Chị Duyên, 39 tuổi, trú xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên), được tăng cường cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh để lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho người dân ở một số thôn thuộc xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, sáng 7/6.
"Tôi trực cả ngày đêm 6/6 ở cơ quan. Sáng 7/6, tôi cùng nhiều đồng nghiệp nhận lệnh ra vùng dịch làm nhiệm vụ, khi đi trên xe chỉ ăn vội chiếc bánh mỳ. Có thể do trực cả ngày lẫn đêm tại bệnh viện, khi ra vùng dịch Thạch Trung tiếp tục lấy mẫu với cường độ cao trong nhiều tiếng nên sức khỏe giảm sút, dẫn tới chóng mặt và ngất xỉu", chị Duyên kể.
Sau khi bị ngất xỉu, chị Duyên được đồng nghiệp đưa từ vùng phong tỏa đến Trạm Y tế xã Thạch Trung cấp cứu hồi sức, hiện sức khỏe dần hồi phục. Lãnh đạo cho phép chị về nhà ở huyện Cẩm Xuyên nghỉ ngơi trong chiều cùng ngày.
Chị Duyên chia sẻ việc lấy mẫu xét nghiệm nCoV đòi hỏi phải nhanh và chính xác, khi làm phải tập trung tối đa. "Tôi không nhớ rõ mình đã lấy được bao nhiêu mẫu. Chỉ cố gắng làm cẩn thận nhất có thể. Khi hồi phục sức khỏe, nếu được điều động, tôi tiếp tục đến vùng dịch làm nhiệm vụ", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên đánh giá điều dưỡng Duyên luôn hết mình vì công việc được giao. Sáng nay, đơn vị đã cử 10 cán bộ, nhân viên tăng cường hỗ trợ vùng dịch ở TP Hà Tĩnh.
Chị Duyên có hai con, đang học lớp 2 và lớp 5, chồng là bộ đội. "Chồng ở tuyến đầu, một tháng nay anh chưa về thăm nhà. Cả gia đình thời gian này thỉnh thoảng chỉ được tâm sự, động viên nhau qua mạng xã hội", chị Duyên nói.
Đây không phải là trường hợp nhân viên y tế đầu tiên bị kiệt sức khi tham gia chống dịch. Ngày 25/5, Phạm Trung Anh, 20 tuổi, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, trong lúc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang đã bị chóng mặt và ngất xỉu. Nơi Trung Anh và đồng nghiệp làm việc là một lán nhỏ lợp tôn, ngoài trời nắng 40 độ C.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đợt dịch mới bùng phát vào thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiều nhân viên y tế bị ngất xỉu, kiệt sức. Đây là quan ngại lớn của Bộ phận thường trực chống dịch.
Để giảm áp lực công việc, đảm bảo sức khỏe cho tuyến đầu, các chuyên gia khuyến cáo người quản lý cần bố trí nhân lực và thay đổi ca hợp lý, nhất là khi làm việc ngoài trời như đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết... "Không để một người làm việc liên tục trong thời gian dài mà phải luân phiên nghỉ ngơi, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe", ông Nga nói.
Tính từ ngày 5/6, Hà Tĩnh ghi nhận 9 ca nhiễm nCoV cộng đồng, đều liên quan đến vợ chồng về từ Bình Dương. Ngành y tế đã lấy được hơn 2.000 mẫu để xét nghiệm.