![]() |
Bạn trẻ trên đường tìm việc. |
Bạn Hồng Thanh (quê Bình Định), hiện bán hàng cho một shop áo quần thời trang ở quận 1, TP HCM kể, mức lương 1,6 triệu đồng/tháng mà bạn đang hưởng là "khá lý tưởng". Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Thanh sắp sửa "nhảy cóc" là vì “Tính tình bà chủ mưa nắng thất thường. Lúc bả vui vẻ thì không sao, lúc lịch xịch thì kiếm cớ chê ỏng chê eo, nào là sao dạo này bán ế quá; nào là chiếc áo này mới thấy hôm qua mà giờ sao biến mất...”. Thanh kết luận: “Chỉ khi nào mình đánh mất lòng tự trọng thì mới ở lại làm chỗ này!”.
Thế nhưng có những cuộc "nhảy cóc" trật đường khiến người trong cuộc không khỏi ngậm ngùi. Mới ra trường, Vân Hoa tốt nghiệp khoa lịch sử ĐH KHXH & NV, TP HCM chê nghề hướng dẫn viên ở bảo tàng là "bó buộc, lương thấp". Thế là Hoa bắt đầu cuộc hành trình đi từ nghề này sang nghề khác, mà toàn là những nghề không "ăn nhập" gì đến chuyên môn của mình. Sau 6 lần "nhảy", Hoa quay trở lại nghề hướng dẫn viên bảo tàng kiêm trợ giảng môn lịch sử ở một số trường. “Tôi cứ ngỡ mình sẽ được khám phá và làm tốt những công việc trong các lĩnh vực mới. Nhưng tôi đã không hiểu hết khả năng thật sự của bản thân. Dẫu hơi muộn, song tôi cũng phải xác định lại nghề nghiệp đích thực của mình”, Hoa bộc bạch.
Trong khi đó, có không ít người chuyển chỗ làm để tìm kiếm cơ hội mới, khẳng định bản lĩnh, năng lực và chuyên môn của mình. Và họ đã mở ra được cánh cửa thành công cho mình. Ngoài những cơ may, đó thường là những cú "nhảy" có định hướng và đặc biệt là trong tâm thế chủ động.
Anh Nguyễn Văn Lộc (cựu sinh viên khoa Xây dựng ĐH Bách khoa TP HCM) nói: “Tôi cũng đã nhiều lần "nhảy cóc", nhưng không phải là người đứng núi này trông núi nọ. Nhờ những lần "nhảy" như vậy, tôi mới có cơ hội được vào làm ở một nơi phù hợp với ngành học và có thể phát huy khả năng của mình là Công ty Xây dựng thương mại số II". Kiều Vi (nhân viên một văn phòng đại diện về ngành dược) cũng nhận định: "Tôi dày dạn hơn rất nhiều sau những lần "nhảy cóc". Nó giúp tôi sống bản lĩnh hơn và rút ra được những bài học cần thiết cho mình".
Theo Thanh Niên, trên thực tế, có những công ty chuyên săn đầu người, tìm kiếm những nhân viên có năng lực chuyên môn giỏi vào làm việc. Trong trường hợp này, một số người thuộc đối tượng bị “săn lùng” dẫu muốn "chung thủy" với một chỗ làm thì cũng khó mà giữ lòng không bị xao động, nhất là khi phía bên kia đưa ra những điều kiện vượt trội...
Theo ông Đới Sĩ Thúy, Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp TP HCM, bản thân lao động và việc làm đã là một loại hàng hóa nên cũng cần có thị trường. Hiện tượng các bạn trẻ "nhảy cóc" là hết sức bình thường trong cơ chế hiện nay. Tuy nhiên, tìm được một công việc hợp với sở trường, kiến thức để được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội cũng là một khó khăn đối với họ. Ông Đới đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ: “Hãy thận trọng, hãy suy nghĩ, tìm hiểu công việc thật kỹ trước khi bắt đầu làm; đừng để mất thời gian, công sức, tài năng, trí tuệ của tuổi trẻ cho những phép thử, những lần "nhảy cóc". Do đó, các bạn trẻ cần định hướng nghề cho mình trước khi ra trường. Đừng vì nôn nóng mà đánh mất cơ hội của mình”.
Anh Dương Xuân Giao, Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực NetViet (Hoàng Diệu, quận 4, TP HCM) khẳng định việc thường xuyên thay đổi chỗ làm sẽ không mang lại cho người lao động kinh nghiệm gì đáng kể. Anh so sánh: "Hồi trước, người ta thường "dừng chân", "chung thủy" suốt đời trong công ty quốc doanh. Hiện nay, nhiều bạn trẻ lại thích chuyển đổi công ty, có khi một năm đổi đến 2-3 lần. Theo tôi, cả hai thái cực trên đều không tốt".
