Thu Minh là một cử nhân kinh tế vừa tốt nghiệp loại ưu. Giỏi giang, năng động và xinh đẹp nên khác với chúng bạn khác còn phải chạy ngược chạy xuôi xin việc, ra trường Thu Minh được nhận vào một công ty kiểm toán của Nhà nước. Thế nhưng mặc dù công việc nhàn, mức lương khá nhưng chưa đầy một năm, cô đã xin chuyển công tác vì lý do, chán môi trường làm việc.
Sau đó cô tiếp tục gửi hồ sơ xin việc tại một số công ty kinh doanh khác. Hồi âm đều là những kết quả tốt đẹp. Ban đầu Thu Minh về làm nhân viên marketing cho một công ty xây dựng đô thị. Vốn có một trình độ khá cộng với năng lực của mình, sau một thời gian làm việc, cô nhanh chóng leo lên chức trợ lý giám đốc của công ty. Để giúp việc tốt cho giám đốc, cô thường xuyên được cử đi công tác dài ngày ở nước ngoài, được đi học những lớp quản trị kinh doanh do người nước ngoài dạy bằng tiền của công ty...
Nhưng rồi sau hai năm, cô lại xin thôi việc. Rời khỏi công ty xây dựng, Thu Minh được nhận về làm trưởng đại diện cho một hãng nước ngoài chuyên sản xuất các thiết bị nhà bếp với tiền lương xấp xỉ 10 triệu/tháng. Nhưng rồi mới đây nhất mọi người lại gặp cô trong tư cách giám đốc kinh doanh của công ty phân phối mỹ phẩm ngoại nhập. Khi được hỏi đây có phải là điểm dừng chân cuối cùng không, Thu Minh nói đầy tự tin, "tôi ưa thích sự thách thức, tôi muốn chinh phục sự khó khăn. Nếu có một công việc nào hấp dẫn hơn chắc chắn tôi sẽ còn thuyên chuyển".
Sức hấp dẫn của môi trường làm việc chính là nguyên nhân chính cho quyết định "nhảy việc". Đó là nhận xét của Thu Minh và cũng là nhận xét chung của rất nhiều phụ nữ thường xuyên nhảy việc. Còn mức lương thu nhập hay cảnh xích mích, kèn cựa bè cánh ở chỗ làm cũng chỉ là những nguyên nhân thứ yếu.
Chị Thanh Mai là giám đốc kinh doanh của một công ty quảng cáo cho biết, để tìm cho mình được một công việc hiện nay chị cũng đã kinh qua khá nhiều các công ty và làm nhiều nghề khác nhau.
Tốt nghiệp khoa đồ họa mỹ thuật công nghiệp, ra trường chị Mai về làm tại phòng vẽ của hàng phim hoạt hình. Nhưng việc vẽ vời không thực sự cuốn hút chị. Xin nghỉ việc tại xưởng phim, chị về làm biên tập truyện tranh cho một nhà xuất bản. Được một thời gian, chị Mai lại nộp hồ sơ vào công ty chuyên may đồ xuất khẩu với vị trí trưởng phòng thiết kế mẫu. "Phụ trách bán hàng, quản lý nhân sự, điều hành kinh doanh... đều là những công việc mình đã 'kinh qua". Có những việc hợp với ngành mình đã học, nhưng cũng có nhiều công việc hoàn toàn xa lạ. Nhưng vì môi trường làm việc của những công việc này quá thuận lợi, có điều kiện được đi đây đó, mở rộng mối quan hệ nên mình vẫn quyết định thử sức. Để xin được vị trí trưởng phòng marketing của một công ty liên doanh, mình phải nghỉ luôn việc cũ để đi học cấp tốc ngày đêm lớp quản trị kinh doanh".
"Để tìm được một chỗ làm tốt hiện nay không phải quá khó. Thị trường lao động luôn rất sôi động. Ngoài những công ty trong nước hoạt động tốt, uy tín còn có rất nhiều công ty nước ngoài đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam luôn luôn nỗ lực tìm người có năng lực về làm việc. Và đó cũng là lý do mà chúng tôi luôn luôn có ý định nhảy việc", Kim Chi, mới đi làm được 5 năm nhưng đã 5 lần chuyển việc nói.
Dù đã là kiến trúc sư tại một công ty nội thất nhưng Chi vẫn thường tìm kiếm thông tin việc làm ở trên mạng. Với cô, thử sức trong công việc mới không chỉ đem lại niềm vui mà còn là cách để cô khẳng định mình là một phụ nữ đã trưởng thành và độc lập.
Theo TVTD, không thể phủ nhận về cách suy nghĩ của những phụ nữ thích "nhảy việc" lắm lúc còn có phần cực đoan. Chỉ vì muốn thể hiện cái tôi, ham muốn chiến thắng mà tự đặt mình vào những điều kiện, môi trường làm việc không phù hợp với khả năng làm việc mà không nhận ra, để rồi sau một thời gian lại phải chuyển đổi, lại đi tìm công việc khác.
Bệnh "ngôi sao", định hướng công việc vào trào lưu, mốt cũng là căn bệnh rất nhiều phụ nữ "nhảy việc " mắc phải. Chỉ vì không muốn mình "già nua cũ kỹ" trong công việc, không muốn "chôn chân" tại một cơ quan Nhà nước 8 tiếng trong khi bạn bè cùng lứa "phơi phới" đi đây đi đó hay sang trọng lịch sự trong những bộ veston tại các văn phòng nước ngoài mà lao vào vòng xoáy "nhảy việc", coi sự nghiệp là trên hết, không còn hứng thú với chuyện gia đình, bỏ bê con cái.
Ngoài ra, việc thay đổi việc thường xuyên sẽ dẫn đến sự thiếu ổn định, tích lũy kinh nghiệm. Sự thay đổi đó cũng dễ làm tuột mất cơ hội tốt mà không phải ai cũng dễ có ngay. Bạn có quyền mong muốn những công việc mới đem lại nhiều tiền bạc, nhũng mối quan hệ tốt, tiếng tăm hay đơn giản là sự nhàn nhã. Nhưng nếu bạn yêu thích "nhảy việc" thì cũng nên lựa chọn công việc phù hợp với năng lục bản thân, điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh gia đình...
Đừng để thói phiêu lưu mạo hiểm lấn át đến nỗi không nhận ra mình là ai, vị trí nào mới thực sự thích hợp với mình. Để thích nghi công việc mới cần phải có nhiều thời gian, không nên nóng vội quyết định ngay, rất dễ đưa đến sai lầm. Đừng quên rằng mình vẫn là người phụ nữ với đầy đủ thiên chức, bổn phận làm vợ, làm mẹ. Hãy biết chinh phục những đỉnh cao nhưng cũng đừng quên hạ cánh an toàn.