Tháng trước, Bertha Mayorquin, một bác sĩ ở bang New Jersey, nói với chồng rằng cô sẽ khám trực tiếp cho bệnh nhân thay vì hướng dẫn và điều trị cho họ thông qua cuộc gọi video để đề phòng lây nhiễm Covid-19 như hai tuần trước. Nhưng vào cuối tuần, khi Mayorquin đến đón hai con gái, chồng cô - Wendell Surdukowski, đã đưa cho cô lệnh của tòa án với nội dung anh có quyền nuôi con tạm thời.
Vợ chồng Mayorquin đang trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn. Luật sư của chồng Mayorquin đã thuyết phục tòa án rằng nữ bác sĩ là nguồn lây nhiễm, có khả năng cao truyền bệnh sang hai người con. Bệnh viện nơi Mayorquin làm việc chuyển cô từ điều trị trực tuyến sang trực tiếp với các bệnh nhân không nhiễm virus tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe khẩn cấp nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế đang quá tải.
"Rất nhiều người trong lực lượng y tế đã có con cái. Có phải chúng tôi sẽ bị tước đi quyền thăm nom, nuôi dưỡng con chỉ vì tham gia vào tuyến đầu giúp đỡ người bệnh?", Mayorquin nói.
Mayorquin không phải trường hợp duy nhất. Nhiều ông bố bà mẹ trên khắp nước Mỹ đang bị những người vợ, chồng cũ xin lệnh không được phép gặp gỡ, tiếp xúc gần với con cái từ tòa án vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm. Điều này xảy ra nhiều với những người làm trong lĩnh vực y tế, hậu cần, các dịch vụ thiết yếu phục vụ công tác chống dịch.
"Nếu có một mối đe dọa sắp xảy ra đối với bọn trẻ thì tôi phải hành động ngay. Tin tức về việc bác sĩ nhiễm bệnh phát đi mỗi ngày, cô ấy không thể nói rằng mình không có nguy cơ đem theo mầm bệnh", Surdukowski, chồng bác sĩ Mayorquin, nói với thẩm phán. Ông cho biết chính ông cũng cần được bảo vệ khi có bệnh lý nền.
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, các luật sư gia đình cho biết không chỉ nhân viên y tế bị tác động, nhiều nhà khác cũng đang rơi vào tình cảnh rối ren về chuyện đảm bảo an toàn cho con cái. Các bậc cha mẹ thường xuyên cãi nhau về việc có nên cho trẻ ra sân chơi hay đi tránh dịch ở vùng nông thôn.
Một số bang đã đưa ra phương án giải quyết cho các trường hợp tranh chấp quyền nuôi con. Tòa án bang Massachusetts gửi thư ngỏ nhấn mạnh con cái cần dành thời gian ở cả bên cha và mẹ, những người có quyền thăm hợp pháp. Nếu một trong hai người buộc phải cách ly, người còn lại nên để cho con nói chuyện với cha hoặc mẹ chúng qua điện thoại.
Nhưng với những nơi như ổ dịch New York, không có bất kỳ hướng dẫn nào về việc duy trì quyền nuôi con được đưa ra trong thời gian này. Nhiều người tham gia tuyến đầu chống dịch bị vợ hoặc chồng ngăn cản gặp gỡ con vì lo dịch bệnh. Nhiều người bức xúc tìm kiếm sự giúp đỡ từ tòa án nhưng nhiều nơi hiện đã đóng cửa, số khác tổ chức các phiên điều trần trực tuyến. Một số trường hợp tòa xác định không phải trường hợp khẩn cấp để được giải quyết ngay.
Tuần trước, Tabatha Sams, sống ở ngoại ô thành phố Orlando, bang Florida, không cảm thấy an toàn cho đứa con trai 21 tháng tuổi nếu tiếp tục cho em bé gặp gỡ bố Stephen Thilmony - chồng cũ của Sams, làm nghề cứu hỏa. Thilmony khẳng định anh và bạn gái mới, một y tá làm việc tại phòng cấp cứu, đang thực hiện các biện pháp bảo hộ tốt nhất. Nhưng điều đó không khiến Sams yên tâm, nhất là khi số ca tử vong vì Covid-19 vẫn tăng mỗi ngày.