Anh dẫn chứng, có những người tự cho rằng mình có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó đến 5-7 năm. Thế nhưng, trên thực tế, họ không thể bì kịp những người chỉ có kinh nghiệm trong 1 năm, bởi họ liên tục đổi chỗ làm và kinh nghiệm thu được không chuyên sâu, hệ thống. Mặt khác, với một "lịch sử nghề nghiệp"... nát bấy sau nhiều lần liên tục "nhảy cóc", bạn sẽ dễ để lại dấu hỏi cho những nhà tuyển dụng là kinh nghiệm của bạn đạt tới đâu, sự kiên trì trong công việc của bạn như thế nào...
Mạnh dạn thay đổi chỗ làm để tìm một tương lai sáng sủa hơn, một sự nghiệp ổn định hơn là rất cần thiết. Điều đó chứng tỏ bạn là người xông xáo, năng động và không an phận. Tuy nhiên, bất cứ công việc nào, môi trường làm việc nào cũng có những khó khăn nhất định. Do đó, trong nhiều trường hợp, "nhảy cóc" vội vã chưa hẳn đã là giải pháp hay hơn là rèn luyện để có thể thích nghi và chấp nhận công việc.
Vì sao tôi nhảy việc? Bạn Nguyễn Thu Quỳnh (nhân viên Prudential) tâm sự về những lần “nhảy cóc” của mình: Sau khi tốt nghiệp ĐH dân lập ngoại ngữ - tin học TP HCM, tôi được nhận vào làm thư ký cho một công ty TNHH sản xuất giấy và thiết bị văn phòng với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Gọi là công ty nhưng đó chỉ là căn nhà thuê với hai bộ bàn ghế và một chiếc máy vi tính. Nhân sự gồm: tôi, anh phụ trách, hai người làm thủ quỹ và văn thư. Bọn tôi than phiền về chuyện không có bàn làm việc thì anh phụ trách bảo: "Nếu muốn thì em phải làm đơn". Sau 1 tuần làm đơn và chờ sự chấp thuận của giám đốc, cũng là lúc bà chủ nhà xuất hiện. Bà này phản đối vì... để thêm bộ bàn ghế sẽ làm mất thẩm mỹ ngôi nhà! Thế là mấy nhân viên chúng tôi lại phải khom lưng làm việc ở bộ ghế salon, còn máy tính thì phải chia thời gian sử dụng. Biện pháp khắc phục là... ra ngoài thuê máy, dĩ nhiên tiền do tôi tự bỏ ra. Điện thoại công ty thì luôn nằm trong tầm kiểm soát của phu nhân giám đốc. Mỗi lần có việc gọi ra ngoài phải rụt rè xin được nói chuyện điện thoại dưới sự quan sát và tính giờ của bà. Than phiền thì nhận được câu trả lời của người phụ trách: "Các em phải biết khắc phục, ngày xưa bọn anh làm việc không có máy vi tính, máy fax mà vẫn hiệu quả đó thôi !". Những lần đi làm việc bên ngoài là những lần chúng tôi phải làm các công việc: sao y hộ khẩu cho phó giám đốc, mua dầu gội đầu cho giám đốc phu nhân..., trong khi đó các sếp luôn miệng "ở đây làm hết việc chứ không hết giờ"! Đến nước này tôi xin nghỉ vì không hề thấy một tương lai sáng sủa nào cho mình trong con đường thăng tiến sự nghiệp. Qua trung tâm giới thiệu việc làm, tôi được nhận vào làm thư ký ở công ty có 100% vốn nước ngoài nằm trong khu chế xuất Linh Trung với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Những tưởng làm việc cho sếp nước ngoài là một điều thú vị, tôi sẽ có cơ hội sử dụng tiếng Anh và cơ sở vật chất dành cho tôi cũng tốt hơn. Tuy nhiên, công việc còn chưa kịp định hình thì giám đốc gọi tôi vào và tâm sự: "Em có biết em là người phụ nữ mà tôi mong đợi bấy lâu không?". Thế là cuộc "nhảy cóc" tiếp theo của tôi lại bắt đầu. Cú "nhảy" thứ ba của tôi vào một công ty tự xưng là nhà phân phối của một hãng máy chủ nổi tiếng trên thế giới. Giám đốc là hai vợ chồng Việt kiều. Ngày đầu tiên tôi được nắm chức trưởng phòng kinh doanh, với lời hứa mức lương sẽ là 1,4 triệu đồng/tháng. Còn đang "say" với giấc mộng "trưởng phòng" thì tôi biết cả công ty chỉ có 7 người, mỗi "phòng ban" 1 người. Làm "Trưởng phòng kinh doanh" được 4 tháng, tôi đã nghe khách chửi đủ 121 ngày với lý do đơn giản là công ty không có một bộ phận kỹ thuật cho ra hồn. Ngậm ngùi, tôi đành đâm đơn thôi việc và tiếp tục "nhảy". |