Bác sĩ hỏi chuyện, Hồng Nương chỉ ngó, không trả lời. |
Lật hồ sơ bệnh án mã số 160 của Cao Thị Bích My, bác sĩ Võ Cánh Sinh, Phó giám đốc BV Tâm thần TP Cần Thơ, cũng là bác sĩ trực tiếp điều trị cho My cho biết, cô năm nay 23 tuổi, nhà ở ấp Phúc Lộc 2, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), lấy chồng Đài Loan cách đây 4 năm.
Ông Cao Văn Hùng, cha của My kể, ngày trước My là một đứa con gái nhanh nhẹn, xốc vác, là tay nhờ cậy của cả nhà. Nghe bà mai dỗ ngọt, gia đình đã đốc thúc My lấy chồng Đài Loan để sớm có tiền gửi về. My theo chồng được vài tháng thì gia đình nghe thông báo My phát bệnh, chồng My cũng có đưa đi điều trị nhưng không hết, đành trả về Việt Nam. Từ ngày về nhà, My không thiết ăn uống, cứ ra đường nhảy múa, ai hỏi gì cũng không nói, hễ nhắc tới chồng là tự nhiên ngơ ngẩn rồi ngồi thu lu một góc, nói cười một mình.
Bác sĩ Sinh và các đồng nghiệp đã làm đủ mọi cách vẫn không tìm ra nguyên nhân căn bệnh của My, nhưng ông chắc chắn, bệnh nhân đã bị một cú sốc tâm lý rất lớn mới như vậy. Giờ nếu có thuốc uống thì My đỡ được phần nào, nhưng sau đó là bị mất ngủ trở lại, nói nhảm, đập phá đồ đạc...
Trường hợp Cao Thị Hồng Nương ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), bệnh nhân mang mã số 610, vừa xuất viện ngày 25/12 cũng tương tự.
Bà Nguyễn Thị Đào, mẹ Nương, cho biết: "Bây giờ nhà tôi khổ như địa ngục, gần 10 miệng ăn phải chạy gạo từng bữa, thêm con gái bệnh không có tiền thuốc thang. Phải chi ngày trước không gả nó qua Đài Loan thì đâu ra nông nỗi".
Nương thường ngồi nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt như tượng. Hai đứa con vào thăm, Nương cũng chẳng biết là ai, mấy lần đuổi đánh làm náo loạn cả bệnh viện.
Năm 2000, Nương lấy người chồng Đài Loan hơn mình 10 tuổi và sinh 2 đứa con. Thời gian đầu Nương cũng có gọi điện về thăm nhà, nhưng sau thưa dần rồi bặt vô âm tín. Bên nhà có gọi qua nhưng chồng viện cớ không cho gặp Nương. Đùng một cái, chồng Nương mang vợ về trả với lý do vợ bệnh tâm thần, rồi làm ngay thủ tục ly hôn.
Không chỉ 2 bệnh nhân trên, bác sĩ Sinh còn cho biết rành rẽ về nhiều cô dâu Đài Loan khác đã và đang điều trị tại BV. Điểm qua gần 1.000 hồ sơ đã đến trung tâm khám bệnh để làm thủ tục lấy chồng nước ngoài trong năm 2006, bác sĩ Sinh khẳng định: "Gần 70% trong số này là lấy chồng Đài Loan, dù người nhà cố giấu. Cứ sau mỗi "cơn lốc" hôn nhân như vậy, chắc chắn thời gian sau sẽ có bệnh nhân đến đây điều trị. Điều khó khăn lớn nhất cho chúng tôi là người nhà vì mặc cảm không dám nói thật với bác sĩ, có người còn bịa ra nguyên nhân giả khiến con bị bệnh, làm công tác điều trị không hiệu quả như mong muốn".
Bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Linh, Trưởng phòng tổ chức của bệnh viên, người từng tham gia điều trị tâm lý cho các cô dâu xứ Đài, ngậm ngùi: "Đa số vào đây đều thuộc dạng loạn tâm thần phản ứng, nghe tới chữ con người là hoảng sợ, hỏi chuyện gì cũng trả lời tầm bậy. Thông thường, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này là stress do bị đối xử tàn tệ, hạ thấp giá trị con người. Phần lớn các cô rơi vào những cuộc hôn nhân với Đài Loan đều xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo, muốn hi sinh bản thân mình để lo cho gia đình. Tiếc là các cô đã hi sinh không đúng cách, nên chẳng những không hiệu quả mà còn gây mất mát, tổn thương".
Trước hiện tượng trên, bà Phạm Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết: "Trước mắt, Hội sẽ hỗ trợ mỗi chị em lấy chồng nước ngoài bị bệnh trả về 3 triệu/người, kết hợp cùng gia đình giúp nạn nhân vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tạo vốn làm ăn để họ hòa nhập cộng đồng".
Ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang), một trong những nơi có nhiều nạn nhân nhất, Hội LHPN có vẻ... bất ngờ, vì chưa nắm được thông tin, do xã chưa báo cáo lên.
"Tôi sẽ cho người đi thực tế ngay để có hướng giải quyết. Huyện đang có vài dự án hỗ trợ phụ nữ có chồng nước ngoài bị trả về, sẽ ưu tiên đặc biệt cho đối tướng này", bà Bùi Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành khẳng định.
(Theo Phụ Nữ)