Theo một nguồn tin, trong số 8 thủ khoa được Hà Nội nhận về công tác đã có 7 người ra đi.
Ba năm trước, vào một ngày mùa thu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội lần đầu tiên tưng bừng tổ chức lễ tôn vinh những nhân tài trẻ “Tuyên dương các thủ khoa tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại Thủ đô”.
Tại buổi lễ này, một vị lãnh đạo thành phố đã long trọng tuyên bố: “Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận tất cả các thủ khoa ĐH vào biên chế các cơ quan Nhà nước, dù thủ khoa đó hộ khẩu ở bất kỳ tỉnh nào”...
Thời gian trôi nhanh, trong tổng số hàng trăm sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mỗi năm, sau 3 năm HN tuyên bố mạnh mẽ về chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài, đến nay chỉ vỏn vẹn có... 8 thủ khoa vào làm việc ở các cơ quan nhà nước của Thủ đô.
Trong cuộc trò chuyện với nhà báo lão thành Hữu Thọ, Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ông có cho biết một thông tin: Trong số 8 thủ khoa tốt nghiệp đại học được HN nhận về công tác, đã có 7 thủ khoa “bỏ đi”, hay nói cách khác là 7 thủ khoa này đã không còn làm những công việc mà họ được Hà Nội trân trọng mời về với nhiều chính sách ưu đãi khi họ mới ra trường.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, đã từ chối trả lời vấn đề này và cho biết vào tháng 4 tới đây Hà Nội mới tiến hành tổng kết về công tác thu hút nhân tài trong thời gian ba năm qua.
Chủ nhiệm CLB thủ khoa Hà Nội Lê Sử Năng cho rằng: “Nếu thông tin đó là đúng thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì “chảy máu chất xám” là chuyện thường thấy ở các cơ quan nhà nước”.
Theo anh Năng, ngân hàng và công nghệ thông tin là hai ngành hiện dẫn đầu về số lượng nhân viên giỏi “nhảy cóc” (từ giới trẻ chỉ những người thường xuyên chuyển cơ quan làm việc).
Một ví dụ về ngành ngân hàng: Mới đây, khi được đón Thủ tướng đến thăm và làm việc, ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), đã báo cáo rằng ngân hàng này mỗi năm “mất” khoảng 200 chuyên viên giỏi mà thường là chuyển sang các doanh nghiệp cùng ngành.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã nhiều lần kêu về tình trạng tuyển dụng và đào tạo nhân viên rồi... để doanh nghiệp khác sử dụng.
Một chuyên gia kinh tế phân tích: “Để có được đội ngũ chuyên viên giỏi, nhất là trong các lĩnh vực như ngân hàng thì ngoài việc tuyển chọn rất khó khăn, các doanh nghiệp phải bỏ ra hàng tỷ đồng để đào tạo, nâng cao chuyên môn và không ít người được cử đi đào tạo ở nước ngoài với số tiền lên tới hàng chục nghìn USD cho mỗi khoá học”.
Nhiều thủ khoa không tìm được việc làm
Có một nghịch lý là có nhiều thủ khoa lại không kiếm nổi việc làm.
Chủ nhiệm CLB Thủ Khoa Hà Nội Lê Sử Năng cho biết: “Không cần nhìn đâu xa xôi, trong số trên dưới 100 thủ khoa tốt nghiệp đại học trên địa bàn HN năm 2005, hiện vẫn có khoảng 80% trong số đó vẫn đang phải vất vả tìm kiếm việc làm”.
Theo anh Năng, có thủ khoa tốt nghiệp đại học về quê (Hải Phòng) xin vào dạy ở một trường trung học mà vẫn không được tiếp nhận, thấy con mình cầm chiếc bằng đỏ mà cứ thất nghiệp mãi, gia đình thủ khoa này đã phải “vào cuộc”.
Không chỉ ở cấp tỉnh, thành và các DNNN mà ở cấp Bộ tình trạng “chảy máu chất xám” cũng đang trở thành đề tài nóng trong các cuộc thảo luận về nguồn nhân lực trẻ.
Các nguồn tin chính thức ở Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao khẳng định rằng, nhiều chuyên viên trẻ (tốt nghiệp đại học loại giỏi trong nước hoặc nước ngoài) sau ít năm làm việc đã tìm cách “nhảy cóc” ra bên ngoài.
Riêng ở Bộ Thương mại, lãnh đạo Viện Nghiên cứu thương mại và Vụ Đa biên gần đây đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy...
Các thủ khoa tốt nghiệp đại học nói gì về thực trạng “lối nhỏ vào đời” của mình? Các cơ quan đã “trải thảm đỏ” đón họ về sử dụng để rồi họ phải khăn gói ra đi trả lời ra sao? Cơ chế thu hút nhân tài trẻ cần điều chỉnh như thế nào để không còn chuyện “nói vậy mà không phải vậy
(Còn nữa)
(Theo Tiền Phong)