![]() |
Báo chí đã cảnh báo nhiều về thế lực ngầm đã thao túng SLNA. |
Năm 1998, Nguyễn Hữu Thắng đoạt danh hiệu “Quả bóng Bạc”. Năm 1999, HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh dẫn đội bóng SLNA rời xứ Nghệ ra sân Hàng Đẫy dự giải cúp Dunhill.
Trong một cuộc họp nội bộ tổ chức tại khách sạn Kim Liên (thành phần tham dự cuộc họp gồm các thành viên Ban huấn luyện và một số cầu thủ nòng cốt của đội), HLV Nguyễn Thành Vinh phát biểu: “Hiện nay đã xuất hiện những tiêu cực trong bóng đá. Tôi nghe tin có một số cá nhân trong đội SLNA chúng ta chơi với Thắng Tài Dậu".
Hữu Thắng đứng dậy, tuyên bố: “Quan hệ ngoài xã hội là việc riêng của mỗi người. Cháu là người chơi với Thắng “Tài Dậu” (Nguyễn Hữu Thắng luôn xưng hô chú - cháu với HLV Nguyễn Thành Vinh). Họ làm gì không biết, còn cháu chỉ quan hệ tình cảm, xã giao, không làm ảnh hưởng đến đội bóng là được. Nếu sau này có điều gì xảy ra thì ai làm, người nấy chịu”. (Vừa qua trả lời báo chí, Nguyễn Hữu Thắng không phủ nhận mối quan hệ này, mà cho rằng đó là “quan hệ xã giao”).
Ông Nguyễn Thành Vinh cảnh báo: “Theo tôi, tốt hơn hết là đừng nên quan hệ với những phần tử bất hảo ngoài xã hội. Để đảm bảo uy tín của SLNA, tôi cấm các anh có những quan hệ đó”.
Sau này, khi con thuyền Sông Lam lạc trong giông tố, một nhân vật vốn rất am hiểu về nội tình của SLNA tâm sự với tôi: “Từ khi bước chân ở đội tuyển VN về, trong vai Đội trưởng đội tuyển Quốc gia, thì việc khen ai, chê ai, đều khó qua mặt được Nguyễn Hữu Thắng”.
Ảnh hưởng của Hữu Thắng lớn dần, uy lực của anh ta không chỉ nằm trong BHL, mà còn lan tỏa đến các đồng nghiệp. Ngày 11/11/1999, giải vô địch Quốc gia 1999-2000, BHL đội SLNA họp xét hình thức kỷ luật đối với 7 cầu thủ “can tội đi chơi khuya” sau trận đấu với đội CAHN. Gồm: Văn Sỹ Sơn, Đặng Quốc Cường, Duy Ghi, Nguyễn Phi Hùng, Phạm Anh Tuấn, Phan Thanh Tuấn, Lê Văn Lưu.
Tập thể đội SLNA họp, cho đây là trường hợp nghiêm trọng nhất từ trước lại nay. Sau khi kiểm điểm, tất cả 7 VĐV nhận khuyết điểm của mình và hứa “xin quyết tâm phấn đấu hơn nữa”.
Tập thể nhất trí kiểm điểm phê bình trước toàn đội đối với 6 cầu thủ, riêng VĐV Đặng Quốc Cường bị đề nghị hình thức kỷ luật đưa xuống đội trẻ (U18) và hưởng 50% chế độ. Tại cuộc họp này, Nguyễn Hữu Thắng nói: “Kỷ luật của đội bóng là trên hết”.
Nhưng biên bản lập chưa ráo mực, sáng hôm sau Hữu Thắng tìm gặp HLV Thành Vinh, đề nghị không đưa tiền đạo Đặng Quốc Cường xuống đội trẻ, chỉ phê bình cảnh cáo. Lúc đó, ông Vinh rất bức xúc: “Tại sao hôm qua trong cuộc họp nội bộ đã thống nhất như thế, hôm nay lại thay đổi ?”.
Hữu Thắng viện dẫn lý do đó là ý kiến của anh em VĐV đề xuất. “Chú muốn giải quyết như thế nào thì giải quyết” - Anh ta nói như thách thức. Lại phải hội ý lãnh đạo BHL, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh yêu cầu phải tôn trọng ý kiến của VĐV.
Chẳng còn cách nào khác, HLV Thành Vinh phải chấp nhận xử lý kỷ luật cầu thủ “theo ý kiến của VĐV”, như Hữu Thắng đề xuất. Những biên bản đã lập từ hôm trước không còn hiệu lực.
