Chúng ta bước ra khám phá thế giới và trở về với một con người mới, rộng mở hơn, điềm tĩnh hơn và bao dung hơn. Mỗi người xa lạ chúng ta gặp đều có thể trở thành người thầy, dạy chúng ta những bài học thú vị về cuộc sống.
Bạn có dám mơ ước không?
Tôi tình cờ gặp Anna và Willem khi đang dạo chơi ở Jonker Walk (thành phố Melaka, Malaysia). Ai hờ hững vô tâm sẽ chẳng để ý đến gian hàng nhỏ bé của họ, nằm lọt thỏm giữa vô số những gian hàng khác trên con phố này. Nhưng nếu dừng chân đứng lại, bạn sẽ được nghe kể về hành trình đi xuyên châu Á trong vòng một năm của họ. Ngắm nhìn đồi chè xanh mướt lướt qua khung cửa sổ trên chuyến tàu hỏa từ Kandy đến Ella (Sri Lanka), sống cùng người bản địa ở bang Chin và Kachin (Myanmar), lái xe máy băng qua những thảo nguyên bát ngát và cả những hoang mạc tít tắp ở Mông Cổ... là những trải nghiệm tuyệt vời mà Anna đã kể cho tôi. Hành trình của họ còn là nhiều đêm tá túc ở góc nhà của người mới quen, những lần đi nhờ xe hay làm đủ mọi công việc để có thể tiếp tục chuyến đi. Giờ đây họ dừng chân ở Melaka, bán các món đồ tự làm để kiếm tiền quay trở lại Iran, đất nước mà họ đặc biệt yêu mến.
Tôi mua một tấm bưu thiếp, chúc họ sớm thực hiện được ước mơ và hẹn hai người nếu có dịp hãy ghé thăm Việt Nam. Là dân đi bụi, tôi cũng chẳng giàu có hơn họ là bao nhưng tôi thấy vui vì số tiền ít ỏi của mình phần nào giúp họ tiếp tục hành trình. Hơn nữa, tôi đi không chỉ để đi mà còn để nhìn ngắm thế giới lớn rộng này nơi mỗi con người trong đó là một mảnh ghép, một câu chuyện, một sắc màu khác nhau.
Như cái cách mà Willem đã truyền cảm hứng cho tôi và biết bao người khác: "Ước mơ của bạn không nhất thiết phải là du lịch. Đó có thể là bất cứ thứ gì: mở trang trại trồng hồ trăn, kinh doanh nhà trọ, ngắm nhìn cánh đồng hoa hướng dương, đưa bà của bạn tới bãi biển, xây ngôi nhà của riêng bạn, trở thành nhạc sĩ, chuyển đến sống ở một thành phố khác, học nhảy salsa... Bất cứ thứ gì!".
Đừng để cuộc sống của bạn bị dẫn dắt bởi nỗi sợ hãi và sự hoài nghi của người khác. Đừng để bản thân phải hối tiếc: "Ước gì mình đã làm điều đó khi còn trẻ". Vậy bạn có dám mơ ước không?
Lòng tốt không xa xỉ
"Người Myanmar rất tốt bụng", những anh chị đã từng du lịch đến đất nước này đều có nhận xét như vậy. Tôi vẫn còn hoài nghi về điều đó cho đến khi chính chúng tôi, những vị khách phương xa, nhận được tấm chân tình hồn hậu của người dân nơi đây.
Người bán hàng trung thực trả lại số tiền mà chúng tôi đưa thừa, dù tôi biết số tiền ấy có thể bằng thu nhập cả một ngày bán hàng của anh.
Một bác xe ôm tốt bụng tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến trang trại Red Mountain (Núi Đỏ) rồi dường như không yên tâm, bác đã đưa chúng tôi đến tận nơi, sau đó mới quay trở về.
Và tôi sẽ còn nhớ mãi bữa cơm ở tu viện Shwe Nan Daw Kuang, bữa cơm giàu lòng mến khách ân cần của người dân bản xứ. Lúc chúng tôi chuẩn bị rời khỏi tu viện thì có một người đàn ông Miến tiến lại gần. Bằng cử chỉ (do không biết tiếng Anh), anh mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Mặt trời lúc này cũng đã cao quá đỉnh đầu nên chúng tôi vui vẻ nhận lời. Bữa trưa khá đạm bạc, chỉ có ít thịt kho, khoai tây và cơm trắng, nhưng là bữa ăn đáng nhớ nhất của chúng tôi trên đất Miến. Người đàn ông tất bật sửa soạn mâm cơm, luôn tay tiếp thêm cơm, thêm thức ăn cho chúng tôi. Sư thầy trụ trì cũng ngồi cạnh với ánh mắt trìu mến, quan sát xem chúng tôi ăn có ngon miệng hay không. Mọi người xung quanh bày cho chúng tôi cách ngồi sao cho thoải mái với chiếc longyi thậm thượt. Tuy không nói cùng một ngôn ngữ nhưng sự ấm áp từ trái tim đã đưa tất cả chúng tôi lại gần nhau.
