Phim cung đấu Như Ý truyện ngày càng chiếm được cảm tình của khán giả Trung Quốc, nhờ nội dung hấp dẫn và diễn xuất cuốn hút của dàn diễn viên, đặc biệt là hoa đán Châu Tấn trong vai Nhàn phi Như Ý. Bên cạnh đó, bối cảnh, phục trang, trang sức, đạo cụ được chăm chút kỹ lưỡng cũng là những yếu tố làm nên sức hút của phim.
Phim có nhiều đại cảnh được dàn dựng công phu, gìn giữ văn hóa truyền thống và làm nổi bật không gian kỳ vĩ, quyền lực nhưng lạnh lẽo của Tử Cấm Thành, chẳng hạn như khung cảnh tang lễ của vua Ung Chính, lễ đăng cơ của vua Càn Long... Trang QQ cho hay, mọi đạo cụ trong phim, nhỏ nhất là đồ bảo vệ móng tay của phi tần, lớn hơn có ngai vàng của nhà vua đều được chuẩn bị tỉ mỉ. Trong đó, đắt đỏ nhất là du thuyền của nhà vua, trị giá 2, 4 triệu NDT (hơn 8 tỷ đồng).

Du thuyền của vua Càn Long trong phim Như Ý truyện. Ảnh: QQ
Cảnh quay Càn Long dùng thuyền đưa dàn phi tần ngao du sơn thủy chỉ chiếm thời lượng ngắn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng thuyền gỗ có sẵn, đoàn làm phim chi số tiền lớn thuê thợ đóng riêng một chiếc thuyền mang phong cách sang trọng và quý tộc. Thuyền dài 20m, rộng 5, 3m, khoang thuyền được chia làm nhiều khu vực. Vì thuyền rất nặng, tổ thiết kế phải sử dụng cần cẩu để vận chuyển thuyền xuống sông.
Trước khi trở thành hiện tượng của truyền hình Trung Quốc, Như Ý truyện từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt bị chê dữ dội vì trang phục kém thẩm mỹ và sự già nua của Châu Tấn ở đầu phim.

Tạo hình của Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa bị chê trong hai tập đầu phim Như Ý truyện. Ảnh: QQ
Đạo diễn Uông Tuấn chia sẻ với QQ, vì băn khoăn rất lâu về mở đầu, anh quyết định quay gần xong phim mới thực hiện các cảnh quay của tập 1 và 2. Thời điểm đó, toàn bộ êkíp đều đã quá mệt mỏi với 120 tập phim, khó tránh ngoại hình của diễn viên bị ảnh hưởng, còn bản thân Uông Tuấn thì không kiểm soát tốt tổng thể hình ảnh của phim. Vì chính sách thắt chặt số tập phim cổ trang của Cục Điện ảnh - Phát thanh Trung Quốc, Như Ý truyện sau này giảm xuống còn 87 tập.
Phong Kiều