The Lord of the Rings: The Return of the King (2003)

Đây là tập cuối cùng nằm trong bộ ba phim The Lord of the Rings của đạo diễn Peter Jackson. Trong The Return of the King, hai người Hobbit Frodo và Sam cố gắng tiêu hủy chiếc nhẫn tại núi Doom cũng như cuộc chiến của vùng Trung Địa trước sự đe dọa của chúa tể Sauron.
Đây cũng là phim thần thoại hiếm hoi được trao giải "Phim hay nhất" tại Oscar. The Lord of the Rings: The Return of the King được đánh giá cao về độ hoành tráng, đậm chất bi hùng của một phim sử thi. Đây cũng là bộ phim duy nhất trong lịch sử Oscar tính đến nay nhận được 11 đề cử ở các hạng mục và giành chiến thắng ở tất cả các hạng mục đó.
Phim được nhận danh hiệu "Phim hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc", "Kịch bản chuyển thể xuất sắc", "Dựng phim xuất sắc", "Thiết kế sản xuất xuất sắc", "Thiết kế trang phục đẹp nhất", "Trang điểm đẹp nhất", "Nhạc phim hay nhất", "Ca khúc nhạc phim xuất sắc", "Hòa âm xuất sắc", "Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc". Tuy nhiên, phim không nhận được đề cử tại các hạng mục diễn xuất.
Titanic (1997)

Bộ phim tình cảm kinh điển này nhận đến 14 đề cử Oscar và chiến thắng 11 tượng vàng. Bộ phim của đạo diễn James Cameron cũng phá kỷ lục giải thưởng mà Ben-Hur (1959) nắm giữ trong hàng chục năm.
Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật, Titanic là bộ phim có doanh thu cao thứ ba mọi thời đại và là bộ phim duy nhất từ những năm 1990 nằm trong số 30 bộ phim ăn khách nhất lịch sử tính đến nay.
Ben Hur (1959)

Được xem là một trong những bộ phim vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ, Ben-Hur là bộ phim đầu tiên giành được 11 giải Oscar - một kỷ lục không bị phá trong nhiều thập kỷ, đến khi Titanic cân bằng.
Bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the Christ ra mắt từ thế kỷ 19 của Lew Wallace. Lấy bối cảnh thời Kinh thánh, phim kể câu về hành trình trả thù của một quý tộc Do Thái. Bị phản bội và bị bán làm nô lệ, Ben-Hur chiến đấu để giành lấy tự do và trả thù cho sự đổ nát của gia đình mình.
Bên cạnh quy mô hoành tráng của bộ phim, diễn xuất của Charlton Heston trong vai Ben-Hur giành được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình cũng như người yêu điện ảnh. Phim nhận được 12 đề cử Oscar và giành chiến thắng ở 11 hạng mục. Ngoài các giải thưởng về làm phim, Ben-Hur còn mang về cho Charlton Heston danh hiệu "Nam diễn viên chính xuất sắc" và giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc" cho Hugh Griffith.
West Side Story (1961)

Được đánh giá là kiệt tác phim nhạc kịch của Mỹ, West Side Story xoay quanh mối tình giữa hai người trẻ tuổi bị mắc kẹt trong ân oán giữa hai băng đảng đối địch tại thành phố New York. Phim được chuyển thể từ vở nhạc kịch cùng tên năm 1957 tại sân khấu Broadway, được lấy cảm hứng từ vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare. Dàn diễn viên tham gia trong phim là Natalie Wood, Richard Beymer, Russ Tamblyn, Rita Moreno và George Chakiris.
West Side Story nhận 11 đề cử Oscar và giành chiến thắng ở 10 hạng mục. Phim được đánh giá cao khi được chuyển thể sang phiên bản điện ảnh mà không làm mất "chất" của sân khấu nhạc kịch.
Gigi (1958)

Gigi là bộ phim hài lãng mạn ca nhạc của Mỹ, ra mắt năm 1958 do Vincente Minnelli đạo diễn. Kịch bản do Alan Jay Lerner viết, dựa trên tiểu thuyết cùng tên năm 1944 của Colette .
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 31, bộ phim giành được giải thưởng ở tất cả 9 đề cử, bao gồm cả "Phim hay nhất" và "Đạo diễn xuất sắc". Phim giữ kỷ lục là tác phẩm chiến thắng trọn vẹn ở các hạng mục được đề cử (sau này có thêm The Last Emperor) và The Lord of the Rings: The Return of the King phá vỡ về số lượng.
Nội dung xoay quanh Gigi, một cô gái Paris vô tư được hướng dẫn để trở thành tình nhân của những người đàn ông giàu có. Cuối cùng, Gigi vướng vào rắc rối với Gaston, tay chơi sành sỏi và họ phải lòng nhau.
The Last Emperor (1987)

