
Trẻ em chạy ngang qua cánh đồng lúa mạch tại công viên Sangnim ở Hamyang, tỉnh Nam Gyeongsang vào 3/5. Ảnh: Yonhap
Điều mà nhiều ông bố bà mẹ trẻ ở Hàn đang có kế hoạch sinh con quan tâm là giới tính của em bé. Nhiều người nghĩ nhà có hai bé gái là lý tưởng nhất; còn những gia đình sinh một nam, một nữ được xếp hạng hai. Vị trí cuối cùng dành cho các cặp vợ chồng chỉ có hai con trai và là điều mà ít người mong muốn nhất.
Kim Yeon-ju (30 tuổi), nhân viên văn phòng tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. "Tôi thấy rõ xu hướng con gái được ưu tiên hơn con trai, đặc biệt là ở những gia đình trẻ đang lên kế hoạch sinh con. Các bà mẹ trẻ truyền tai nhau rằng con trai khi lớn lên trở nên xa cách như những người xa lạ. Chúng rời nhà sau khi kết hôn, có gia đình nhỏ và hầu như rất ít chia sẻ, tâm sự với cha mẹ", Kim nói.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hankook Research với 1.000 người, 55% cho biết "phải có con gái", chỉ có 31% trả lời "phải có con trai". Ngoài ra, 70% đôi vợ chồng trên 60 tuổi thích con gái hơn con trai. Vì vậy, bây giờ tại Hàn Quốc, con gái đang được yêu thích hơn con trai.
Việc các bậc cha mẹ Hàn Quốc thích con gái hơn con trai là điều trớ trêu vì đất nước này do nam giới thống trị trong nhiều thế kỷ, vì quá chú trọng vào các giá trị Nho giáo. Trong nhiều thế kỷ, các bà mẹ có con gái được khuyến khích và thậm chí bị đe dọa phải sinh thêm con để đảm bảo dòng dõi của gia đình chồng thông qua con cháu là nam giới. Các thành viên nữ trong gia đình phong kiến chỉ được coi là công dân hạng hai, đảm nhận một phần nghĩa vụ hạn chế trong việc thừa kế tài sản, thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường và phụng dưỡng cha mẹ.
Kể từ khi công nghệ lựa chọn giới tính được giới thiệu và phổ biến rộng rãi vào những năm 1970 và 1980, sự ưa chuộng về giới tính trẻ em xuất hiện rõ ràng hơn khi tỷ số giới tính là 116 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 1990, trong khi tỷ lệ sinh trung bình trong tự nhiên là 103 trẻ em trai/107 trẻ em gái.
Tuy nhiên, bây giờ Hàn Quốc đã khác xưa, trở thành "quốc gia châu Á đầu tiên đảo ngược xu hướng tăng tỷ số giới tính khi sinh", theo một tài liệu nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới từ năm 2007. Tỷ lệ giới tính khi sinh của nước này lần đầu tiên đạt ngưỡng tự nhiên, 103 đến 107 bé trai/100 bé gái vào năm 2007 và con số mới nhất năm 2020 là 104,8/100. Sự yêu thích trẻ em gái cũng tăng lên trong việc nhận con nuôi. Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết 65,4% trong số 260 trẻ em được nhận nuôi trong nước vào năm 2020 là nữ.
"Thông thường, các xã hội có xu hướng ưa chuộng con trai hơn và có mong muốn mạnh mẽ trong việc tiếp nối dòng dõi gia đình. Nhưng điều đó nhanh chóng biến mất ở Hàn Quốc. Thế hệ lớn tuổi đã thay đổi suy nghĩ và coi trọng cuộc sống của họ trước khi chết hơn là tương lai của gia đình. Hàn Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên, còn là nơi duy nhất trên thế giới chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng đối với việc chuộng con trai. Xu hướng này là do sự thay đổi nghĩa vụ hiếu thảo từ nam sang nữ. Nói cách khác, nam giới không còn được hưởng đặc quyền như trước đây", Cho Young-tae, giáo sư tại Đại học Y tế Công cộng (ĐH Quốc gia Seoul), chuyên về nhân khẩu học, nói.
Mặt khác, các cặp vợ chồng đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc sinh con gái và có thể trông cậy vào chúng khi đến tuổi xế chiều. Các thế hệ cha mẹ học được rằng con gái kết nối tình cảm tốt hơn với cha mẹ, nhiệt tình hỗ trợ cha mẹ ở những năm cuối đời của họ. Kết quả là, cha mẹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào con gái, là sự lựa chọn tốt hơn để chăm sóc họ khi họ già yếu, đặc biệt là khi kỳ vọng vào cuộc sống ngày càng tăng.

Trẻ em tại Seen, nơi chăm sóc trẻ sơ sinh ở một bệnh viện tại Seoul hồi tháng 2/2019. Ảnh: Korea Times
Địa vị của phụ nữ ở Hàn Quốc ngày nay đã được cải thiện đáng kể so với ngày xưa và đó cũng là lý do khiến nữ giới dần thay thế được sự thống trị của nam giới. Họ ít bị chồng chi phối hơn trước và gia đình chồng cũng ít gây áp lực cho con dâu phải sinh con trai.
"Những phụ nữ sống qua thời kỳ chuộng bé trai trong những năm 1980-1990 giờ đã trưởng thành và trở thành mẹ. Họ tự hiểu rằng không cần phải có con trai", giáo sư Cho nói. Mặc dù con gái đang được ưu tiên hơn con trai, sự ưu tiên này không có nghĩa là nữ giới trở nên bình đẳng với nam giới hoặc địa vị xã hội được nâng cao.
Lee Joo-hee, giáo sư xã hội học tại Đại học Ewha Womans cho biết: "Sự ưa chuộng con gái hơn con trai phản ánh những kỳ vọng của xã hội, chỉ định vai trò của phụ nữ phải làm nhiều việc nhà và biết gắn kết tình cảm hơn nam giới trong gia đình". Theo Lee, con gái có khả năng để có nhiều sự gắn bó và kết nối hơn vì họ ít tham gia vào các hoạt động kinh tế hơn nam giới từ 20 đến 30%, đồng thời chịu áp lực xã hội để thực hiện mức độ gắn kết tình cảm cao hơn.
"So với trước đây, suy nghĩ về bình đẳng giới đã trở nên phổ biến hơn và ảnh hưởng đến sự suy giảm sở thích với con trai. Thế nhưng, điều này cũng có thể tạo ra một hình thức phân biệt giới tính khác. Bởi con gái được ưu tiên hơn con trai vì cùng lý do con trai được yêu thích hơn con gái trước đây, vốn là để họ đảm nhận nhiều nghĩa vụ hơn khi là một đứa con", Lee Joo-hee, giáo sư xã hội học tại Đại học Ewha Womans, cho hay.
Hằng Trần (Theo Korea Times)