Ở thị trấn Mađagui, huyện Đạ Huoai ai cũng biết chuyện về Duyên, sinh năm 1987 khi đang học lớp 9 trường huyện lỡ “yêu” anh Ngọc cùng khu phố. Không thể tổ chức đám cưới cho con gái vì như vậy là phạm luật và cũng không đồng ý để con gái phá thai, cha mẹ Duyên đành chấp nhận cho Ngọc về ở rể để... chăm sóc vợ con.
Ở thôn 2 xã Đạ Oai, huyện Đạ Hoai có nhiều trường hợp kết hôn ở tuổi 14-16, cá biệt năm 2003 có một nữ sinh lớp 6 bỏ học chuẩn bị lấy chồng, Ban Dân số và Hội Phụ nữ đến vận động, khuyên can nên em đã trở lại trường tiếp tục học tập.
Còn ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm có đôi vợ chồng cưới nhau khi đang cùng là học sinh trường THCS. Dù không được chính quyền cho đăng ký kết hôn, nhưng cả hai bên gia đình vẫn tổ chức tiệc cưới linh đình cho cô cậu, và hai học sinh ấy đã làm bố mẹ ở tuổi 16.
Toàn huyện Bảo Lâm có 14 xã thì xã nào cũng có tình trạng tảo hôn, xã vùng sâu có tỷ lệ cao hơn. Qua khảo sát, hiện có khoảng 250 đôi vợ chồng chưa đăng ký kết hôn theo luật định, trong đó có những trường hợp tảo hôn, có trường hợp đôi bạn lên xã đăng ký, nhưng cán bộ hỏi đã đóng thuế nhà đất chưa?
Đóng các khoản tiền công ích, nghĩa vụ lao động, an ninh quốc phòng chưa? Phải đóng đủ UBND xã mới cho đăng ký kết hôn. Vậy là có nhiều trường hợp không đủ khả năng đóng các khoản đành dắt nhau về buôn chung sống mặc dù họ vẫn biết như thế là trái pháp luật.
Một cán bộ dân số bức xúc với Thanh Niên: “Việc ép buộc các đôi vợ chồng nộp các khoản tiền mới cho đăng ký kết hôn đã cản trở việc thực hiện luật hôn nhân và gia đình. Nếu các địa phương cứ “lợi dụng” việc đăng ký kết hôn để truy thu thì tình trạng hôn nhân thực tế sẽ tiếp tục gia tăng”.