![]() |
Thịt lợn ở Hà Nội vẫn đứng giá trong khoảng 1 tháng nay. |
Hiện gà ta chưa mổ được bán với giá 37.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg, gà ta mổ rồi là 50.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với hơn 1 tuần trước. "Đang là mùa cưới hỏi, mà theo truyền thống người dân rất thích ăn gà trong các dịp như thế này vì vậy nhu cầu mua tăng cao, khiến giá loại thịt này bị đẩy lên nhiều", chị Quỳnh bán gà tại chợ Gia Lâm lý giải. Ngoài ra, nắm bắt được tâm lý thích có gà đãi khách vào dịp Tết cổ truyền nên những người buôn gà đã bắt đầu găm hàng chờ giáp Tết mới tung ra. "Do vậy, thời điểm này nguồn hàng cũng không dồi dào", chị Quỳnh nhấn mạnh.
Cùng với gà, giá ngan cũng tăng khoảng 2.500-3.000 đồng/kg lên 25.000-26.000 đồng/kg (chưa mổ) và 35.000 đồng/kg (mổ rồi). Riêng thịt lợn và các loại cá vẫn đứng giá trong khoảng hơn 1 tháng nay.
Nhóm các mặt hàng lương thực ít biến động giá hơn, song gạo lại tiếp tục tăng mạnh. Theo chị Chung, kinh doanh gạo tại chợ Hàng Bè, hơn 1 tuần qua, gạo Bắc Hương đã tăng giá chóng mặt. Trước, 1 kg gạo loại này chỉ 5.500 đồng, nay đã tăng lên tới 6.500 đồng. "Khi chúng tôi hỏi tại sao giá gạo này lại tăng như vậy thì dân buôn gạo giải thích là do gạo bị mùa. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chủ yếu là họ muốn giữ lại hàng để bán trong dịp tết", chị Chung tâm sự. Theo chị, từ giờ đến Tết nguyên đán, gạo Bắc Hương sẽ còn tiếp tục tăng giá. Ngoài gạo, giá lạc và đỗ xanh cũng đang nhích dần lên. Theo đó, 1 kg đỗ xanh, lạc hiện có giá 15.000 đồng, tăng 2.000 đồng so với 1 tháng trước.
Tại TP HCM, ban quản lý các chợ đầu mối về thực phẩm, vào thời điểm này giá thịt lợn tăng mạnh so với hơn 2 tuần trước và cao nhất kể từ trước đến nay. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình (chợ đầu mối về thực phẩm) cho biết, thịt lợn bán sỉ hiện dao động từ 24.000 đồng đến 28.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá thịt nạc 40.000- 45.000 đồng/kg, thịt đùi từ 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg, sườn non ở mức 42.000 đồng/kg, ba rọi 32.000-37.000 đồng/kg. Thịt gà ta còn đắt đỏ hơn, khoảng 45.000-57.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước.
Ban Quản lý chợ Hòa Bình, quận 5 cũng cho biết, trong tuần qua, giá thịt lợn bán tại đây cũng tăng lên khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Thịt nạc tăng 4.000 đồng, đùi tăng 4.500 đồng, ba rọi tăng 4.000 đồng.
Nguyên nhân tăng giá theo ông Trang là trong tuần qua lượng thịt lợn chuyển về chợ rất ít, giảm từ 12 tấn đến 30 tấn/ngày (so với mức nhập bình quân là 145 tấn/ngày). Một phần do ảnh hưởng của lễ Giáng Sinh, nhiều người họ muốn nghỉ ngơi nên không buôn bán trong những ngày này. Không những thế, sức mua trong dịp này lại mạnh hơn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong Tết Dương Lịch và Tết cổ truyền sắp tới. Ban quản lý chợ Hòa Bình cũng dự báo, giá thực phẩm sẽ còn tăng cao vào cuối tuần này và thời gian tiếp đó. Đối với thịt gà, theo ông Trang, sự đắt đỏ của nó là do khan hiếm trong nhiều tháng nay khi nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa thể khôi phục được đàn gà trong đợt cúm gia cầm trước.
Giá tăng nhưng không còn cách nào để lựa chọn thay thế được nguồn thực phẩm hằng ngày của gia đình, vì vậy người tiêu dùng phải cắn răng buộc bụng, giảm bớt lại chi tiêu để đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình. "Thật sự giá cả thực phẩm tăng tôi không mấy ngạc nhiên lắm. Vì từ đầu năm đến nay nó đã tăng rất nhiều lần rồi. Giờ chỉ còn cách tính toán lại chi tiêu gia đình, giảm được phần nào hay phần đó thì mới mong đủ sống với đồng lương ít ỏi của một công nhân may gia công thôi", cô Tuyết Lan, công nhân may Công ty Phương Nam, quận Thủ Đức, tâm sự.
"So với năm ngoái thì năm nay giá thực phẩm tăng mạnh hơn. Nhưng theo tôi người tiêu dùng cũng không còn bỡ ngỡ như trước do trong năm nay, thực phẩm đã tăng giá nhiều lần, họ đã chuẩn bị được tâm lý", ông Trang nhận định.