Anh bạn đi cùng nói: "Người Myanmar nghèo nhưng hạnh phúc". Tôi giật mình, ừ nhỉ. Trước đây tôi vẫn luôn tự nhủ rằng mình có cơm để ăn, có áo để mặc, có một công việc để làm, thỉnh thoảng mua vài món đồ mình thích, như vậy đã gọi là hạnh phúc. Có nghĩa là hạnh phúc được định nghĩa bằng những giá trị vật chất. Nhưng những người dân Myanmar lam lũ đã dạy tôi rằng hạnh phúc hoàn toàn độc lập với sự giàu có hay nghèo khó. Chẳng cần phải giàu có, bạn mới có thể trao đi nụ cười, sự thấu hiểu và lòng bao dung. Chẳng cần phải giàu có, bạn mới có thể giúp đỡ những người lỡ độ dọc đường. Chẳng cần phải giàu có, bạn mới có thể mở lòng mình với thế giới và những người xa lạ.
Sông Hằng chỉ dành cho người Ấn
Tôi trân người đứng nhìn ngọn lửa rừng rực cháy bên bờ sông. Trong đó là những gì còn lại của một cuộc nhân sinh. Xung quanh rì rầm tiếng kinh kệ của gia quyến và các thầy tu cùng lách cách tiếng máy ảnh của đám đông du khách hiếu kỳ.
Cảnh tượng này diễn ra hàng ngày ở Varanasi (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ). Các tín đồ Hindu giáo hành hương đến thánh địa bên bờ sông Hằng để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời họ: cái chết. Họ tin rằng được hóa thân trong ngọn lửa và trở về với dòng sông Mẹ sẽ giúp gột rửa mọi tội lỗi, giải phóng linh hồn khỏi thể xác và đưa chúng tới cõi niết bàn.
Hàng trăm năm qua, ngọn lửa ở các đài thiêu chưa bao giờ nguội lạnh. Ước tính mỗi ngày có hai trăm đến ba trăm cái xác được thiêu và rải tro xuống dòng sông thiêng. Những gia đình nghèo không thể trang trải cho nghi thức hỏa táng đành quấn sơ sài xác chết và cứ thế đem thả trôi dòng. Ngoài ra, trẻ em, bậc thánh nhân, phụ nữ mang thai và người bị rắn hổ mang cắn cũng không được hỏa thiêu mà chỉ cột đá vào xác rồi nhấn chìm xuống sông.
Mặc dù ô nhiễm ở mức đáng báo động, sông Hằng vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính của Varanasi. Ngay bên cạnh Manikarnika Ghat, đài thiêu xác lớn nhất Varanasi, là một nhà máy lọc nước dùng cho cả thành phố và đông đảo người dân giặt giũ, tắm rửa hay trầm mình rửa tội. Trong mắt họ, hiện thân của nữ thần Ganga có khả năng tự thanh tẩy, dòng nước thiêng mãi mãi trong lành và thuần khiết.
Hẳn ai đó sẽ lắc đầu: "Thời đại nào mà còn như vậy?". Nhưng khi đứng trước sông Hằng, tận mắt chứng kiến tục hỏa táng và thủy táng, mọi suy nghĩ đều có thể thay đổi. Đằng sau những hành động được coi là "thiếu văn minh" ấy là một hành trình tâm linh thiêng liêng của người Ấn. Đối với họ, một cuộc sống tinh thần với những đức tin mạnh mẽ đôi khi quan trọng hơn hết thảy.
Thành phố Varanasi không còn xa lạ với khách du lịch và không khó để đến bên bờ sông Hằng. Nhưng chạm tới những giá trị tinh thần của dòng sông này, không phải ai cũng làm được. Có lẽ vì vậy mà sông Hằng được sinh ra là để dành cho người Ấn, những người mộ đạo và có đức tin vào nó, chứ không dành cho kẻ ngoại đạo.
Tác giả Minh Phạm, tên thật là Phạm Công Minh, sinh năm 1989, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh từng đặt chân tới nhiều quốc gia và có nhiều bài viết chia sẻ trải nghiệm du lịch của mình sau mỗi chuyến đi. |
Bài và ảnh: Minh Phạm