Tháng trước, sinh viên của đại học New York Dejian Zeng đem đến thông tin về bên trong một nhà máy sản xuất iPhone. Thế giới bên trong những bức tường này không khác mấy so với những gì có thể tưởng tượng, là những ngày dài, công việc mệt mỏi và các công nhân sống trong khu ký túc chật chội.
Nhưng có một thứ đáng chú ý nhất là đội an ninh của Pegatron, đối tác lắp ráp sản phẩm của Apple, giúp bảo vệ bí mật cho sản phẩm. Việc sản xuất bắt đầu nhiều tháng trước khi sản phẩm ra mắt và luôn là trò chơi cân não giữa Apple và những người chuyên cung cấp thông tin rò rỉ.
Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, anh Zeng mô tả rằng những biện pháp an ninh nhà sản xuất áp dụng bên trong các phân xưởng thay đổi tùy thuộc vào thiết bị đang sản xuất.
"Chúng tôi có một phòng thay đồ. Tại đó các công nhân thay quần áo, để điện thoại, chìa khóa và tất cả vật dụng kim loại. Chúng tôi phải quẹt thẻ và có hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Sau khi bạn bước vào, bạn phải xếp hàng đợi để đi qua một máy quét kim loại. Thế nhưng, đó là trong lúc tôi đang sản xuất iPhone 6S. Khi tôi sản xuất iPhone 7, họ tăng cường các biện pháp an ninh. Có tới hai máy quét kim loại trong nhà máy và họ cũng tăng độ nhạy của máy lên. Chẳng hạn như mấy cô gái hay mặc áo ngực có gọng bằng kim loại và đột nhiên, trong một ngày cụ thể, họ không thể đi qua cánh cửa an ninh và phải quay lại thay áo. Bên trong nhà máy, bất cứ thứ gì bằng kim loại đều bị cấm. Thế nên tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể đem theo một chiếc máy ảnh hay cái gì đó tương tự vào trong".
Anh Zeng cho biết, thậm chí những người quản lý, được phép mang điện thoại vào nhà máy, cũng phải chứng minh với đội bảo vệ rằng họ không cố gắng cuỗm một chiếc điện thoại nào ra.
Bất chấp những nỗ lực hết sức, các linh kiện của iPhone vẫn thường xuyên bị rò rỉ. Vụ rò rỉ sản phẩm của Apple nổi tiếng nhất xảy ra trước khi iPhone 4 ra mắt, khi một kỹ sư Apple vô tình bỏ quên nguyên mẫu sản phẩm tại một quán bar, sau đó nguyên mẫu được tìm thấy và bán lại cho trang Gizmodo.
Theo ICTNews