Với mục tiêu rèn giũa lứa cầu thủ trẻ tài năng hướng đến Olympic Tokyo, nhiều năm qua, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản có chiến dịch dài hơi để cải thiện trình độ lứa cầu thủ sinh năm 1997. Đến năm 2020, các tài năng này bước sang tuổi 23 và đủ độ chín để cạnh tranh huy chương Thế vận hội.
Trong quá khứ, lứa hạt giống được Nhật Bản đưa tới Asiad năm nay từng đánh bại U19 Việt Nam tại bán kết giải châu Á 2016 với tỷ số 3-0 và thắng tiếp Arab Saudi để lên ngôi vô địch.
Sau giải đấu đó, những Quang Hải, Tiến Dũng hay Đức Chinh chỉ có thêm hai sân chơi lớn là U20 World Cup và U23 châu Á để trui rèn, còn các đối thủ Nhật Bản có thêm nhiều kinh nghiệm quý ở các giải đấu uy tín.
Tại U20 World Cup 2017, U20 Nhật Bản đánh bại U20 Nam Phi, thua U20 Uruguay 0-2 và tạo nên bất ngờ khi hòa U20 Italy 2-2. Sau đó, thế hệ cầu thủ này tiếp tục được tin tưởng cử đi tham dự vòng chung kết U23 châu Á diễn ra vào tháng một vừa qua tại Trung Quốc.
Mới đây, U21 Nhật Bản cũng tham dự giải giao hữu tại Pháp và gây bất ngờ lớn khi đánh bại U21 Bồ Đào Nha 3-2, hòa 1-1 trước Canada.
Hai năm kể từ chức vô địch U19 châu Á, chỉ có 13 cầu thủ trụ lại được đội hình U21 lần này. Thay thế cho những người bị loại, Liên đoàn bóng đá Nhật triệu tập thêm hàng loạt cầu thủ chất lượng mà nổi bật là hai cá nhân đang chơi bóng tại châu Âu. Người đầu tiên là thủ môn Louis Yamaguchi, mang hai dòng máu Pháp - Nhật và người thứ hai ấn tượng hơn khi được ra sân 20 lần tại Bundesliga 2017-2018 trong màu áo Hamburg là tiền vệ Tatsuya Ito.
Tại Asiad 2018, Nhật Bản nằm ở bảng D cùng Việt Nam, Pakistan và Nepal.
Hải Đăng