Tốt nghiệp trường Dân lập Kỹ thuật Công nghệ, ban đầu Tuấn Anh làm nhân viên bán hàng điện tử cho một trung tâm điện máy lớn. Công việc nhàm chán, không có cơ hội thăng tiến, Tuấn Anh chuyển qua công ty du lịch nước ngoài, nhưng vẫn thấy còn "dư năng lượng", cậu bỏ ngang "nhảy" tiếp vào một công ty nước ngoài với vai trò phụ trách website.
Chưa đầy 3 năm với 3 lần "nhảy", lần trước tạo "đà" cho "cú nhảy" sau, Tuấn Anh hiện nay chấp nhận là một IT cho công ty tư vấn du học: "Điều quan trọng nhất là bạn phải biết thực sự cảm giác của bạn về công việc, về sự nghiệp hiện tại. Bạn phải biết cân nhắc liệu bạn muốn thay đổi nghề nghiệp của mình hay bạn chỉ muốn thay đổi công việc. Bạn thực sự ghét công việc đó hay ghét công ty đó. Tôi thay đổi nhiều lần như vậy bởi tôi không tìm thấy được nhiệt huyết trong môi trường mới, tôi bằng lòng với công việc hiện tại, nó cho tôi phát huy khả năng sáng tạo, tính độc lập", Tuấn Anh bộc bạch.
Khác với Tuấn Anh, nếu cuộc đời suôn sẻ thì Thủy đã là một cô giáo tiếng Pháp của vùng Tây Nguyên xa xôi. Khăn gói về quê, thất vọng, cô quay lại TP với vốn liếng hai bằng ngoại ngữ Anh - Pháp. Nhưng để có được vị trí ổn định, mức lương cao ngất trời tại AirFrance như hiện nay, cô cũng nhiều lần "lên voi xuống ngựa", hết làm thêm tại một tiệm photocopy đến bán thuốc cho công ty Pháp, thư ký cho một hãng thực phẩm Pháp... chưa kể những lần làm việc "ngắn hạn" ở một số công ty khác.
Thủy chia sẻ "Chìa khóa số một để xây dựng sự nghiệp của chính mình là dựa trên sức mạnh bản thân. Hãy tự đánh giá năng khiếu và khả năng học hỏi hoặc những thứ theo bạn là "sở trường". Khi làm thư ký, tôi bị giao phó tất thảy công việc từ thủ tục xuất nhập khẩu đến kiểm kê chất lượng hàng, tôi thấy mình như bị vắt kiệt sức, tôi ở trạm Hải Quan gần như cả ngày để xem hàng, tôi chẳng biết gì cách "lách" hàng cho trôi, cuối cùng tôi phải chọn giải pháp ra đi vì đó thực sự không phải là năng khiếu của tôi".
Theo Tuổi Trẻ, trước khi quyết định rẽ đường nào bạn phải biết ưu điểm của mình: Bạn có tài thuyết phục người khác? Bạn khá nhạy bén khi xử lý những con số? Một nhìn nhận chính xác để biết bạn là ai để có thể đặt mình đúng chỗ.
Theo kinh nghiệm của nhiều "cao thủ", để có "nhảy" xa bạn phải có "sức bật" tốt, tất cả bắt đầu từ việc bạn biết cách cách "đà" cho bản thân, bạn phải thận trọng, có suy xét kỹ càng bởi thay đổi công việc đôi khi còn kéo theo thay đổi cả sự nghiệp của bạn.
Trước hết bạn phải biết rõ yêu cầu của công việc. Bạn cần phải biết những bằng cấp nào được yêu cầu cho vị trí đang thu hút sự quan tâm của bạn cũng như xem xét liệu bạn đã sẵn sàng đảm nhận nó hay chưa. Chẳng hạn một người nào đó ưa thích công việc nghiên cứu hay dạy học thì sẽ có xu hướng muốn học cao hơn để có học vị cao Hãy chắc chắn rằng bạn đủ kiên trì để thực hiện những bước tiếp theo.
Nghiên cứu cấu trúc công việc. Bạn sẽ không thể chuyển sang một công việc mới nếu bạn không biết gì về lĩnh vực đó. Cách bạn đặt câu hỏi với những người đang làm công việc bạn ưa thích sẽ thể hiện bạn thực sự có quan tâm nó không.
Nghiên hệ thống làm việc rất quan trọng và đó là cách để bạn đi sâu vào công việc mình muốn xin vào. Đặc biệt là các từ ngữ mang tính chuyên môn cao, bạn cần phải tìm tòi trong sách vở và các tạp chí để bổ sung thêm những kiến thức phục vụ cho công việc mới.
Điều quan trọng nhất khi thay đổi sự nghiệp là tìm được một công việc mà bạn có thể phát huy được năng lực cũng như lòng say mê. 3 câu hỏi quan trọng mà bạn phải luôn đặt ra cho bản thân là: Bạn thích gì? Giá trị con người bạn là gì? Và ưu điểm của bạn ở đâu?
Ngoài ra, để tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng bạn cần phải xác định và nêu bật được kỹ năng tiếp thu mà bạn có được. Bạn học hỏi được gì từ những lần làm việc cho các công ty trước. Nếu bạn có thể đánh máy nhanh, viết lách tốt, tổ chức được event... đừng quên viết nó vào bản lý lịch của mình.