối cùng cô gái này quay lại công việc cũ.
(Theo Tuổi Trẻ)