Việt Hà (ĐHSP I) nói: "Bọn tớ học văn theo một hệ thống từ cổ, trung đến cận hiện đại. Tiếp xúc và giải mã những tác phẩm mới ra đời mang hơi thở nóng hổi của thời đại là mong muốn của tất cả sinh viên (SV) khoa văn. Vâỵ mà đề cương và đề thi năm nào cũng cày Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nam Cao, Nguyễn Tuân. Gặp thày thức thời sẽ may mắn thả sức viết về Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh. Nhưng điều này hiếm hoi lắm. Văn học Việt Nam đương đại còn thế, văn học thế giới thì hoàn toàn nằm ngoài vùng phủ sóng".
Đề cương câu hỏi ôn thi có nhiều nguồn. Hầu hết các môn đại cương cơ sở bắt buộc, tất cả các trường đều dùng ngân hàng câu hỏi của Bộ GDĐT cung cấp. Còn những môn mang tính nhập môn, chuyên ngành lại do khoa và chính giảng viên soạn lên.
Có những giáo trình được viết từ thập kỷ 70-80 thì tất yếu đến bây giờ vẫn tồn tại những câu hỏi ôn tập cách đây 20-30 năm. Câu hỏi không thể tách khỏi giáo trình, do vậy SV vẫn phải gặm nhấm những quyển sách mốc meo của mấy chục năm trước. Điều này đối với các môn đại cương có thể chấp nhận được. Còn những môn học chuyên ngành, đôi khi các thày hoài cổ quá mà tội nghiệp cho SV.
Theo SVVN, tất cả các câu hỏi ôn thi đều thuộc dạng trình bày, nêu, chứng minh một luận đề. Điệp khúc muôn thuở: "Anh chị hãy trình bày sự....., Nêu nội dung... " chỉ đòi hỏi SV tư duy học thuộc vốn là sở trường của người Việt Nam. Với dạng đề này chẳng khác các bài kiểm tra của học sinh THCS, THPT. Sinh viên cứ ề à làm bài như sách.
Các thành viên lớp K47 Báo chí ( ĐH KHXH & NV, Hà Nội) vẫn còn nhớ rõ đề thi hết môn Mỹ học đại cương của tiến sĩ Phạm Thế Hùng: "Trong nghệ thuật cái xấu có thể trở thành cái đẹp được không? Tại sao?" Rất ngắn ngọn nhưng đòi hỏi SV phải rất hiểu biết và làm bài theo một phong cách riêng. Hai điểm 10, sáu điểm 9 chứng tỏ SV chúng ta không hề ngán trước những câu hỏi khó, chưa ai đề cập.