Nếu có ngỡ ngàng đó chỉ là những vị khách qua đường, còn người dân trên con phố nhỏ thuộc thành phố Nam Định ấy thấy đó là chuyện "thường ngày ở huyện".
12h, cô Mận về đến nhà, chiếc xe đạp với chồng giấy vệ sinh, giấy ăn cao ngất ngưởng ở gác ba ga, hai ghi đông xe cũng đầy những túi. Nhưng không thấy ông chồng ra đỡ và dắt xe, cô cảm thấy khó chịu.
Cái khoảng hiên trước mặt, nơi ông chồng sử dụng để vá xe thì nào đục, nào kéo, búa và các mảnh xăm lốp hỏng lăn lộn bừa bãi. Vào đến trong nhà, mùi cá kho khét lẹt bốc lên. Buổi trưa đầu hè nóng nực khiến cô càng điên tiết.
Anh Tư, chồng Mận nhỏ bé, gầy guộc từ quán nước bên đường vội vã chạy về. Tại hôm nay khách vá xe đông nên anh không tập trung được vào nồi cá và cũng chưa kịp thu dọn. Định sang làm cốc trà đá cho đỡ mệt rồi về thì cô vợ lại về sớm hơn mọi ngày.
Nhìn thấy mặt chồng, cô hét lên: “Lại rượu, mải rượu nên để nhà cửa như thế này à? Có ăn với nấu cơm mà cũng không nên hồn”. Nói đoạn, Mận với xoong cá gần đó quẳng đi cho bõ tức.
Anh Tư cố gắng giữ tay vợ, nhưng ông nhỏ bé và yếu sức nên thiên hạ lại có dịp chứng kiến màn hạ cánh không an toàn của nồi cá kho. Và nếu ai đó nhìn từ phía cửa số, sẽ thấy ông chồng ngã lăn quay dưới đất và được hưởng thêm cú đá của vợ vào mông vì đã ngã không đúng vị trí làm cản đường đi của cô.
Ai đó có thắc mắc sẽ được người dân trên phố giải thích vanh vách: “Úi giời, ông chồng bé nhỏ, yếu sức hơn thì việc bị bã xã dắt mũi là chuyện dễ hiểu”. Ai đó lại nói với giọng thương cảm: “Chẳng biết việc không có con là do ai, nhưng cô vợ cứ đổ lỗi tại chồng nên càng ghét”.
Ngày trước, anh chồng có nghề buôn bán xe đạp nên cũng kiếm được, nhưng giờ mọi khoản anh kiếm chỉ trông vào mấy miếng vá xe, khoản này nhiều khi chẳng đủ để ông uống rượu và chi tiêu những khoản lặt vặt. Đấy là lý do, chị vợ càng lúc càng lấn lướt. Thỉnh thoảng cũng nghe tiếng anh Tư nói lại vợ, nhưng sau đó tiếng chị vợ to hơn át mất và sự giằng co lại diễn ra và phần thua luôn là anh.
45 tuổi, cái tuổi ít người được lên ông, huống hồ vợ chồng anh Tư lại không con cái. Nhưng trông anh Tư già quá, nỗi buồn không có con cái, buồn về cách ứng xử vủa vợ trĩu nặng theo những nếp nhăn. Có lẽ vì thế nên mấy năm gần đây anh tìm đến rượu. Nhiều người cùng giới lúc đùa vui thường bảo ông sợ vợ. Nhưng, ai hiểu được những suy nghĩ trong ông.
Không bị vợ đánh đập hay khinh rẻ nhưng anh Lâm lại có hoàn cảnh bi đát không kém. Tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân, vào Bình Dương làm việc được 5 năm anh đã mua được nhà ở trung tâm thành phố. Trong "kế hoạch 5 năm lần thứ hai", anh cưới được cô vợ người gốc Tân Bình mới 22 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp vừa tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Rồi hai đứa con một trai một gái thông minh lanh lợi cũng ra đời. Giờ đây, khi thiên hạ phát sốt vì chứng khoán, anh Lâm cũng nổi tiếng là một tay buôn bán chứng khoán dày dạn kinh nghiệm. Nhờ vậy mà ở cái tuổi ngoại tứ tuần, anh được đánh giá là một người đàn ông thành đạt. Tuy nhiên, đi cùng với cái danh đó, anh cũng được những người bạn bè, hàng xóm gán cho cái mác sợ vợ.
Chị Thanh vợ anh làm ở một doanh nghiệp tư nhân, nhưng vì có chút vốn ngoại ngữ nên chị nhận dạy thêm vào buổi chiều tối ở các trung tâm. Không thiếu tiền, nhưng chị cứ thích làm thêm. Tệ là anh đề xuất việc thuê người giúp việc chị lại không đồng ý một mực giao hết cho anh. Chị đi dạy thì không sao, nhưng hôm nào ở nhà thì chị vẫn ngồi chơi để anh cặm cụi cơm nước.
Việc đỡ đần cho vợ con lâu rồi anh thành quen. Nhưng điều khiến anh cảm thấy suy nghĩ và đau khổ là việc chị ngoại tình. Lần thứ nhất cách đây 7 năm, chị có quan hệ với một đồng nghiệp trong vòng 1 năm. Anh không biết cho đến khi vợ của người đàn ông kia gọi điện cho anh cảnh báo về việc vợ anh đang phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Anh mới tỉnh ngộ. Không có nhiều người biết nên anh không phải chịu áp lực của dư luận và gia đình, đó là lý do anh tha thứ khi chị khóc lóc cầu xin anh.
