Tối 8/9, TP HCM cho phép hàng quán bán mang về nhưng sáng nay (10/9), quán bún bò cô Liên trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 15, quận 10 vẫn đóng cửa im lìm. Cô Liên cho biết hiện quán chưa thể mở lại do các mối bán nguyên liệu tại chợ Hòa Hưng còn đóng cửa. Ngoài ra, việc sợ lượng khách giảm sút, chi phí nguyên liệu cao khiến cô lo ngại việc thu không đủ chi.
Tương tự, quán nem nướng của anh Lợi trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp đóng cửa hai tháng nay. Anh cho biết vẫn đắn đo việc mở lại khi giá nguyên liệu đầu vào cao và khó kiếm đủ. Ngoài ra, do đội ngũ shipper khan hiếm, phí ship cao khiến anh lo việc nhận đơn gặp nhiều khó khăn.
"Tôi cân nhắc bởi giá nguyên liệu đang quá cao mà khó kiếm đủ. Hầu hết mối nhập đều ở thành phố Thủ Đức và họ giao tận nơi nhưng hiện nhiều mối chưa hoạt động lại. Một phần nem nướng có giá 80.000 đồng, bình thường mỗi ngày phải bán trên 250 suất mới có lãi nhưng hiện chi phí đầu vào quá cao, chỉ được giao nội quận nên lượng khách hàng sụt giảm, tình hình kinh doanh khá mờ mịt", anh Lợi chia sẻ.
Không chỉ hàng quán kinh doanh nhỏ, những chuỗi nhà hàng lớn cũng "nằm im" quan sát tình hình và chờ đợi thêm thông tin hướng dẫn của thành phố. Chị Đoàn Thị Anh Thư, CEO chuỗi nhà hàng Vua Cua, cho biết với tình hình hiện tại, chuỗi nhà hàng này vẫn dành thêm vài tuần "quan sát" trước khi quyết định mở cửa trở lại.
Theo chị Thư, mở cửa ở thời điểm hiện tại thì "chắn chắn lỗ". Chị lý giải thứ nhất việc thành phố áp dụng quy định chỉ giao nội quận khiến chuỗi nhà hàng khó khăn trong việc điều chuyển hàng hóa từ bếp trung tâm qua các chi nhánh. Thứ hai là gánh nặng chi phí sản xuất từ "3 tại chỗ" và xét nghiệm nhanh đội ngũ nhân viên. Thứ ba là thiếu hụt lao động do nhân viên về quê, kẹt trong khu phong tỏa hay đã nghỉ việc. Thứ tư là thiếu shipper giao hàng, ngay cả mảng kinh doanh thực phẩm tươi sống hiện tồn cả nghìn đơn chưa xử lý.
"Chúng tôi chưa thể đột ngột mở lại cả hệ thống trong tình hình kinh doanh biến động thế này và đang lên phương án chuẩn bị mở lại khi shipper được tự do liên quận, thành phố áp dụng quy định mới", chị Thư nói.
Tối 8/9, TP HCM cho phép hàng quán bán mang đi nhưng phải đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh phải hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ". Người lao động tham gia phải tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và xét nghiệm âm tính với nCoV, tần suất hai ngày một lần. Các cơ sở muốn mở cửa phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường cho nhân viên.
Là cơ sở kinh doanh gia đình với quy mô nhỏ, anh Minh, chủ một cửa hàng bán chè trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp cho biết không quá bận tâm về những quy định liên quan phòng dịch mà thành phố đưa ra. Tuy nhiên, cửa hàng anh vẫn chưa thể mở kinh doanh do không nhập đủ nguyên liệu.
"Bình thường bán tới gần 50 món, nay nguyên liệu không đủ, chỉ làm được vài ba món nên không thể mở lại. Nhiều khách hàng gọi điện hỏi đặt món nhưng chúng tôi chưa chắn chắn thời điểm mở cửa". Anh Minh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Giang, chủ quán trà sữa trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp đã mở cửa bán hàng hôm 9/9. Tuy nhiên, chị cho biết quán chỉ có thể bán một số món trà sữa truyền thống và bánh flan, các món khác như trà đào, trà vải, nước ép hoa quả hay món ăn vặt đều chưa trở lại thực đơn do thiếu nguyên liệu. Ngày đầu tiên mở bán lại sau hai tháng đóng cửa, chị tiết lộ số đơn đặt hàng rất ít, trong khi mỗi đơn hàng phải chờ rất lâu mới có shipper.
Theo khảo sát của Ngoisao.net, sáng 9/9, dịch vụ đặt đồ ăn trên các ứng dụng đã hoạt động lại nhưng hầu hết hàng quán online đều đóng cửa. Các cửa hàng mở bán đa phần là bán đồ tươi sống, hàng thiết yếu. Anh Hoàng, shipper tại quận Gò Vấp cho biết các đơn anh nhận được trong ngày 9/9 chủ yếu là hàng tươi sống, hiếm hoi mới có đơn từ quán bán đồ ăn chế biến sẵn.
Sơn Nam