Ánh nắng chói chang phả vào bức tường bê tông của phòng khám Akanksha như muốn thiêu đốt những con người sau bức tường ấy. Phía ngoài cánh cổng, một chú bò lạc và cả một gia đình người ăn xin đang trực chờ một điều gì đó. Bên trong, hành lang của khu chờ sinh chật như nêm những sản phụ mặc sari rực rỡ đang quằn quại "múa cột" chờ lâm bồn. Bóng dáng các y tá mặc áo trắng lẫn trong đám đông gọi tên theo hồ sơ sản phụ. Không khí đặc quánh mùi mồ hôi và nóng bức. Trên các bức tường treo nhiều ảnh trẻ con và những mẩu giấy cắt từ các bài báo viết về Akanksha.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Akanksha được biết đến là địa chỉ hàng đầu của ngành công nghiệp đang bùng nổ ở Ấn Độ, cái gọi là du lịch sinh sản. Các vị khách nước ngoài tới đây với danh nghĩa đi du lịch nhưng thực chất là tìm một giải pháp cho tình trạng vô sinh. Phòng khám này ngày càng được biết tới vì chuyên tuyển phụ nữ địa phương để mang bầu cho khách ngoại. Ở Ấn Độ, giá mỗi lần thuê mang bầu như vậy vào khoảng 12.000 USD bao gồm toàn bộ chi phí thuốc thang cũng như các chi phí khác, còn ở Mỹ, giá lên tới 70.000 USD.
Câu chuyện về việc làm thế nào để thành phố với 150.000 dân thuộc bang Gujarat trở nên nổi tiếng quả là dài nhưng tóm lại ngắn gọn là bắt đầu từ cái tên của bác sĩ Nayna Patel, 47 tuổi, giám đốc phòng khám Akanksha. Người phụ nữ này có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc buông xuống và nụ cười trắng tinh. Tám năm về trước, bà Patel tới Anand để tìm một phụ nữ địa phương và nhờ người mang bầu hộ con gái đang sống ở Anh. Vụ nhờ vả thành công giúp bà có hai đứa cháu ngoại song sinh. Sự kiện này sau đó cũng trở thành tâm điểm của thế giới tại thời điểm bấy giờ và rất nhiều người sau đó đã tới nhờ bác sĩ Patel để có một đứa con. Hiện, bà có tới 45 phụ nữ sẵn sàng nhận hợp đồng cho thuê dạ con và mang thai hộ. Mỗi "thương vụ" thành công, khách hàng sẽ phải trả số tiền từ 5.000 USD đến 7.000 USD. Khoản tiền ấy tương đương với mức thu nhập 10 năm của một nông dân bình thường ở Ấn Độ. Suốt ba năm qua, đã có hơn 50 đứa trẻ chào đời tại phòng khám của bà Patel. Một nửa trong số đó là con của các cặp vợ chồng phương Tây, số còn lại là máu mủ của người gốc Ấn Độ nhưng sống ở nước ngoài.
Jessica Ordenes, bà chủ một cơ sở dạy yoga ở bang New Jersey, Mỹ, tìm đến Akanksha với mong ước sẽ có một mụn con. Ngồi trong phòng làm việc của bác sĩ ở phòng khám Akanksha, Ordenes vừa nhấm nháp nước dừa vừa đợi được tiêm hormone. Người phụ nữ trẻ trung có mái tóc màu đen buộc cao gọn gàng giải thích cho lý do cô tới Anand. Bước vào tuổi 40, độ tuổi không còn dễ dàng mang thai được nữa, Ordenes bắt đầu lo lắng chuyện con cái. Sau nhiều năm gõ cửa nhiều nơi và chữa trị tốn kém ở Mỹ, vợ chồng Ordenes vẫn không thể có con. "Tôi sắp hết trứng, sắp hết niềm hy vọng và cả sự kiên nhẫn khi phải điều trị liên miên mà không có kết quả. Tôi đọc được thông tin về phòng khám Akanksha trên mạng và cảm thấy rằng Ấn Độ là cơ hội cuối cùng của tôi", cô chia sẻ.
Ordenes tới Anand cách đây vài ngày, thuê phòng khách sạn và tới phòng khám. Tại đây cô bắt đầu "công cuộc" tiêm hormone để kích thích buồng trứng. Sau một vài thủ thuật, phôi thai của cô sẽ được cấy vào tử cung của Najima Vohra, một bà mẹ 30 tuổi đã qua hai lần sinh nở. Thực tế, cô biết rất ít về người sẽ giúp mình mang bầu bởi Ordenes mới chỉ gặp Vohra duy nhất một lần trong cuộc chuyện trò ngắn ngủi lúc Patel vừa đặt chân tới Ấn Độ.
Ordenes đã có một đứa con gái, hiện đã 20 tuổi, với người chồng đầu. Sau lần mổ đẻ bị nhiễm trùng, dạ con của cô buộc phải bị cắt đi. Chia tay chồng, Ordenes gặp David, giám đốc một hãng dược, người mà cô xem là tình yêu của đời mình. Do vậy, việc không thể có con với David là điều khiến cô dằn vặt và đau khổ nhất. Sinh ra trong một đại gia đình nên lúc nào Ordenes cũng mong ước sẽ có nhiều con. Ordenes hy vọng sẽ có ít nhất một đứa con với người chồng hiện tại để mối quan hệ của họ trở nên khăng khít hơn. "Nhiều năm qua đi và giờ thì bạn thấy đấy tôi đang ở Ấn Độ", Ordenes vừa nói vừa kiểm tra những giọt máu vương trên cánh tay mình sau khi bác sĩ rút kim tiêm ra.
