Một số bác sỹ, y sĩ thừa nhận: hầu như các loại rượu dân tộc được bày bán tràn lan ở Hà Nội hiện nay chưa được kiểm định về độ an toàn.
Bước chân vào bất kỳ một quán rượu dân tộc nào, cảnh tượng đập vào mắt là các hũ rượu, chum rượu dán giấy hồng với các hàng chữ Hoa bằng mực Tàu ghi tên các chủng loại rượu.
Nào là tên của các vị hoàng đế Trung Quốc như rượu Minh Mạng, rượu Càn Long cho đến tên các loại sản vật quý hiếm như rượu bìm bịp, rượu ngọc dương, rượu ong chúa, ngũ xà, cửu xà, bọ cạp, bạch cúc tửu, trường xuân tửu... Nhìn cứ là hoa cả mắt. Loại nào cũng đủ các thành phần quý, hiếm và đặc biệt là rất bổ, đầy gọi mời như "thập toàn đại bổ", "cường dương bổ thận", "tráng thận, tráng dương", "trường sinh bất lão"... Một số loại còn được chủ quán tiếp thị thêm: "Đây là thứ rượu ông uống bà khen". Giá dao động 20-60 nghìn đồng/be hoặc chai. Bên trong quán là những dãy bàn ghế gỗ, ghế mây, được mô phỏng theo các không gian quán xá ngày xưa...
Bây giờ, ở Hà Nội, cùng với bia hơi thì rượu dân tộc dường như đã trở thành một cái "mốt" của tầng lớp 20-40 tuổi. Người ta uống rượu vì bất cứ lý do gì: buồn, vui, sinh nhật, lâu lâu gặp nhau, mừng thắng lợi sau một phi vụ làm ăn, hay chỉ đơn giản là đang mưa gió không biết đi đâu, làm gì...
Nguyễn Gia Toàn, công ty Xây dựng Hà Nội là một trong những khách quen của quán rượu Quang Minh trên đường Âu Cơ giải thích lý do hay đến quán: "Ở đó có nhiều món ăn lạ của nông thôn như rạm om lá lốt, rô ron rán giòn, sung, khế chấm với tương..., toàn những thứ không dễ tìm ở chốn đô thị. Rượu uống tương đối chất lượng, ít khi đau đầu nếu uống nhiều".
Đào Minh Kim, công phần mềm FPT thì hay chọn một quán ở phố Phan Bội Châu vì "Nơi đó có không gian khá lý tưởng cho những người thích yên tĩnh. Và quan trọng là đồ ăn ngon với giá cả phải chăng".
Trong hàng trăm quán rượu dân tộc đang mọc lên nhiều như nấm sau mưa ở đất Hà Nội, không nhiều quán có nguồn rượu "xịn". Chủ một quán rượu đã giải nghệ cho KTĐT biết, thậm chí có tới cả chục quán cùng nhập chung rượu từ một "đầu nậu".
Nguồn sản xuất thì lấy từ đủ các nơi Sơn Tây, Hoà Bình, Lai Châu, Thanh Hoá... đủ cả. Có thể khẳng định chất lượng rượu làm đảm bảo ngon và an toàn bởi nếu không đạt được các yếu tố như vậy, người giao hàng sẽ mất mối làm ăn ngay.
Chỉ có điều sau khi nhập về hầm rồi, khâu pha chế tỷ lệ cồn, nước lã và các hương liệu làm tăng mùi thơm là bao nhiêu để bán cho khách mới nảy sinh ra nguy hiểm. Khách hàng tinh ý chỉ cần nếm rượu trong các bình thuỷ lớn quảng cáo trên quầy với rượu để trong các be, chai bán cho khách là phân biệt được ngay.
Rất ít khi khách yêu cầu chủ quán cho uống loại rượu chắt trực tiếp từ bình lớn vì giá thường chênh lệch gấp đôi so với trong be, chai đóng sẵn và các ông chủ quán cũng không muốn bán như vậy.
Điều đáng nói là hầu hết rượu sau khi pha chế đều không được kiểm định chặt chẽ sẽ trở thành nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngộ độc rượu.
Một ông chủ quán rượu "bật mí": "Dăm thì mười hoạ cán bộ y tế dạo qua kiểm tra lấy lệ, "nháy" nhau một cái là xong liền! Tại một số vùng nông thôn, để cho rượu thêm độ trong vắt, người ta còn cho thêm cả một ít thuốc trừ sâu".
Vì vậy, chuyện ngộ độc rượu cấp đến mức tử vong cũng không phải là lạ. Sau khi đã qua cơn nguy kịch, anh Mạnh kể, mới uống được vài chén, thấy choáng váng thì chỉ nghĩ là do trong người không được khoẻ. Về được đến nhà rồi thì nôn oẹ liên tục, mấy tiếng sau chân tay run lên, không tự điều khiển được nữa. May mà gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời.