Bà Mai Thị Hải, mẹ của bệnh nhân Sơn cho biết, con trai bà là kỹ sư xây dựng công tác tại Công ty xây dựng Sông Đà 1. Ngày 16/8, trên đường đi làm, do thấy tức ngực nên anh Sơn rẽ vào bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương để khám. Sau khi khám và chụp X-quang, bác sĩ đưa anh vào khoa Cấp cứu để điều trị và hút khí ra. Ba tuần sau đó, anh Sơn được phẫu thuật; kíp mổ gồm 4 bác sĩ do bà Tô Thị Kiều Dung, Phó Trưởng khoa Ngoại chịu trách nhiệm chính.
Xét nghiệm trước mổ sáng 7/9 cho thấy thể trạng anh Sơn ổn định, các xét nghiệm đều trong giới hạn cho phép. Thế nhưng chỉ chưa đầy 1 giờ sau khi lên bàn mổ, anh Sơn đã qua đời. Bảng tóm tắt quá trình phẫu thuật của bệnh viện ghi: “Bệnh nhân được mổ bằng đường sau bên vào lồng ngực trái... Đang chuẩn bị đóng thành ngực, đột ngột xuất hiện ngừng tim. Kíp mổ và gây mê viên đã phát hiện kịp thời, ngay lập tức bóp tim trực tiếp trong lồng ngực và hồi sức tích cực trong 30 phút, nhưng tim không đập trở lại...”.
Gần 1 tháng sau, vào ngày 2/10, 4 bác sĩ trong kíp mổ gặp gỡ với người nhà bệnh nhân Sơn để lập biên bản thoả thuận, trong đó bác sĩ Dung lý giải cái chết của anh Sơn là “một rủi ro nghề nghiệp đáng tiếc”. Họ chuyển tới gia đình nạn nhân 50 triệu đồng cùng với điều kiện “không có thêm thắc mắc, yêu cầu gì nữa”. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân không cho đây là tai nạn nghề nghiệp.
Theo bác sĩ Nguyễn Chi Lăng, Phó Giám đốc bệnh viện, ngay sau khi nhận được đơn của gia đình bệnh nhân Sơn, bệnh viện đã lập một tổ xem xét khiếu nại do ông phụ trách và kết luận: Trường hợp của anh Sơn là bất khả kháng. Kết luận này không được người nhà bệnh nhân tin tưởng vì bác sĩ Lăng, người phụ trách tổ khiếu nại, chính là người được mời tới để “xử lý sự cố” tại ca mổ, nhưng không thành.
Ngoài ra, trước khi phẫu thuật cho anh Sơn, kíp mổ của bác sĩ Dung đã không hề yêu cầu người nhà ký vào giấy cam đoan, một điều được coi là bắt buộc đối với tất cả các ca mổ tại bệnh viện.
Bác sĩ phẫu thuật không có chuyên môn mổ lồng ngực
Bác sĩ Kiều Dung, người trực tiếp phẫu thuật cho anh Sơn, cũng từng gặp rắc rối về một ca điều trị khác mà bệnh nhân cũng chết sau khi mổ. Đó là cô Bùi Thu Thủy, một nhân viên ngân hàng có bệnh kén phổi bẩm sinh. Tháng 6/2001, do sắp lập gia đình nên cô muốn trị dứt căn bệnh này. Khoảng 6 tiếng sau ca phẫu thuật do bác sĩ Dung đảm nhiệm, bệnh nhân lên cơn co giật, chảy máu ồ ạt từ vết mổ và tử vong, theo gia đình bệnh nhân là do không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ bác sĩ.
Suốt 2 năm trời, bà Đỗ Thị Thanh Y, mẹ cô Thủy gõ cửa các nơi để khiếu nại. Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế giải quyết. Thanh tra Bộ đã có kết luận về trách nhiệm của bác sĩ Dung: Giải thích với người nhà bệnh nhân không rõ ràng thiếu cặn kẽ, tạo cho gia đình bệnh nhân tâm lý cuộc mổ đơn giản, không lường hết những khả năng diễn biến xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân. Trước thời điểm xảy ra cái chết của anh Sơn không lâu, bác sĩ Dung cùng kíp mổ còn bỏ quên gạc trong lồng ngực của bệnh nhân Lê Anh Dũng (Hưng Yên).
Một điều nữa khiến gia đình các bệnh nhân thắc mắc là bác sĩ Dung hoàn toàn không có chuyên môn về mổ lồng ngực, chỉ có bằng phó tiến sĩ về ngoại sản do Đại học Y Thái Bình cấp và bằng phó tiến sĩ y dược chuyên ngành nội khoa. Bác sĩ Vũ Đỗ, người phụ mổ cho bệnh nhân Sơn cũng chỉ có bằng nội khoa. Việc phân công mổ lồng ngực cho họ là trái với quy chế bệnh viện.
Liên tiếp gặp rắc rối nhưng bác sĩ Dung vẫn giữ nguyên chức phó trưởng khoa Ngoại và đang được đề bạt vào chức vụ trưởng khoa. Tuy nhiên, Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Chi Lăng cho biết, ban lãnh đạo đã quyết định ngừng xem xét sự bổ nhiệm này và không phân công mổ trong 15 ngày tới để chờ kết luận tiếp theo.
(Theo Lao Động)