Cuối cùng, theo lời khuyên của luật sư, cô lựa chọn nộp đơn lên tòa án, yêu cầu quyền được đơn phương nuôi con khẩn cấp trong thời gian tới. "Tôi không thể chơi trò may rủi vào lúc này. Tôi phải bảo vệ con mình", Sams nói.
Đáp trả hành động của vợ cũ, Thilmony nói với tòa rằng Sams đã không đưa ra bằng chứng cụ thể chỉ ra mối đe dọa mà anh đem lại cho con. "Người cha không nên bị tước quyền nuôi con chính đáng chỉ vì anh ta làm việc ở tuyến đầu chống dịch", luật sư Thilmony tranh luận. Cuối cùng thẩm phán đã lên lịch một phiên điều trần trực tuyến để cả hai tham dự và giải quyết vấn đề.
Nữ bác sĩ Mayorquin cũng có một phiên điều trần khẩn cấp cùng ngày luật sư chồng cô đệ trình kiến nghị lên tòa. Do không thể liên lạc với luật sư của Mayorquin qua điện thoại, thẩm quán trao quyền nuôi con tạm thời cho chồng của cô.
Tức giận vì bị chia cắt khỏi hai con gái, nữ bác sĩ tìm cách lật ngược tình thế. Ban đầu, cô nghĩ đến các lý lẽ rằng cô không trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, luôn mặc đồ bảo hộ cá nhân mọi lúc, thay quần áo và tắm rửa, khử trùng ngay khi về đến nhà. Nhưng cuối cùng cô nhận ra chồng cũ hoàn toàn có lý. An toàn nhất cho bọn trẻ là cô không gặp trực tiếp bệnh nhân nào.
Bệnh viện cho phép cô tiếp tục công việc khám và điều trị bệnh trực tuyến. "Tôi không muốn chiến đấu với chồng thêm nữa. Tôi chỉ muốn được gặp con mình trở lại", Mayorquin thừa nhận và cảm thấy có lỗi khi không thể cống hiến nhiều hơn trong lúc đại dịch.
Trước sự thay đổi điều kiện làm việc của cô, thẩm phán đã rút lại phán quyết, trao quyền nuôi con cho nữ bác sĩ.
Tại thành phố Monterey, bang California, Lisa Chu cũng nộp đơn yêu cầu khẩn cấp quyền nuôi ba con tạm thời bởi chồng cũ của cô Steven Biakanja là lính cứu hỏa. Cô yêu cầu chồng cũ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV mỗi khi đến gặp con. Điều này chắc chắn bất khả thi vì số lượng chờ kiểm tra còn đang quá tải.
Dù chồng cũ đảm bảo với Chu rằng anh sẽ tự cách ly nếu có bất kỳ biểu hiện nhiễm bệnh nào nhưng cô vẫn lo sợ bởi nhiều người mang theo mầm bệnh mà không hề có triệu chứng. "Tôi biết điều này rất khó khăn với cả nhà, nhưng tôi phải làm vậy trong trường hợp này", Chu nói.
Tuy nhiên, Biakanja không chịu ngồi yên. "Đây là cuộc tấn công vào những người đang có công giúp đất nước chống chọi với bệnh dịch", Biakanja nói với thẩm phán.
Cuối cùng, tòa bác quyền đơn phương chăm sóc con của Chu. Những đứa trẻ được phép gặp gỡ, chơi đùa với cha. Chỉ khi nào Biakanja có biểu hiện nhiễm virus, Chu mới có quyền đơn phương nuôi và chăm sóc con.
Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất và chết chóc nhất thế giới với 613.000 ca nhiễm, trong đó trên 26.000 người tử vong. New York là tâm dịch ở nước Mỹ với hơn 200.000 ca, trong hơn gần 11.000 ca tử vong.
Sơn Nam (Theo New York Times)