Nét mặt lo âu của anh Hồ Văn Do khi có con đang lâm bệnh. |
Nét mặt chưa hết bàng hoàng, anh Hồ Văn Phố, cán bộ dân số của thôn 2, xã Trà Linh, kể: “Trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi, trời rét như cắt da, cộng thêm trời mưa dầm trong nhiều ngày liền nên trẻ em ốm đau, cảm cúm khá nhiều. Tưởng bình thường nhưng không ngờ sau một thời gian nhiễm bệnh khoảng 7-10 ngày đã có mấy cháu bé chết. Hoang mang trước việc không bình thường này, người dân cứ nghĩ đây là điềm xấu đến với dân làng nên đã tổ chức cúng Giàng trừ bệnh. Nhưng tất cả đều rơi vào tuyệt vọng”.
Đến cuối tháng 3, bốn nóc của thôn 2 đã có hơn 10 cháu 1-6 tuổi chết không rõ nguyên nhân. Trong đó nhiều nhất là nóc Măng Lùng có đến bảy cháu chết, số còn lại rơi vào các nóc Kapin có ba cháu, Tăklang hai cháu và một cháu ở nóc Tắk Ngo.
Có mặt tại nóc Kapin, chúng tôi được già làng Hồ Văn Bo cho biết tất cả 13 cháu chết đều chung một triệu chứng: đầu tiên là cảm cúm, sau dần ho kéo dài cả ngày lẫn đêm, cộng thêm tiêu chảy và nôn ra máu.
“Đau lắm. Chúng nó chưa kịp lớn khôn thì đã không còn trên cõi đời này. Chính bản thân già đây cũng có đứa cháu mới hơn một tuổi, sau mấy ngày ho ra máu nó cũng bỏ già ra đi”, già làng nghẹn ngào.
Ngừng lại mấy giây để lau giọt nước nơi khóe mắt, già Bo nói tiếp: “Chúng nó chết tội lắm. Đau nhiều ngày kiệt sức vì không ăn uống được gì. Thương con, cha mẹ chúng chắt nước cơm và nhỏ vào từng giọt nơi khóe miệng non nớt để cầm hơi. Có người lấy nước suối nấu sôi để nguội bón cho con từng muỗng một. Nhưng tất cả cũng chỉ chống chịu được mấy ngày sau đó mà thôi”.
Theo tìm hiểu, khi trong gia đình có con em bệnh nặng, nhiều hộ đồng bào không đưa con đến các cơ sở y tế để điều trị. Bởi họ quan niệm nếu đưa giữa đường không may chết, họ xem như đó là cái “chết xấu” ảnh hưởng đến cuộc sống của cả làng. Bên cạnh đó, từ thôn 2, xã Trà Linh tới trung tâm huyện Nam Trà My phải mất hai ngày đường đi bộ. Một người bệnh, bốn người thay nhau cáng võng, trong lúc thời gian trước và sau tết trùng vào mùa dân làng đang làm rẫy.
Mặt khác, anh Nguyễn Thanh Đường, cán bộ y tế thôn bản thôn 2, cho biết: “Tất cả các cháu chết phần lớn đều không có thuốc uống, điều trị kịp thời. Khi biết tin người chết, chúng tôi chỉ biết thông tin và báo cáo lên trạm xá xã. Còn vấn đề điều trị chúng tôi không có chuyên môn”.
Ông Hồ Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh, bức xúc nói: “Tất cả thông tin liên quan đến nhiều cái chết của các cháu chúng tôi đã báo cáo lên ngành y tế huyện. Thế nhưng mấy tháng nay vẫn không có thông tin phản hồi, trong lúc người dân vẫn đau ốm kéo dài. Cách đây hai hôm mới thấy mấy anh y tế dự phòng lên đây, song hai ngày liên tục họ ở lại tại địa bàn trung tâm xã không thấy đả động gì đến việc cứu người”.
Riêng ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch mặt trận xã, nêu ý kiến: “Hiện nay xã đang rất cần thuốc và cán bộ y tế có chuyên môn lên địa bàn xã điều trị cho con em chóng khỏi bệnh”.
(Theo Tuổi Trẻ)