![]() |
Trọng tài Trần Khánh Hưng (phải) đang gây tranh cãi với quả phạt đền tại Long An. |
Hầu hết ở những tình huống gây tranh cãi trong một trận đấu ở VN, mỗi người đều nói một phách khác nhau. Khi chỉ nhìn tình huống ở một góc hẹp nên chẳng tin được ai đúng ai sai.
Kiểm tra băng ghi hình thì cũng chẳng khá hơn, vì mỗi một sân bóng ở VN chỉ có khả năng đặt năm máy quay (bóng đá quốc tế mỗi trận đấu có đến 24 máy quay) nên không thể "giải phẫu" chính xác tình huống tranh cãi. Như trong trận GĐTLA - SĐ Nam Định, xem trên sân ai cũng bảo trọng tài tưởng tượng ra quả phạt đền. Nhưng, xem băng ghi hình đặt ở góc khác mới thấy quả phạt đền đúng.
Cái đáng ngại nhất ở trọng tài là những cái sai thuộc về phạm trù đạo đức. Nhưng ai biết được chuyện này? Chẳng ai cả ngoài chính bản thân trọng tài.
Một cựu tuyển thủ đội đã từng tâm sự với Tuổi Trẻ: "Tôi mà giải nghệ thế nào cũng phải "xơi" vài chú trọng tài. Ác lắm anh ơi, cả đội vắt kiệt sức để đá nhưng kết quả cuối cùng thuộc về một ông áo đen bởi họ có đủ cách để ép mình".
Tại sao vấn đề trọng tài ở VN là một mớ bòng bong khó giải quyết đến nơi đến chốn? Câu trả lời: do liên đoàn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lực lượng này. Vì thế mới có chuyện một vị phó chủ tịch thường trực VFF triệu tập một người quen làm chủ quán karaoke chẳng biết gì bóng đá đi học lớp trọng tài quốc gia.
Bên cạnh đó, bất hợp lý là trọng tài làm việc, hưởng lương theo kiểu nghiệp dư trong nền bóng đá chuyên nghiệp. Tất cả trọng tài VN hiện nay đều là giáo viên thể dục ở các trường, là cán bộ thể thao các sở, quận huyện. Do họ đi suốt nên lương của nghề chính chỉ còn đúng là lương với vài ba trăm ngàn đồng/tháng.
Thu nhập chính của họ là tiền bồi dưỡng từ việc điều hành các trận đấu, mà mỗi tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng đối với trọng tài đẳng cấp quốc gia. Ông Dương Nghiệp Khôi, trưởng ban tổ chức V-League và giải hạng nhất, thừa nhận: "Đây là một bất hợp lý mà chúng tôi quyết phải thay đổi trong thời gian tới".