Ngày trước, ở Hàn Quốc, ngoài những người phải rời quê hương ở các tỉnh lẻ để đến các khu đô thị học tập hoặc làm việc, nhiều người trẻ từng chọn sống với bố mẹ cho đến khi kết hôn. Họ thuộc nhóm "bộ tộc kangaroo". Đây là cụm từ nói về một con kangaroo mãi mới chịu rời túi mẹ, được sử dụng rộng rãi để mô tả những người đàn ông và phụ nữ chưa kết hôn chọn sống phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ mình cho đến cuối độ tuổi 30. Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên chọn sống tách biệt khỏi cha mẹ trước khi kết hôn, bao gồm cả những người có cha mẹ ở gần.
Park Yu-hui, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, sống một mình tại quận Jongno, trung tâm Seoul đã rời nhà cha mẹ ở Incheon, thành phố cảng phía tây Seoul để chuyển đến một căn hộ studio 17 m2 vào tháng 7/2021 ngay sau khi cô tìm được việc làm. Cô đưa ra lý do chuyển nhà là để tiết kiệm thời gian đi làm hàng ngày, vì nơi làm việc nằm ở quận Seongdong của Seoul, nhưng đó không phải là lý do duy nhất.
"Bây giờ tôi đã có một công việc toàn thời gian với thu nhập ổn định. Tôi muốn có một cuộc sống tự lập mà không nhận bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ bố mẹ. Tôi cũng muốn dành thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc để tận hưởng sự yên bình trong không gian riêng của mình", Park nói với The Korea Times.
Để có không gian riêng này, Park phải vay ngân hàng để trả khoản đặt cọc lên tới 120 triệu won (102.000 USD). Việc vay nợ với Park không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng cô tin "nó xứng đáng".
"Ngoài có được sự tự do toàn quyền kiểm soát cuộc sống của mình, tôi cảm thấy rất thoải mái vì tôi có thể trang trí ngôi nhà theo cách tôi muốn và mời bạn bè đến bất cứ khi nào. Tôi toàn quyền sử dụng không gian cho riêng mình, sự riêng tư được đảm bảo mà không cần phải vào phòng riêng", cô nói.
Một nhân viên văn phòng họ Lee sống ở Songdo, Incheon cho biết: "Tôi đã chuyển khỏi nhà bố mẹ năm 2019 và tôi nghĩ đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất tôi đưa ra trong năm". Trước đó, cô gái 28 tuổi này sống với bố mẹ ở quận Gangseo, phía tây Seoul. Cô cho biết khoản vay 200 triệu won cho căn hộ studio cùng chi phí sinh hoạt và hóa đơn điện nước không phải là con số quá lớn mà cô phải trả so với sự tự do cô được hưởng tại nhà của mình.
"Khi tôi sống với bố mẹ, ngoài những áp lực từ công việc, tôi thường cảm thấy căng thẳng khi ở nhà và có xung đột với họ. Đôi khi tôi cảm thấy họ can thiệp quá mức vào cuộc sống cá nhân của tôi", Lee nói.
Kim So-hyun, một nhân viên văn phòng 27 tuổi ở Suwon, tỉnh Gyeonggi, đang sống với bố mẹ, hiện tìm kiếm một căn hộ để chuyển đến, dù nơi làm việc của cô chỉ cách nhà bố mẹ đẻ 20 phút. "Dù sống với bố mẹ và em gái, tôi không dành nhiều thời gian cho họ vì tôi thường xuyên đi chơi với bạn bè vào buổi tối và cuối tuần. Những thành viên gia đình tôi vốn đã có cuộc sống riêng dưới một mái nhà", cô nói.
Theo số liệu từ Bảng con số thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2020, hơn 1,26 triệu người ở độ tuổi 20 đang sống một mình, tăng 43% so với khoảng 887.000 vào năm 2015. Sự gia tăng dân số người 20 tuổi sống một mình là đáng chú ý khi xem xét tỷ lệ gia tăng của tổng thể hộ gia đình. Hiện tại, hộ độc thân ở độ tuổi 20 chiếm gần 20% tổng số hộ độc thân trên toàn quốc.
Các chuyên gia giải thích sự tăng số lượng những người ở độ tuổi 20 chọn sống một mình phản ánh nhóm đối tượng này sẵn sàng muốn nhìn nhận như một cá nhân độc lập không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong gia đình mình.
Giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan - Koo Jeong-woo nói: "Trước đây khi một người kết hôn, người ấy được xã hội chấp nhận là một thành viên độc lập. Ngày nay, khi một người có được một công việc và thu nhập ổn định, họ đã sẵn sàng để trở thành một cá nhân độc lập".
Lee Byung-hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang, cho biết: "Đối với thế hệ trẻ, chuyện tiết kiệm thời gian đi làm hàng ngày, được sử dụng thời gian rảnh rỗi cho bản thân có thể là một giá trị quan trọng hơn việc duy trì mối quan hệ thân thiết với cha mẹ và làm tròn bổn phận của thành viên trong gia đình".
Các chuyên gia bất động sản chỉ ra hiện tượng này cần được xem xét trong các chính sách về nhà ở của chính phủ, vốn đang tập trung vào các hộ gia đình truyền thống bao gồm cha mẹ và con cái chưa lập gia đình.
Seo Jin-hyung, người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản Hàn Quốc, nói với tờ The Korea: "Hiện tại, những người chưa kết hôn ở độ tuổi 20 đang ở tình thế rất khó khăn để kiếm được nhà riêng hoặc chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn ngoài các căn hộ siêu nhỏ. Bên cạnh việc có ít tài sản tích lũy, họ hầu như không được hưởng các tiện ích nhà ở do chính phủ cung cấp". Seo tin rằng giới chức Hàn nên đưa ra các kế hoạch cung ứng nhà ở dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của các hộ gia đình một người. Ông nói: "Căn hộ siêu nhỏ và căn hộ studio không nên là những lựa chọn duy nhất để người trẻ tuổi sống lâu dài".
Hằng Trần (Theo Koreatimes)