Yên ổn được gần 2 năm, anh lại thấy chị đi về thất thường. Hôm chị lấy lý do đi ăn cùng bạn bè, hôm nói học sinh tổ chức chiêu đãi cô giáo…Nhưng lặp lại quá nhiều khiến cho anh phải xem xét. Chị không đi cùng một nhóm học sinh, mà người chị đi cùng là một học sinh chạc tuổi anh. Anh ta đúng là học sinh của chị, vì lớp học chị dạy trong thời gian đó là lớp cho cán bộ công chức. Nhưng mối quan hệ của họ không hề bình thường. Chuyện của họ chính em gái anh cũng biết và cũng đã cảnh báo cho anh. Nhưng tận đến khi chứng kiến việc họ cùng nhau vào nhà nghỉ anh mới tin đó là sự thật. Bởi đơn giản, anh nghĩ vợ anh không dám lặp lại lần nữa. Dẫu anh đã khéo léo chặn ngay trước khi họ bước vào phòng nghỉ để không phải chứng kiến cảnh đau lòng, nhưng chuyện đó cũng vỡ lở ra ngoài.
Tất cả gia đình muốn anh bỏ, bạn bè anh càng muốn anh bỏ vợ. Chỉ có anh đau khổ, nhưng lại không biết nên phải làm thế nào. Anh thương con, không muốn chúng phải chịu cảnh bố mẹ ly dị. Ngoài lý do đó, có một lý do chính anh không thể lý giải được là không hiểu tại sao biết chị như vậy nhưng quyết định ly dị thật khó khăn với anh. Anh có một lỗi đó là yêu chị nhiều quá! Bởi thế anh đã bỏ ngoài tai dư luận để tha thứ cho chị lần thứ hai. Chính điều này khiến cho mọi người không chỉ gán cho anh cái biệt danh sợ vợ mà kẻ bạo mồm hơn còn bảo anh hèn.
Tha thứ cho vợ, nhưng hình như chính điều này lại khiến chị mỗi ngày một lấn lướt anh nhiều hơn. Chị chăm mua quần áo và chú ý làm đẹp cho mình nhiều hơn, ít quan tâm đến gia đình và con cái. Dường như chị bất cần, chị không cần quan hệ với bạn bè của anh. Chị ít cùng anh sang thăm ông bà nội, bởi họ là người muốn anh ly dị nhiều nhất. Chị hay tìm chuyện sinh sự với anh. Trong những lời ấy, anh hiểu xuất phát từ việc chị coi thường anh.
Trao đổi về 2 trường hợp trên, chị Nguyễn Hà Thu, chuyên gia tư vấn thuộc đường dây nóng 1900 58 58 86 cho rằng: Nghe về chuyện của ông Tư và anh Lâm hẳn không có nhiều người tin là sự thật. Họ cho rằng cuộc sống của một người đàn ông như vậy là chịu đựng và không thể chấp nhận được và chuyện gán mác cho những người đàn ông trong hoàn cảnh như vậy là sợ vợ hay hèn kém là điều thường thấy. Nhưng sự đánh giá của dư luận thông thường dựa trên hiện tượng. Để dẫn tới tình trạng như hiện tại của họ không thể nói rằng không có lỗi của người đàn ông.
Lỗi của họ là sống quá tình cảm, quá yêu thương vợ con, đôi khi là quá nuông chiều. Đây là lý do khiến cho người phụ nữ của họ có thể lấn tới. Điều này cũng giải thích tại sao vợ anh Lâm luôn lấn lướt chồng và sau hai lần ngoại tình cũng không ai dám chắc là cô ấy không ngoại tình nữa. Có thể có điều này là bởi anh Lâm tha thứ cho vợ nhưng anh không phân tích rõ cho cô ấy cái được và cái mất nếu cô ấy tái phạm. Và một điều quan trọng là chính anh có đủ kiên quyết để thực hiện những điều họ đã trao đổi hay không?.
Còn anh Tư, có thể khi sống cùng cô Mận, anh nhường nhịn vợ nhiều vì một điều thật đơn giản: anh hiểu cô hơn ai hết. Anh hiểu những thiệt thòi của cô khi sống cùng mình và cặm cụi làm việc, cố gắng chăm sóc và nhường nhịn để bù đắp cho thiệt thòi của vợ là không được làm mẹ.
Khi hiểu được những nguyên nhân sâu xa đằng sau những hiện tượng chúng ta mới đánh giá đúng được vấn đề đồng thời hiểu được một chân lý là mức độ chấp nhận của mỗi người đối với các tình huống trong cuộc sống là khác nhau. Và họ có lý do để chấp nhận tình huống và hoàn cảnh mà mình đang trải nghiệm. Tuy nhiên, chấp nhận là một giải pháp tốt, song cải thiện tình huống mình trải nghiệm còn tốt hơn nữa. Đó là điều mà những người đàn ông trong hoàn cảnh của anh Tư và anh Lâm cần chú ý.
Ngọc Minh