Dường như, mâu thuẫn giữa HLV Thành Vinh và “cặp bài trùng” Hồng Thanh - Hữu Thắng bắt đầu từ đó. Và trong sâu xa, ông Thành Vinh đã nhận thấy sự rạn nứt mối quan hệ trong BHL. Tiếng nói của vị HLV trưởng không còn đủ uy lực như xưa. Càng xả thân vì SLNA, ông càng thấy mình lẻ loi, cô độc.
Năm 2000, Nguyễn Hữu Thắng bị chấn thương phải sang CHLB Đức mổ chân. Trở về, nghỉ ngơi dưỡng bệnh, rồi tập nhẹ. Khi Hữu Thắng bình phục, SLNA tổ chức một cuộc họp, đề xuất đưa Hữu Thắng vào Ban huấn luyện.
Ông Thành Vinh đồng ý. Như vậy, Hữu Thắng là một trong số rất ít VĐV của làng thể thao Việt Nam vừa đá bóng, vừa huấn luyện cầu thủ.
“Từ đó trở đi, vấn đề xử lý vi phạm của VĐV, tiếng nói của HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh không còn mấy hiệu lực" - Một VĐV kỳ cựu của SLNA tâm sự - "Nghĩa là anh nào làm gì thì làm, báo lên vẫn bị dập lại”.
Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa HLV Nguyễn Thành Vinh và trợ lý Nguyễn Hữu Thắng là thời điểm kết thúc mùa giải 2000 - 2001, khi SLNA nảy sinh những bất đồng về mặt tài chính: vấn đề sử dụng tiền để mua chức vô địch. Đây chính là mắt xích của chuyên án mà hiện nay cơ quan điều tra Bộ Công an đang đột phá.
Năm 2003, HLV Nguyễn Thành Vinh rời SLNA lên nhận công tác tại đội tuyển Quốc gia. Ông Nguyễn Hồng Thanh gánh vác trách nhiệm thay ông Vinh cầm quân, kiêm giám đốc điều hành.
Trong khi đó, Hữu Thắng đã trở thành “cánh tay phải đắc lực” của ông Thanh. Năm đó, SLNA thi đấu thất thường: dẫn đầu lượt đi, nhưng lượt về thua tan tác.
Trong đó có những trận thua khó hiểu khiến ông Nguyễn Hồng Thanh phải nổi nóng. Lịch sử bóng đá SLNA để lại “vết nhơ” khi ngay tại thánh địa Vinh - nơi “bất khả chiến bại” của đội quân áo vàng, SLNA ngã ngựa trước đội Công an TP HCM. Nhiều trận bóng khiến người hâm mộ xứ Nghệ bất bình, phẫn nộ. Khán đài trống vắng và khán giả quay lưng lại với Sông Lam.
Với bản tính khôn ngoan, Nguyễn Hữu Thắng khéo lấy lòng các cầu thủ, luôn tỏ ra quân tử xứng danh bậc đàn anh, đặc biệt là đối với đàn em út như Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng.
Động viên Văn Quyến góp tiền xây nhà cho mẹ; khi Quốc Vượng bị tai nạn xe máy gần khu vực cầu Thông (TP Vinh), Nguyễn Hữu Thắng tận tình giúp đỡ đến nơi đến chốn. Chính “lòng tốt” của Hữu Thắng đã giúp vị trợ lý HLV tiếp cận lớp đàn em, “chia ngọt sẻ bùi”.
Và xót xa thay, điểm dừng chân cuối cùng của sự vuốt ve lẫn nhau của tình huynh đệ ấy không phải là đỉnh cao vinh quang chiến thắng, mà ở sau song sắt trại giam.
Gia đình cầu thủ không thể kiểm soát hết mọi hành vi của con em mình, vì khi đứng vào hàng ngũ SLNA thì số phận của VĐV đã phó thác cho các ông thầy. Thầy tốt thì trò hay. Thầy hư thì trò cũng hỏng.
“Từ khi trở thành HLV, anh ta có tham vọng đốt cháy giai đoạn. Phải chăng vì thế mà người ta gọi ông Nguyễn Thành Vinh là… bị bắn sau lưng" - một cựu VĐV SLNA thở dài - "Ai biết những trận nào VĐV đá thật, những trận nào chúng nó đá giả”.
Kỳ 1: Cầu thủ 'chém đinh chặt sắt'
(Theo Tiền Phong)