Ngày 25/7, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, ký văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất nhiều giải pháp chống dịch bệnh tại Đà Nẵng. "Mấy ngày qua, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng đã ghi nhận ca thứ 2 lây nhiễm từ cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", công văn nêu.
Vì vậy, Ban chỉ đạo đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giãn cách toàn thành phố Đà Nẵng, theo chỉ thị 16 (tháng 3/2020), trong vòng 15 ngày, từ 0h ngày 27/7.
Đồng thời, Ban chỉ đạo đề xuất phong toả toàn bộ các địa điểm hai bệnh nhân từng có mặt, kể từ 12/7. Các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đi và đến Đà Nẵng được hạn chế; chỉ cho phép mỗi ngày có từ 1 đến 2 chuyến bay từ các sân bay trong nước.
Tất cả người dân khi ra khỏi TP Đà Nẵng phải khai báo y tế với nhà chức trách nơi đến; cách ly tại nhà và được xét nghiệm nCoV. Ban chỉ đạo đề nghị Thủ tướng cho xét nghiệm diện rộng ở Đà Nẵng.
Cũng từ đêm qua, nhân viên y tế quận Hải Châu gõ cửa từng nhà để xác định những người có tiếp xúc gần với người đàn ông 61 tuổi ở phường Thanh Bình. Ông Võ Ngọc Đông - Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu, cho biết ngay khi có thông tin "ca bệnh 418" dương tính với nCoV ở Đà Nẵng, chưa chờ đến khi Bộ Y tế công bố, đêm qua các nhân viên y tế đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng truy tìm và khoanh vùng những người tiếp xúc với bệnh nhân.
"Bệnh nhân có đường đi phức tạp nên chúng tôi đang tiếp tục điều tra", ông Đông nói, đồng thời "chưa thể nói" đã xác định được bao nhiêu trường hợp đã tiếp xúc gần phải cách ly. Tuy nhiên, nhà chức trách đang tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm.
9h sáng nay, nhân viên y tế đã phun thuốc tiêu độc khử trùng tại nhà của bệnh nhân trên đường Hải Sơn (tổ 25, phường Thanh Bình). Sau đó tiếp tục phun thuốc tại Trung tâm y tế quận Hải Châu trên đường Cao Thắng, nơi bệnh nhân đến khám.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết dù thành phố chưa có thông báo chính thức về việc có thực hiện giãn cách xã hội hay không, tuy nhiên quận đã chủ động lực lượng nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, không tập trung đông ở hàng quán, công viên ven sông Hàn.
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng ngày 24/4 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19, ngày 26/7, Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường... tạm dừng hoạt động. Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết phải tạm dừng.
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động, tuy nhiên phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu một m khi tiếp xúc.
Tính đến sáng nay, cả nước ghi nhận 418 ca nhiễm nCoV. Hai ca lây nhiễm cộng đồng mới được phát hiện tại Đà Nẵng hai ngày qua là "bệnh nhân 416" và "bệnh nhân 418". Trong đó, "bệnh nhân 416" diễn tiến nặng nhanh chóng, phải can thiệp ECMO, tình trạng nguy kịch. "Bệnh nhân 418" cũng phải thở máy. Hai ca nhiễm ở Đà Nẵng đã chấm dứt chuỗi 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng ở Việt Nam.