Do đạo diễn nổi tiếng người Italy Bernardo Bertolucci thực hiện, The Last Emperor là cái nhìn của phương Tây về lịch sử Trung Quốc thông qua cuộc đời của Hoàng đế cuối cùng - Phổ Nghi. Tạo ra một tác phẩm kể chuyện xuất sắc thông qua hình ảnh, phim theo chân Phổ Nghi từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, trong quá trình Trung Quốc giã từ chế độ phong kiến quân chủ sang chế độ xã hội mới.
The Last Emperor cũng là một trong số ít phim chiến thắng ở tất cả các hạng mục được đề cử với 9 giải, dành cho "Phim hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc", "Kịch bản chuyển thể xuất sắc", "Quay phim xuất sắc", "Thiết kế sản xuất xuất sắc", "Dựng phim xuất sắc", "Thiết kế trang phục xuất sắc", "Âm thanh xuất sắc", "Nhạc phim xuất sắc". Tuy nhiên, The Last Emperor cũng vắng bóng tại các hạng mục diễn xuất.
The English Patient (1996)

Bộ phim của Anh dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1992 của Michael Ondaatje do Anthony Minghella đạo diễn kiêm biên kịch. The English Patient xoay quanh những yêu hận tình ái, sự sống và cái chết giữa chiến tranh.
Phim bắt đầu vào những tháng ngày cuối cùng của Thế chiến II tại một ngôi biệt thự bỏ hoang ở Italy. Cô y tá Hana tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Anh ta bị bỏng nặng sau một tai nạn máy bay với gương mặt méo mó biến dạng, được gọi với cái tên "Bệnh nhân người Anh". Sau mỗi lần tiếp xúc với Hana, từng câu chuyện trong quá khứ của anh ta được hiện lên với nhiều bí mật. Bản thân Hana cũng có những xúc cảm đặc biệt muốn che dấu.
Cả hai diễn viên chính trong phim là Ralph Fiennes và Kristin Scott Thomas đều nhận được đề cử cho Nam – Nữ chính xuất sắc nhưng không giành chiến thắng. Phim nhận về 9 giải thưởng trên số lượng 12 đề cử, trong đó có giải diễn xuất "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" cho Juliette Binoche.
Slumdog Millionaire (2008)

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên năm 2005 của nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup, do đạo diễn Danny Boyle thực hiện. Nội dung phim xoay quanh chàng trai trẻ Jamal có xuất thân từ khu ổ chuột Juhu ở Mumbai khi cậu tham gia trò chơi truyền hình Who Wants to Be a Millionaire? (Ai là triệu phú?) phiên bản Ấn Độ và trả lời được chính xác tất cả câu hỏi, vượt quá kỳ vọng của mọi người, khiến người dẫn chương trình lẫn các sĩ quan cảnh sát phải nghi ngờ.
Phim chiến thắng ở 8 trên 10 hạng mục được đề cử, trong đó có danh hiệu "Phim hay nhất".
Gandhi (1982)

Phim dựa theo tiểu sử của Mahatma Gandhi, biểu tượng đấu tranh cho tự do của Ấn Độ, người được coi là một trong những nhân cách vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Gandhi là bộ phim hợp tác sản xuất giữa Ấn Độ và Anh, do Richard Attenborough đạo diễn và sản xuất từ kịch bản của John Briley. Phim có sự tham gia của Ben Kingsley trong vai chính.
Bộ phim tập trung vào cuộc đời của Gandhi, bắt đầu ở thời điểm ông còn là một luật sư trẻ ở Nam Phi năm 1893, khi trực tiếp trở thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc, tới khi ông bị ám sát năm 1948.
Bhanu Athaiya trở thành người Ấn Độ đầu tiên giành giải Oscar khi được trao giải ở hạng mục "Thiết kế trang phục đẹp nhất". Phim nhận được 8 giải Oscar trên tổng số 11 đề cử.
Amadeus (1984)

Amadeus là bộ phim do Miloš Forman đạo diễn và Peter Shaffer viết kịch bản, chuyển thề từ vở kịch cùng tên của chính ông. Nội dung phim là câu chuyển giả tưởng xoay quanh sự đố kỵ tài năng của nhà soạn nhạc người Italy Antonio Salieri với thiên tài âm nhạc Mozart, dưới triều đại của Hoàng đế Joseph II.
Phim nhận được 11 đề cử Oscar và chiến thắng 8 giải thưởng. Trong đó, nam diễn viên Murray Abraham, người thủ vai Antonio Salieri, nhận được giải "Nam diễn viên chính xuất sắc".
Thảo Nguyên