Tắt máy hoàn toàn
Khi smartphone bật, các ứng dụng, tác vụ có thể chạy ngầm, dẫn đến việc sạc pin cho máy tốn thời gian hơn. Do đó, người dùng nên tắt hoàn toàn thiết bị và cắm sạc trong trường hợp cần nhanh chóng có đủ pin cho điện thoại. Bên cạnh đó, sạc pin khi tắt điện thoại sẽ giúp dòng điện vào ổn định hơn, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tắt thiết bị hoàn toàn sẽ giúp người dùng sạc pin điện thoại nhanh hơn.
Kích hoạt chế độ máy bay
Trong trường hợp vẫn muốn mở máy khi sạc pin, người dùng có thể chuyển thiết bị về chế độ dùng trên máy bay. Ở trạng thái này, các loại sóng như wifi, bluetooth, sóng điện thoại sẽ dừng kích hoạt và không ảnh hưởng đến thời gian sạc pin. Theo Tomesguide, thời gian sạc pin có thể giảm khoảng 25% khi người dùng chuyển smartphone sang chế độ máy bay, đặc biệt là những nơi sóng di động kém ổn định.
Cắm sạc bằng ổ điện
Xét về tính ổn định và an toàn, cắm sạc điện thoại thông qua máy tính hoặc một thiết bị khác có hỗ trợ cổng USB là tối ưu nhất. Tuy nhiên, tốc độ sạc của hình thức này thường chậm hơn so với cách cắm bằng ổ điện thông thường, bởi nguồn ra tối đa của cổng USB chỉ 0,5A. Do đó, hãy sạc pin bằng cách cắm nguồn ổ điện.
Giữ nhiệt độ thấp
Nhiệt độ cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ pin, do đó người dùng nên giữ điện thoại mát nhất có thể khi sạc. Smartphone nên để ở những nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao trực tiếp khi sạc pin. Mức tối ưu nhất khi sạc pin cho smartphone là nhiệt độ khoảng 20 đến 25 độ C.
Không sử dụng điện thoại khi sạc
Khi cắm sạc, người dùng nên tránh sử dụng thiết bị. Mỗi tác vụ của máy đều gây tiêu hao mức năng lượng nhất định và làm thời gian sạc pin kéo dài. Bên cạnh đó, vừa cắm sạc vừa sử dụng điện thoại có thể gây ra những tình huống nguy hiểm đáng tiếc.
Nam Phong