Mới 9h sáng nhưng nhiệt độ nóng tới mức làm cho mọi thứ muốn nổ tung. Najima Vohra đến sớm một tiếng để gặp Ordenes và trao đổi thêm về bản hợp đồng trước khi bắt đầu "nhập cuộc". Muốn giữ bí mật việc mình mang thai thuê, Vohra tỏ ra không thoái mái lắm khi bị nhiều người để ý. Người đàn bà có dáng người mảnh dẻ, mái tóc dài của chị ta được buộc lại sau gáy bằng sợi dây chun. Qua người phiên dịch, Vohra bắt đầu câu chuyện một cách hào hứng: "Tôi rất hồi hộp để tới đây ngày hôm nay. Thực tình, tôi đã rất vui mừng khi bác sĩ Patel chọn tôi là người mang thai hộ. Tin vui này khiến tôi không ngủ được".
Vohra cho biết chị không hề cảm thấy xấu hổ khi cho thuê tử cung nhưng người làng chị vẫn còn cổ hủ và không hiểu biết nên chị muốn giấu kín chuyện. "Họ cho rằng việc ấy thật kinh tởm, bẩn thỉu và là một hành động phi đạo đức", Vohra thì thầm, "Họ sẽ xa lánh gia đình tôi nếu biết chuyện".
Vohra đến từ một ngôi làng cách thành phố Anand khoảng 20 dặm. Mới đây chị đã cùng chồng và các con chuyển tới thị trấn khác sống để che giấu hợp đồng chị nhận. "Chúng tôi nói với hàng xóm rằng đến đó để làm việc", Vohra cho biết. Không việc làm, Vohra phụ chồng nhặt sắt vụn và công việc ấy mang lại cho họ khoản thu nhập ít ỏi, chỉ khoảng từ 1 USD đến hơn 1,4 USD một ngày. Nếu mang thai giúp khách thành công, khoản tiền 5.500 USD sẽ thuộc về vợ chồng chị.
Khi chưa lấy chồng, Vohra chỉ quần quật làm lụng trên các cánh đồng lúa mỳ mà chẳng được tới trường. 16 tuổi, cô lấy chồng và chuyển tới sống trong một ngôi nhà tranh vách đất. Cô dự định sẽ chia khoản tiền nhận được thành ba khoản, một dùng để mua một ngôi nhà bằng gạch, phần khác để đầu tư vào công việc kinh doanh phế liệu của chồng và phần còn lại dành cho các con ăn học. "Con gái tôi muốn trở thành giáo viên và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giúp nó có cơ hội", Vohra thổ lộ trên Marieclaire, "Tôi rất khỏe mạnh và từng sinh nở hai lần. Đứa trẻ tôi mang trong bụng sẽ không có màu da giống tôi và trông nó sẽ giống Jessica".
Vohra ngồi yên lặng khi bị kiểm tra kỹ lưỡng từng móng tay. Đúng 10h, Ordenes lái chiếc xe đi thuê tới phòng khám. Cô mang theo cả một phiên dịch là sinh viên. Ordenes chạy tới ôm chầm "người đóng thế" khi cả hai nhìn thấy nhau và câu chuyện về những đứa con giúp hai phụ nữ này thêm gần gũi. "Cô là thiên thần của tôi", Ordenes nhắc đi nhắc lại câu ấy rồi lấy máy ảnh chụp hình Vohra để gửi về cho chồng. Những trường hợp thành công của các cặp vợ chồng tới đây "nhờ vả" khiến Ordenes càng thêm tin tưởng và hy vọng.
Trở lại với người đứng đầu Akanksha, bác sĩ Patel. Căn phòng làm việc của bà Patel trở nên chật chội bởi dàn máy tính, dàn loa và cả một chiếc bàn lớn chất đầy giấy tờ. Y tá, bệnh nhân, thậm chí bất cứ ai cũng có thể bước vào đây mà không cần gõ cửa trước. Bà bác sĩ tâm sự, công việc môi giới cho thuê tử cung đang phát triển thuận lợi. Hiện đã có khoảng 150 cặp vợ chồng người nước ngoài nằm trong danh sách chờ đợi và hàng tuần, có tới ba phụ nữ đăng ký mang thai hộ.
"Tôi chỉ nhận những khách hàng có vấn đề về sinh nở. Mội vài người nhờ tôi tìm người mang thai giúp vì không muốn bỏ việc trong thời gian bầu bí. Những trường hợp đó, tôi không đồng ý", giám đốc phòng khám Akanksha khẳng định. Tuy nhiên, bà Patel cũng thừa nhận có nhiều nguy khiểm nếu việc kinh doanh tử cung tiếp tục phát triển ở Ấn Độ. "Quy định cần được thắt chặt để đảm bảo các phụ nữ không bị khai thác", bà cho biết thêm.
Bình Minh